Các lời kêu gọi ngừng bắn và giải quyết hòa bình đã được cộng đồng quốc tế liên tục đưa ra kể từ khi các chiến binh Taliban tiến hành các cuộc tấn công trên khắp Afghanistan.
Các binh sĩ quân đội Afghanistan bảo vệ một con đường ở tỉnh Herat giữa các cuộc giao tranh với Taliban.
Đặc phái viên hàng đầu của Afghanistan tại Trung Quốc đã thúc giục Bắc Kinh tăng cường sức ép đối với Taliban khi nhóm nổi dậy chiếm thêm nhiều thành phố của Afghanistan, làm leo thang lo ngại về một cuộc nội chiến.
Trong một cuộc phỏng vấn với South China Morning Post, Javid Ahmad Qaem, đại sứ Afghanistan tại Trung Quốc, cho biết có 2 việc mà Bắc Kinh nên sử dụng để gây áp lực nhiều hơn lên Taliban nhằm ngăn chặn bạo lực bùng phát.
Trung Quốc và tình hình Afghanistan
“Thứ nhất, cần phải tuyên bố rất rõ ràng với Taliban rằng việc Taliban tiếp quản sẽ không được Trung Quốc chấp nhận, và cách Taliban tiếp tục chiến dịch hiện nay trên thực tế sẽ không được chấp nhận”, Qaem nói.
“Thứ hai, có rất nhiều tài liệu cho thấy Taliban nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ Pakistan. Trung Quốc có mối quan hệ rất tốt với Pakistan.
Chúng tôi tin rằng Trung Quốc có thể sử dụng đòn bẩy đó để thuyết phục Pakistan ủng hộ Afghanistan hòa bình và tận dụng lợi ích của hòa bình ở Afghanistan. Những lợi ích đó có thể hữu ích cho tất cả mọi người trong khu vực, bao gồm cả Pakistan”.
Ông Qaem phát biểu sau khi các cuộc đàm phán đa phương ở Qatar liên quan đến các cuộc xung đột ở Afghanistan kết thúc với thông điệp lặp lại nhưng không có bước đột phá nào.
Với sự tham gia của các đặc phái viên từ Mỹ, Trung Quốc, Pakistan và Nga, cuộc họp đã đưa ra những lời kêu gọi thúc đẩy tiến trình hòa bình và ngừng ngay lập tức các cuộc tấn công vào các thành phố của Afghanistan, đồng thời tái khẳng định rằng các nước sẽ không công nhận bất kỳ chính phủ nào ở Afghanistan “được áp đặt thông qua việc sử dụng lực lượng vũ trang”.
Các đại diện của chính phủ Afghanistan và Taliban cũng đã tham dự các cuộc hội đàm.
Các lời kêu gọi ngừng bắn và giải quyết hòa bình đã được cộng đồng quốc tế liên tục đưa ra kể từ khi các chiến binh Taliban tiến hành các cuộc tấn công trên khắp Afghanistan sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố rút quân khỏi đất nước bị chiến tranh tàn phá sau khi Mỹ đóng quân ở đây 20 năm.
Với việc lực lượng quốc tế cuối cùng do Mỹ dẫn đầu sẽ rời đi vào cuối tháng này, Taliban đã nắm quyền kiểm soát khoảng 2/3 đất nước và trong tuần qua đã đánh chiếm ít nhất 9 thủ phủ của các tỉnh. Cuộc tiến công tiếp theo được cho là đang hướng đến thủ đô Kabul.
Mặc dù Trung Quốc đã nhiều lần đề nghị trở thành bên trung gian hòa giải, cam kết sẽ hợp tác cùng với nước láng giềng Pakistan và đề nghị tổ chức các cuộc đàm phán nội bộ Afghanistan, ông Qaem cho biết không có khuôn khổ đáng kể nào được đề xuất.
Trung Quốc đã thúc đẩy Pakistan và Afghanistan cải thiện mối quan hệ để có thể giải quyết bạo lực tốt hơn ở các quốc gia trong khu vực. Trung Quốc cũng đã cố gắng tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình với các tay súng Taliban nhưng không mang lại hiệu quả đáng kể nào. Kabul đã đưa ra cáo buộc rằng Pakistan đang hỗ trợ lực lượng nổi dậy Taliban. Pakistan phủ nhận điều đó và nói rằng họ muốn thấy một Afghanistan hòa bình, ổn định.
Theo đuổi hòa bình
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đích thân tiếp các đại diện của Taliban vào cuối tháng 7 và gọi họ là “lực lượng chính trị và quân sự nòng cốt trong nước”. Trung Quốc đã theo sau Nga, Iran và Uzbekistan trong việc tiếp đón các đại diện của Taliban trong những tuần gần đây.
Đại sứ Qaem lặp lại lập trường của Bộ Ngoại giao Afghanistan, nói rằng họ hoan nghênh việc Trung Quốc liên lạc với Taliban và bác bỏ bất kỳ ám chỉ nào cho rằng Bắc Kinh ủng hộ nhóm này.
Ông nói: “Tôi sẽ không nói rằng Trung Quốc đang ủng hộ Taliban. Nhưng tôi nghĩ lựa chọn tốt nhất của Trung Quốc là chính phủ Afghanistan”.
Ông Vương đã kêu gọi Taliban cắt mọi mối liên hệ với Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM), mà Bắc Kinh cho rằng đứng đằng sau các cuộc tấn công ở khu vực Tân Cương. Taliban đáp lại rằng “lãnh thổ Afghanistan sẽ không được sử dụng để đe dọa an ninh của các quốc gia khác”.
Phát ngôn viên của Taliban Suhail Shaheen gọi Trung Quốc là “người bạn đáng quý” và cho biết Taliban sẽ không cho phép bất kì binh sĩ ly khai Tân Cương nào ẩn náu ở Afghanistan.
Ông Qaem nói rằng Taliban không có khả năng đáp ứng nhu cầu như vậy.
“Tôi không nghĩ Taliban nói thật – nói rằng họ coi Trung Quốc là bạn là một chuyện, nhưng nhìn vào lợi ích quốc gia của Trung Quốc, hệ tư tưởng của ETIM giống hệ tư tưởng của Taliban, cùng một hệ tư tưởng cực đoan. Tôi không nghĩ rằng họ sẽ từ bỏ mối quan hệ kéo dài 20 năm”.
Ông Qaem cho biết Afghanistan không có kế hoạch nhờ Trung Quốc hỗ trợ quân sự dưới bất kỳ hình thức nào, nhưng Kabul kêu gọi Trung Quốc hỗ trợ tài chính thông qua viện trợ nhân đạo và nới lỏng các điều khoản thương mại về lâu dài.