Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bày tỏ quan ngại sâu sắc về kho vũ khí hạt nhân ngày càng mở rộng của Trung Quốc trong cuộc họp với ngoại trưởng các nước ASEAN và đối tác.
Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), bao gồm hơn 20 quốc gia, Ngoại trưởng Antony Blinken kêu gọi Trung Quốc chấm dứt hành vi “khiêu khích” ở Biển Đông, đồng thời “bày tỏ quan ngại sâu sắc” về vấn đề Tây Tạng, Hong Kong và Tân Cương.
“Ngoại trưởng Mỹ cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc Trung Quốc phát triển nhanh chóng kho vũ khí hạt nhân, động thái cho thấy Bắc Kinh đã đi chệch hướng mạnh mẽ so với chiến lược hạt nhân dựa trên sự răn đe tối thiểu trong nhiều thập niên”, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong thông cáo ngày 6/8.
Trung Quốc hiện chưa phản hồi tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ.
Cả Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ gần đây đều bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc mở rộng lực lượng hạt nhân, sau khi một nhóm nghiên cứu công bố hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc dường như đang xây dựng hàng trăm hầm chứa mới cho tên lửa hạt nhân.
Đầu tháng 7, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng chỉ trích việc Trung Quốc xây dựng lực lượng hạt nhân. Washington kêu gọi Bắc Kinh cam kết tiếp tục thực hiện “các biện pháp thiết thực nhằm giảm nguy cơ chạy đua vũ trang gây mất ổn định”.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (Ảnh: Reuters).
Nghị sĩ đảng Cộng hòa Mike Turner, thành viên cấp cao của Tiểu ban các lực lượng chiến lược thuộc Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, cho biết quá trình xây dựng lực lượng hạt nhân của Trung Quốc là “chưa từng có tiền lệ”, đồng thời cho rằng việc triển khai vũ khí hạt nhân của Trung Quốc nhằm “đe dọa Mỹ và các đồng minh”. Nghị sĩ Turner cho rằng tất cả các quốc gia “có trách nhiệm” cần “lo ngại và lên án” việc Trung Quốc từ chối tham gia đàm phán về kiểm soát vũ khí.
Theo một báo cáo vào năm 2020, Lầu Năm Góc ước tính Trung Quốc có khoảng 200 đầu đạn hạt nhân. Báo cáo cũng nói rằng, trong thập niên tới, kho đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc có thể sẽ tăng ít nhất 2 lần khi Trung Quốc mở rộng và hiện đại hóa lực lượng hạt nhân.
Trong khi đó, các nhà phân tích cho biết Mỹ có khoảng 3.800 đầu đạn và theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ, 1.357 trong số đó đã được triển khai tính đến ngày 1/3.
Mỹ đã nhiều lần kêu gọi Trung Quốc tham gia đàm phán 3 bên cùng với Mỹ và Nga để tiến tới một hiệp ước kiểm soát vũ khí mới. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã từ chối đề nghị này với lý do kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc quá nhỏ so với Nga và Mỹ, nhưng sẵn sàng đối thoại song phương về an ninh chiến lược trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Tổng thống Joe Biden ưu tiên vấn đề ổn định chiến lược khi họp thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin và điều này cũng áp dụng trong chính sách với một quốc gia hạt nhân khác là Trung Quốc.