Vương Nghị khẳng định chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, chỉ trích Mỹ và Phương Tây
Trung Quốc mong muốn tái đàm phán COC?
Trong cuộc họp trực tuyến với các đồng nhiệm ASEAN ngày 3/8, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thông báo, sau một thời gian dài tạm ngưng do đại dịch COVID-19, hai bên đã đồng ý nối lại các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), một văn bản đã được chờ đợi từ nhiều năm qua. Ông Vương Nghị còn cho biết các bên có liên quan về cơ bản đã đồng ý về lời nói đầu của bộ quy tắc này.
Ngoài ra, ông Vương Nghị cũng kêu gọi duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục tôn trọng các cam kết của mình liên quan đến Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Trung Quốc nhấn mạnh việc các nước liên quan trực tiếp giải quyết hòa bình các tranh chấp thông qua tham vấn và thương lượng, hạn chế các hành động đơn phương làm trầm trọng thêm căng thẳng và mở rộng những khác biệt, đồng thời làm sâu sắc hơn hợp tác hàng hải thực tế.
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đã hoan nghênh việc nối lại đàm phán COC, nhưng nhấn mạnh một văn bản “hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, được cộng đồng quốc tế ủng hộ”.
Trong hội nghị tại Trùng Khánh vào đầu tháng 6/2021, các quan chức cao cấp ASEAN và Trung Quốc đã “nhất trí” thúc đẩy tiến trình đàm phán COC và đã chỉ đạo Nhóm công tác chung sớm nối lại đàm phán “dưới hình thức phù hợp”, nhưng lúc đó không nói rõ lịch trình. Trong tuyên bố ngày 3/8, Ngoại trưởng Vương Nghị cũng không nói rõ khi nào Trung Quốc và ASEAN sẽ nối lại đàm phán về COC. Cho tới nay, nội dung đàm phán về COC giữa ASEAN và Trung Quốc vẫn được giữ kín.
Mới đây, khi trả lời phỏng vấn báo Thế giới & Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng có cho biết:
“Tình hình Biển Đông có những phức tạp nhất định. Trong tình hình đó, ASEAN vẫn duy trì quan điểm nhất quán của mình.
Đó là ủng hộ, nhấn mạnh hòa bình, ổn định, tự do hàng hải, hàng không ở khu vực và xây dựng lòng tin. Các nước phải kiềm chế, không có hành động làm leo thang căng thẳng, hoặc các hành động quân sự hóa hay tái tạo đảo, hoặc những hoạt động gây tổn hại quyền lợi chính đáng của các nước ở ven biển.
Các nước nhất trí rất cao, đề cao vai trò của luật pháp quốc tế, đặc biệt nhấn mạnh UNCLOS là khuôn khổ để điều chỉnh các hoạt động của các nước trên biển và trên đại dương.
Quan trọng nữa, các nước nhất trí rằng COC phải thực chất, tổng thể, phù hợp luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS. Điểm mới là Trung Quốc giờ đây đã chấp nhận quan điểm của ASEAN. Điều đó sẽ định hướng quá trình thương lượng COC thời gian tới.” (1)
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu tại Hội nghị đặc biệt các ngoại trưởng ASEAN và Trung Quốc ở Trùng Khánh, Trung Quốc hôm 7/6/2021. AP
Quan điểm của Trung Quốc qua phát biểu của ông Vương Nghị
Như vậy, liệu chúng ta có thể hy vọng về “thiện chí” của Trung Quốc đối với việc đàm phán COC?
Ngày 5/8, trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc có đưa bài phát biểu của ông Vương Nghị về vấn đề biển Đông mà ông ta đã phát biểu một ngày trước đó (2). Qua bài viết này, chúng ta sẽ hiểu được quan điểm về “luật pháp quốc tế và vấn đề biển Đông” của Trung Quốc như thế nào.
Trong bài phát biểu của mình, ông Vương Nghị đề nghị bốn vấn đề cần tôn trọng, trong đó:
“Thứ nhất, chúng ta cần tôn trọng sự thật lịch sử. Trung Quốc là nước đầu tiên phát hiện, đặt tên và thăm dò Nam Hải Chư Đảo (các đảo ở Biển Đông) và các vùng biển liên quan, và là nước đầu tiên thực hiện liên tục, hòa bình và hiệu quả chủ quyền và quyền tài phán đối với chúng. Sau Thế chiến II, chính phủ Trung Quốc tiếp tục thực thi quyền lực đối với Nam Hải Chư Đảo bị Nhật Bản chiếm đóng trái phép theo Tuyên bố Cairo và Tuyên bố Potsdam, vốn đã hình thành nên một phần quan trọng của trật tự quốc tế sau Thế chiến II. Trong những năm 1950 và 1960, Hoa Kỳ nhiều lần đệ đơn xin Trung Quốc khảo sát ở Nam Sa Quần Đảo (quần đảo Trường Sa). Các bản đồ chính thức do Nhật Bản và các quốc gia khác xuất bản cũng thể hiện Nam Sa Quần đảo là lãnh thổ của Trung Quốc. Đây là những sự thật có thể truy ngược lại lịch sử và không thể phủ nhận.”
