Sau khi Mỹ và Đài Loan ngày 25/3 ký “Biên bản ghi nhớ về Hợp tác tuần tra biển Mỹ – Đài Loan”, sáng 10/8, tàu của hai bên đã lần đầu tiên tổ chức cuộc tập trận chung ở ngoài khơi Hoa Liên cách bờ 28 hải lý.
Theo truyền thông Đài Loan Thời báo Tự do, có 4 hạm tàu các loại của Đài Loan do chiếc “Gia Nghĩa” có lượng giãn nước 4.000 tấn dẫn đầu đã tham gia cuộc diễn tập. Do yêu cầu giữ bí mật nên các tàu Mỹ đã không bật các tín hiệu liên quan đến hành trình và nhận dạng. Một quan chức cơ quan Hải Tuần (cảnh sát biển) Đài Loan xác nhận đúng là có một cuộc diễn tập, nhưng nhấn mạnh rằng đây là một cuộc huấn luyện định kỳ và không có tàu tuần tra nào của Mỹ tham gia.
Cục Hải Tuần Đài Loan tối 10/8 đã ban hành một thông cáo báo chí cho biết, trong những năm gần đây, để tăng cường khả năng tuần tra trên biển, họ đã tích cực chuẩn bị cho việc đóng nhiều loại tàu mới. Để các con tàu mới đóng làm quen với tình hình các vùng biển nên đã lên kế hoạch thực hiện câc cuộc huấn luyện liên quan đến thủy văn và tuyến hàng hải vòng quanh đảo. Vì vậy, chuyện lực lượng Hải Tuần Mỹ, Đài Loan tiến hành diễn tập chung ngoài khơi Hoa Liên không phải là sự thật.
Cục Hải Tuần Đài Loan chỉ ra rằng ngày 26/3 năm nay, Văn phòng đại diện Đài Loan tại Mỹ và Hiệp hội Mỹ tại Đài Loan (AIT) đã ký kết “Biên bản ghi nhớ về việc thành lập Nhóm công tác tuần tra biển”, mục đích chủ yếu là để cung cấp một nền tảng cho sự liên lạc, hợp tác và trao đổi thông tin giữa các cơ quan tuần tra biển của Đài Loan và Mỹ.
Phạm vi hợp tác bao gồm các dự án bảo vệ tài nguyên biển, chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định nghề cá (IUU), tìm kiếm cứu nạn hàng hải và bảo vệ sinh thái biển. Trong tương lai, có sẽ không loại trừ mọi mô hình hợp tác tương tác có thể có. Do thỏa thuận giữa hai bên, nội dung hợp tác sẽ không được tiết lộ công khai nếu không có sự đồng ý của cả hai bên.
Theo Thời báo Tự do, tàu tuần tra biển 4.000 tấn ký hiệu CG5001 “Chiayi” (Gia Nghĩa) đã đến Hoa Liên hôm 9/8. Lúc 8 giờ sáng 10/8, các tàu CG133 “Taitung” (Đài Đông) 1.000 tấn, CG601 “Anping” (An Bình) 600 tấn và tàu tuần tra 100 tấn mang số hiệu PP10068 đã cùng tàu “Gia Nghĩa” chạy ra vùng biển ngoài khơi Hoa Liên cách bờ 28 hải lý với vận tốc 20 hải lý/giờ, thực hiện huấn luyện chung với các tàu tuần tra hải dương của Mỹ. Quan chức Cục Hải Tuần xác nhận với báo này thực sự đã có một cuộc thao diễn chung của các tàu Đài Loan và Mỹ, nhưng vấn đề nhạy cảm và địa điểm không nằm trong lãnh hải Đài Loan nên không muốn trả lời các câu hỏi về sự kiện này.
Được biết, đây là cuộc tập trận chung đầu tiên giữa các tàu tuần duyên Đài Loan và các đơn vị tuần tra hải dương của Mỹ, cả hai bên đều tỏ ra khá kín tiếng, chỉ biết rằng họ đã tiến hành các cuộc diễn tập liên quan dưới danh nghĩa “cứu hộ cứu nạn” và “chống khủng bố trên biển”. Tuy nhiên, đối với phía Đài Loan, đây là một bước tiến rất quan trọng.
