Nhu cầu gạo trên thế giới vẫn rất cao, những thị trường lớn như Trung Quốc đang rất cần nhập khẩu gạo nhưng doanh nghiệp Việt lại không thể giao hàng do chuỗi cung ứng đứt gãy nghiêm trọng.
Cuộc họp trực tuyến của Bộ NNPTNT về tình hình sản xuất, tiêu thụ lúa gạo tại ĐBSCL sáng nay (ngày 7/9).
Tại cuộc họp trực tuyến của bộ NNPTNT về tình hình sản xuất, tiêu thụ lúa gạo tại ĐBSCL, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, sản lượng thu mua lúa hè thu giảm 20-30%, thấp hơn so với cùng kỳ khoảng 500 – 600 đồng/kg.
Bộ Công thương cho biết, giá lúa gạo tại ĐBSCL trong tuần từ 02/8 đến ngày 6/8 ổn định vào đầu tuần; giữa tuần giá lúa giảm từ 50 – 300 đồng kg sau đó cuối tuần tăng nhẹ.
Cụ thể, giá lúa IR50404 dao động trong khoảng 4.400 đồng/kg, giảm so với cùng kỳ năm trước từ 900 – 1.300 đồng/kg.
Giá lúa OM9577 và OM9582 trong khoảng 5.600 – 5.800 đồng/kg, thấp hơn cùng kỳ năm trước 1.000 đồng/kg.
Giống OM6976, giá bán đầu tuần 5.100 – 5.200 đồng/kg, ổn định đến cuối tuần ; thấp hơn cùng kỳ năm trước 500 – 600 đ/kg.
Giá lúa nếp tươi Long An ổn định từ đầu tuần đến cuối tuần với mức 4.400 -4.750 đồng/kg, thấp hơn cùng kỳ năm trước 550 – 800 đồng/kg.
Một số tỉnh khác ở khu vực ĐBSCL, giá lúa cũng giảm mạnh Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, trong tuần qua, giá lúa thường tại ruộng giảm 133 đồng, còn khoảng 5000 đồng/kg, giá lúa tại kho tăng 40 đồng, trước tình hình dịch Covid-19 phức tạp nên việc đi thu mua giữa các địa phương gặp nhiều khó khăn, nhiều thương lái lo ngại đi vào vùng dịch, một số doanh nghiệp đã ngừng thu mua lúa.
Hiện nay, giá lúa gạo và các mặt hàng nông sản giảm sâu không phải do cung cầu mà do đứt gãy nghiêm trọng chuỗi cung ứng. Tại thị trường quốc tế nhiều nước muốn tiếp tục nhập gạo của Việt Nam nhưng các doanh nghiệp không thể giao hàng. Bởi Tân Cảng là cảng container chính đã dừng nhận giao gạo xuất khẩu từ tháng 7/2021 và chưa rõ khi nào có thể tiếp tục trong khi lượng cotainer ứ đọng tại cảng Cát Lái và chỉ chỉ còn một nửa nhân sự làm việc.
Trước tiên phải giải phóng được lượng lúa tồn đọng trong dân, các doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương nên tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ thu mua lúa, các ngân hàng nên có ưu đãi đặc biệt để các doanh nghiệp tích cực đi mua lúa người dân đang tích trữ. Tập đoàn Lộc Trời cam kết thu mua giúp dân một số giống lúa, bình ổn giá không tăng giá vật tư…nhiều ý kiến cho rằng phải đặt cọc mua lúa cho dân mới chặn được đà giảm giá hiện nay”.
Hiện nay, Nông dân- thương lái- doanh nghiệp là chuỗi mắt xích không thể tách rời trong chuỗi cung ứng lúa gạo. Một số diện tích lúa ký hợp đồng với doanh nghiệp thì sẽ được bao đầu ra, còn lại đa số nông dân phụ thuộc vào thương lái.
Hiện, cảng Cát Lái đang bị phong tỏa, các tàu nằm chờ bên ngoài không thể vào lấy gạo, và sớm có phương án cho tàu vào lấy gạo như vậy mới táo gỡ được nút thắt của doanh nghiệp và nông dân.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đề nghị các địa phương phải vào cuộc ngay lập tức tháo gỡ những khó khăn trong lưu thông hàng hóa, vận tải, tạo điều kiện lưu thông an toàn.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết: Vừa qua, hạn mức tín dụng của DBSCL tăng 17% chủ yếu để thu mua lúa gạo. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại cơ cấu lãi, nợ của các doanh nghiệp đến hạn nhưng chưa thể trả được.
Kết thúc cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành phố, lãnh đạo sở NNPTNT vùng ĐBSCL thành lập tổ công tác, thúc đẩy sản xuất, kết nối tiêu thụ, tiếp nhận thông tin kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh của tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, thu hoạch… ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 cho lái xe, người tham gia vận chuyển hàng hóa đảm bảo thông suốt và an toàn.
Hỗ trợ thuế, các khoản phí cho doanh nghiệp trong thời gian dịch bệnh, hiện các chi phí test nhanh và PCR, chi phí ăn, ở cho các lao động “3 tại chỗ”.
Thực tế cho thấy, hiện nay không riêng gì mặt hàng lúa gạo, trong cuộc họp giữa các hiệp hội ngành hàng và các hãng tàu vào đầu tuần, Hiệp hội rau quả và Hiệp hội hồ tiêu cũng cho rằng lưu thông mặt hàng nông sản gặp khó khăn do các quy định trong phòng chống dịch và các chi phí tăng cao, chưa kể một số hãng tàu từ chối sử dụng container lạnh để vận chuyển hàng nông sản xuất khẩu.