Wednesday, December 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiÔng Vương Nghị lại đánh trận giả

Ông Vương Nghị lại đánh trận giả

Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) dền dứ bao năm nay nhưng vẫn chưa đàm phán được. Ách tắc chủ yếu là do Trung Quốc. Thế nhưng, Bắc Kinh luôn tuyên bố rằng, chúng tôi rất muốn tái đàm phán. Việc chậm  trễ này là do đại dịch Covid-19, do các thế lực hắc ám phá hoại.

Mới đây, hôm 3/8 trong cuộc họp trực tuyến với các đồng nhiệm ASEAN, ông Vương Nghị – Ngoại trưởng Trung Quốc lại tìm cách đào rễ củ gấu. Ông rào đón: “Sau một thời gian khá lâu tạm dừng do đại dịch, hai bên đã đồng ý nối lại các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông”.  

Không chỉ đề nghị sớm nối lại đàm phán, ông Vương còn “kêu gọi duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông”. Ông tuyên bố: Trung Quốc sẽ tiếp tục tôn trọng các cam kết của mình liên quan đến Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).  

Nói thì chắc như cua gạch nhưng kế hoạch cụ thể để triển khai thì… chưa có gì. Không thấy ông Vương nói khi nào Trung Quốc và ASEAN sẽ nối lại đàm phán về COC. Nội dung đàm phán về COC giữa ASEAN và Trung Quốc gồm những vấn đề gì? Không ai có thể soi được cái quả tù mù ấy.

Vậy là, thiện chí của Trung Quốc vẫn là thứ “giả cầy”.

Như để thanh minh thanh nga cho kế hoạch tái đàm phán, hôm 5/8, trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đăng bài phát biểu của Ngoại trưởng Vương Nghị. Chủ đề bài viết là “luật pháp quốc tế và vấn đề Biển Đông”. Cụ thể, ông Vương Nghị nêu bốn vấn đề cần tôn trọng: Một, tôn trọng sự thật lịch sử; hai, tôn trọng luật pháp; ba, tôn trọng các nước trong khu vực; bốn, không làm phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia không tham gia thảo luận.

Nghe có vẻ rõ ràng, rành mạch. Thật ra nhà ngoại giao cáo già Trung Quốc vẫn tiếp tục đánh trận giả.

Bây giờ hãy đặt câu hỏi “sự thật lịch sử” mà Vương Nghị nói là sự thật nào? Lấy gì để bảo đảm? Ông Vương xưng xưng nói: “Trung Quốc là nước đầu tiên phát hiện, đặt tên và thăm dò Nam Hải Chư Đảo (tức là tất cả các đảo ở Biển Đông). Trung Quốc cũng là nước đầu tiên thực hiện liên tục, hòa bình và hiệu quả chủ quyền và quyền tài phán đối với chúng. Sau Chiến tranh thế giới thứ II, chính phủ Trung Quốc tiếp tục thực thi quyền lực đối với Nam Hải Chư Đảo bị Nhật Bản chiếm đóng trái phép. Vào những năm 1950- 1960,  Mỹ đã  nhiều lần đệ đơn xin Trung Quốc khảo sát ở Nam Sa (quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Các bản đồ chính thức do Nhật Bản và các quốc gia khác xuất bản cũng thể hiện Nam Sa là lãnh thổ của Trung Quốc. Đây là những sự thật có thể truy ngược lại lịch sử và không thể phủ nhận”.

Sao lại có thứ “sự thật” ngụy sự thật như thế? Chuyên gia Bill Hayton đã vạch trần trò dối trá này của Bắc Kinh. Rằng, Trung Quốc đã tự đưa ra những nội dung nêu trên, chứ không có Hiệp định hay Hiệp ước nào trao quyền cho Trung Quốc ở Biển Đông.  Rằng, Trung Quốc cố tình mập mờ, đánh tráo các khái niệm ở đây.

Về vấn đề tôn trọng luật pháp. Ông Vương tuyên bố: “Trung Quốc có chủ quyền đối với Nam Sa Quần đảo và đương nhiên có các quyền và lợi ích biển tương ứng. Điều này không trái với các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển được thông qua sau này. Trung Quốc chưa bao giờ thay đổi cơ sở yêu sách của mình, cũng như không đưa ra bất kỳ yêu sách mới nào. Cáo buộc rằng, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tất cả các vùng biển trong đường đứt đoạn là nội thủy và lãnh hải của họ là sự cố ý bóp méo lập trường của Trung Quốc”.

Ô hay, làm gì có thứ luật quốc tế nào trao quyền cho Trung Quốc ở biển Đông? Nếu như có đủ cơ sở từ luật quốc tế, Trung Quốc đã không phải chịu lấm lưng trắng bụng trước Phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế tại Lahaye, năm 2016.

Về vấn đề tôn trọng các nước trong khu vực, Vương Nghị lấp liếm: “Với nỗ lực chung của Trung Quốc và các nước ASEAN, Biển Đông nhìn chung đã duy trì được tình hình ổn định và không có vấn đề gì về tự do hàng hải và hàng không. Tuy nhiên, một số quốc gia ngoài khu vực muốn gây rối nên đã cố tình phóng một số lượng lớn tàu chiến và tàu chiến tối tân vào Biển Đông, cố tình lôi kéo các nước ngoài khu vực “thể hiện sức mạnh” của họ ở Biển Đông và công khai gieo rắc mối bất hòa giữa các nước trong khu vực, nhất là các nước liên quan”.  

Ý này của ông Vương vốn không có gì mới. Nó có từ truyền thống lâu đời của người Hán, với con bài “di thi giá họa” (vứt xác chết sang nhà hàng xón để vu vạ). Bắc Kinh lưu ý các quốc gia phương Tây cũng như Ấn Độ, đặc biệt là Mỹ, không phải là các quốc gia ở khu vực biển Đông, cho nên đừng nhúng mũi vào chuyện nội bộ của các nước khác (!)

Thêm một bài phát biểu lập lờ, đổi trắng thay đen của nhân vật chóp bu của Trung Nam Hải. Trước sau, Bắc Kinh tiếp tục đường lối bành trướng, thực hiện “Giấc mơ Trung Hoa”, kéo Biển Đông về nhà mình, đè bẹp Mỹ, vươn lên làm bá chủ thế giới. Thế nhưng mỗi lần có sức ép về ngoại giao từ các nước lân cận, Bắc Kinh lại giở trò “tích cực hưởng ứng”. Cứ như Trung Quốc đang rất hăng hái nối lại đàm phán COC.

Vẫn là đánh trận giả, nhưng mỗi lần là một chiến thuật khác. Chiến thuật lần này là đổ tội cho đại dịch Covid-19, cho Mỹ và các thế lực hiếu chiến phá đám.

RELATED ARTICLES

Tin mới