Truyền thông Đài Loan cho biết, sáng ngày 25/3, theo giờ Miền Đông nước Mỹ, Trưởng Văn phòng đại diện Đài Loan tại Mỹ đã ký “Biên bản ghi nhớ về việc thành lập Nhóm công tác tuần tra trên biển” với Hiệp hội Mỹ tại Đài Loan (AIT). Một số quan chức chính phủ Mỹ cũng tham gia lễ ký. Tại buổi lễ, bà Tiêu Mỹ Cầm, Trưởng Đại diện Đài Loan tại Mỹ đã cùng Giám đốc điều hành AIT Ingrid Larson đồng ký kết văn bản. Tham dự có Đại sứ Sung Kim, Quyền Trợ lý Thư ký Văn phòng Châu Á – Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Ann Castiglione Cataldo, Giám đốc Chính sách Đối ngoại của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ.
Tại buổi lễ, bà Tiêu Mỹ Cầm dẫn lời bà Thái Anh Văn cho rằng “Hải dương được viết trong DNA của người Đài Loan” và nói: “Là một thành viên của khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, Đài Loan sẵn sàng đóng góp vào các vấn đề liên quan đến hải dương. Các lực lượng tuần tra biển của Đài Loan và Hoa Kỳ nhiều năm qua đã có sự giao lưu, hợp tác trong lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn và ngư nghiệp. Chúng tôi mong muốn có mối quan hệ đối tác bền chặt hơn sau khi thành lập Nhóm Công tác Tuần tra Biển”.
Ông Ngô Chiêu Nhiếp, người đứng đầu cơ quan Ngoại giao Đài Loan cho biết “bản ghi nhớ này là văn bản chính thức đầu tiên được Mỹ ký sau khi chính quyền của Tổng thống Joe Biden nhậm chức, là một dấu mốc quan trọng trong hợp tác Mỹ- Đài Loan, thể hiện quyết tâm của Đài Loan và Mỹ tiếp tục thể chế hóa trao đổi và tương tác lẫn nhau, và hướng tới hợp tác trên mọi lĩnh vực. Thông qua bản ghi nhớ, Cục Hải Tuần sẽ thiết lập mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn với Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹđể cùng nhau đảm bảo sự an toàn của các vùng biển trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương và phát triển bền vững các nguồn tài nguyên biển”.
Tàu cảnh sát biển “Gia Nghĩa” để tuần tra biển đã được bàn giao vào đầu tháng 3 năm nay. Đuôi tàu có một nhà chứa máy bay trực thăng, có thể được sử dụng cho trực thăng S-70C của hải quân, chủ yếu làm nhiệm vụ trinh sát, tuần tra ở eo biển Đài Loan.
Tàu “Gia Nghĩa” dài 125 m, rộng 16,5 m, mớn nước tối đa 4,7 m, tốc độ lớn nhất hơn 24 hải lý/giờ, tầm hoạt động 10.000 hải lý, tổng trọng lượng thực tế là 6.500 tấn. Hệ thống vũ khí được trang bị gồm: một hệ thống phóng rốc két Zhenhai, hai tháp súng máy 20mm điều khiển từ xa và một thủy pháo (vòi rồng) có tầm ta 120 mét.
Về cuộc tập trận trên biển giữa Mỹ và Đài Loan, một số nhà bình luận cho rằng đây là lần đầu tiên Mỹ và Đài Loan tăng cường hợp tác và tiến hành một cuộc “tập trận bán quân sự” trên biển. Nó có thể kích động thêm dây thần kinh nhạy cảm của Bắc Kinh và gia tăng sức ép đối với Đài Loan.
Thời báo Hoàn cầu, cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc khi đưa tin về sự kiện này đã trích lời bà Chu Phượng Liên, người phát ngôn của Văn phòng Các vấn đề Đài Loan thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc, trước đó khi trả lời phỏng vấn đã nói: “Trên thế giới chỉ có một Trung Quốc và Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Chúng tôi kiên quyết phản đối bất kỳ hình thức quan hệ quân sự nào giữa Hoa Kỳ và khu vực Đài Loan của Trung Quốc”.