Ông Vương Nghị khẳng định đây là “sự thật lịch sử”. Cái gọi là “sự thật lịch sử” này thực chất là sự trí trá, đổi trắng thay đen, bẻ cong sự thật của Trung Quốc. Chuyên gia Bill Hayton đã vạch trần cái gọi là “sự thật lịch sử” này của Trung Quốc (3). Theo đó, Trung Quốc tự đưa ra những nội dung trên, chứ không có Hiệp định hay Hiệp ước nào trao quyền cho Trung Quốc ở biển Đông cả. Ngoài ra, có học giả còn nhận ra Trung Quốc cố tình mập mờ, đánh tráo khái niệm ở đây (4).
Bài phát biểu của ông Vương Nghị còn cho biết thêm: “Thứ hai, chúng ta cần tôn trọng luật pháp. Theo luật pháp quốc tế, Trung Quốc có chủ quyền đối với Nam Sa Quần đảo và đương nhiên có các quyền và lợi ích biển tương ứng. Điều này không trái với các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển được thông qua sau này. Trung Quốc chưa bao giờ thay đổi cơ sở yêu sách của mình, cũng như không đưa ra bất kỳ yêu sách mới nào. Cáo buộc rằng Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tất cả các vùng biển trong đường đứt đoạn là nội thủy và lãnh hải của họ là sự cố ý bóp méo lập trường của Trung Quốc.”
Lập luận này của ông Vương Nghị thật hoang đường. Chả có luật quốc tế nào trao quyền cho Trung Quốc ở biển Đông cả. Chỉ có “luật rừng” của Trung Quốc tự đặt ra mà thôi. Nếu Trung Quốc có đủ cơ sở từ luật quốc tế, Trung Quốc đã không phải “trốn chạy” trước các Toà án Quốc tế đến như vậy. Toà Trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc đã giải thích rõ, tất cả các “quyền lịch sử” của Trung Quốc tại biển Đông, một mặt không có bằng chứng, mặt khác phải bị thay thế bởi các quyền được quy định tại Công ước Luật biển mà Trung Quốc là một thành viên.
Ông Vương Nghị còn khẳng định thêm: “chúng ta cần tôn trọng các nước trong khu vực. Với nỗ lực chung của Trung Quốc và các nước ASEAN, Biển Đông nhìn chung đã duy trì được tình hình ổn định và không có vấn đề gì về tự do hàng hải và hàng không. Tuy nhiên, một số quốc gia ngoài khu vực muốn gây rối nên đã cố tình phóng một số lượng lớn tàu chiến và tàu chiến tối tân vào Biển Đông, cố tình lôi kéo các nước ngoài khu vực “thể hiện sức mạnh” của họ ở Biển Đông và công khai gieo rắc mối bất hòa giữa các nước trong khu vực, nhất là các nước liên quan. Trung Quốc và các nước ASEAN cần nhận thức rõ ràng về ý đồ thâm độc của các lực lượng ngoài khu vực và kiên quyết nói “không” với bất kỳ hành động nào phá hoại hòa bình và ổn định ở Biển Đông và phá hoại sự thống nhất và hợp tác của các nước trong khu vực. Đồng thời, chúng ta cũng nên cảnh báo các lực lượng ngoài khu vực này rằng các bạn nên tôn trọng nỗ lực của các nước trong khu vực nhằm bảo vệ hòa bình và ngừng cố gắng vươn ra Biển Đông.”
Đây chính là kiểu “ném bùn sang ao” Trung Quốc. Ý của ông Vương Nghị muốn “nhắc nhở” tất cả các quốc gia phương Tây cũng như Ấn Độ, đặc biệt là Hoa Kỳ, không phải là các quốc gia ở khu vực biển Đông nên đừng “nhúng tay” vào chuyện này.
Ngày 4/8, Ngoại trưởng Ấn Độ đã viết trên Twitter của mình: “Nhấn mạnh rằng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông phải hoàn toàn phù hợp với UNCLOS 1982. Không được làm phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia không tham gia thảo luận.”
Biển Đông không chỉ quan trọng đối với các quốc gia tại khu vực này mà còn giữ vai trò quan trọng đối với thương mại biển trên toàn thế giới. Chính vì vậy, việc các quốc gia trên thế giới quan tâm đến sự an toàn, ổn định và luật pháp quốc tế được duy trì ở đây là điều hết sức hiển nhiên.
Với các kiểu “lý luận cùn” như vậy từ các lãnh đạo Trung Quốc, chúng ra mới hiểu rõ bên nào là bên đang phá hoại tiến trình đàm phán COC. Chính bên đó đã dùng vũ lực trái phép để đe doạ và xâm chiếm các thực thể ở biển Đông, rồi quân sự hoá các thực thể đó.
Phát biểu này của ông Vương Nghị cho thấy, tiến trình đàm phán COC không lạc quan như nhận xét của Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng, mà ngược lại, chắc vẫn còn đầy gian nan.