Giáo sư Chu Tùng Lâm tại Viện Nghiên cứu Đài Loan thuộc Đại học Liên hợp Bắc Kinh, cho biết trong cuộc phỏng vấn với Thời báo Hoàn cầu rằng lý do tại sao Mỹ và chính quyền Đảng Dân Tiến tổ chức cuộc tập trận tuần tra chung trên biển là vì Luật Hải Cảnh của Trung Quốc”.
Tháng 2 năm nay, “Luật Hải Cảnh” của Trung Quốc chính thức được thi hành, theo lật này, Hải cảnh Trung Quốc có thể sử dụng vũ khí cầm tay, vũ khí từ tàu hoặc trên không. Vì vậy Mỹ và các các nước đã phản ứng thái quá và chỉ trích Trung Quốc, cho rằng Trung Quốc “coi Hải Cảnh là Hải quân thứ hai”. Sau đó vào tháng 3, chính quyền Biden và các nhà chức trách DPP đã ký “Biên bản ghi nhớ về Hợp tác tuần tra biển Đài Loan – Hoa Kỳ” nhằm vào Luật Hải Cảnh của Trung Quốc.
Ông Chu Tùng Lâm cho rằng “cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Đài Loan nhằm nắn gân Trung Quốc đại lục bằng cách chơi con bài Đài Loan. Mỹ và Đài Loan không chọn địa điểm tập trận ở eo biển Đài Loan mà chọn vùng biển ngoài khơi Hoa Liên, coi cuộc tập trận là động thái bí mật là vì sợ làm cho Trung Quốc tức giận; đồng thời, nó cũng cho thấy quyền bá chủ của Mỹ đang suy giảm”.
Thời báo Hoàn cầu viết, một chuyên gia không muốn nêu tên nói, tàu tuần duyên Mỹ đã nhiều lần xuất hiện ở Biển Đông và các vùng biển khác dưới chiêu bài “tự do hàng hải”. Vì vậy, cuộc tập trận chung này giữa Mỹ và Đài Loan thực sự có ý nghĩa sâu xa hơn, chứng tỏ sự hiện diện của nước này trên Biển Đông dưới hình thức tập trận và huấn luyện chung. Điều đáng chú ý là lực lượng tuần duyên Mỹ đã tăng cường triển khai ở Tây Thái Bình Dương trong những năm gần đây và muốn can thiệp vào các vấn đề Biển Đông.
Vị chuyên gia này cũng bày tỏ quan ngại khác, cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Đài Loan được tiến hành ở khu vực xám và khu vực nhạy cảm thấp, nhưng chúng đã phát đi những tín hiệu nguy hiểm. Ông nói: “Cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Đài Loan là một loại hình bán quân sự và chỉ có một bước nhỏ chuyển từ bán quân sự sang hợp tác quân sự. Chúng ta cần cảnh giác hơn về vấn đề này và cần có những biện pháp thực chất hơn để đối phó”.
Ông Lý Hải Đông, Giáo sư tại Đại học Ngoại giao Trung Quốc, cũng bày tỏ quan ngại tương tự với Thời báo Hoàn cầu, nói rằng việc tập trận chung của các cơ quan tuần tra biển Mỹ và Đài Loan là một động thái nguy hiểm. Ông cho rằng mặc dù lực lượng tuần tra biển và quân đội có các chức năng khác nhau, nhưng xét cho cùng thì chúng đều là một thành phần của lực lượng vũ trang. Điều này cho thấy Mỹ và Đài Loan vẫn áp dụng chiến lược “cắt xúc xích” trong phối hợp và hợp tác của các lực lượng vũ trang, đang từng bước lấn tới, không loại trừ khả năng Mỹ và Đài Loan sẽ tiến hành các cuộc tập trận chung cấp độ quân đội trong bước tiếp theo. Điều này thực sự là rất nguy hiểm. “Đây là một dấu hiệu mới cho sự câu kết Mỹ và Đài Loan. Trong một thời gian dài, việc tích lũy các hành động nhỏ mà Mỹ và Đài Loan liên tục đưa ra ở nhiều khía cạnh khác nhau sẽ tạo ra một bước đột phá lớn phá vỡ sự đồng thuận và chuẩn mực trước đây; hành động này vô cùng nguy hiểm, cần phải cảnh giác”.