Wednesday, December 25, 2024

QUAD – Vòng cung kiềm tỏa TQ

Ngày 13/10/2020, tại Kuala Lumpur, phát biểu với báo giới sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Malaysia Hishammuddin Hussein nhân chuyến thăm Malaysia, Ủy viên quốc vụ, Ngoại trưởng Vương Nghị cho rằng hợp tác chiến lược Mỹ- Nhật, Úc, Ấn dưới hình thức Đối thoại an ninh Bộ Tứ là một phần trong các nỗ lực của Washington nhằm xây dựng một “NATO ở khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương”.

Phát biểu này hoàn toàn trái ngược với nhìn nhận của chính ông Vương Nghị năm 2017 về QUAD khi mà lần đầu tiên 4 nhà lãnh đạo của Mỹ, Nhật, Úc, Ấn gặp nhau tại Manila bên lề Hội nghị thượng đỉnh ASEAN. Vào thời điểm đó, ông Vương Nghị cho rằng, việc gặp mặt giữa 4 nhà lãnh đạo của QUAD chỉ đơn thuần là “một ý tưởng nhằm thu hút sự quan tâm của báo giới” và “họ như là bọt biển ở Thái Bình Dương hoặc Ấn Độ Dương: họ thu hút một số quan tâm và rồi nhanh chóng sẽ biến mất”. Vậy tại sao, trong một thời gian ngắn, người đứng đầu ngành ngoại giao của Trung Quốc lại có sự thay đổi một cách sâu sắc đánh giá về QUAD cũng như thực sự quan ngại về cơ chế hợp tác này?

Ý tưởng hình thành QUAD lần đầu tiên xuất hiện sau thảm họa sóng thần tại Ấn Độ Dương vào cuối năm 2004 khi mà cả Mỹ, Nhật, Úc, Ấn đều cùng tham gia vào các hoạt động ứng phó với thảm họa. Vào thời điểm đó, Thủ tướng Nhật Bản là ông Shinzo Abe đã nhìn thấy QUAD như là một phương diện để xây dựng năng lực của 4 nước cùng hợp tác nhằm đối phó các thách thức an ninh ở khu vực. Tuy nhiên, ý tưởng này đã không nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các nước được mời tham gia do các bên vào thời điểm đó đều tính toán đến quan hệ với Trung Quốc.

Chính quyền của Tổng thống Bush lo ngại việc hợp tác giữa 4 nước có thể làm mất đi sự ủng hộ mà Mỹ đang cần của Trung Quốc trong cuộc chiến chống khủng bố. Trong khi đó, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh thì thường xuyên loại bỏ khả năng có bất cứ một hợp tác an ninh thực chất nào với QUAD và xếp quan hệ với Bắc Kinh là sự cần thiết mang tính mệnh lệnh. Đối với Úc, chính quyền của Thủ tướng John Howard, một mặt lo ngại việc này có thể làm suy giảm mối quan hệ đang có lợi ích về mặt kinh tế với Trung Quốc, mặt khác không muốn mở rộng cơ chế hiện có giữa Mỹ, Nhật, Úc cho Ấn Độ. Với Nhật, sau khi cha đẻ của sáng kiến này, ông Abe từ chức năm 2007, sáng kiến đã được người kế nhiệm, ông Yasuo Fukuda cho vào lịch sử.

Tuy nhiên, một thập kỷ sau, bối cảnh chiến lược tại khu vực đã có sự thay đổi một cách sâu sắc, tác động đến tính toán chiến lược của từng nước thuộc QUAD đối với Trung Quốc cũng như việc “thể chế hóa” QUAD, đó là: (i) Cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc đã gia tăng một cách nhanh chóng và toàn diện trên mọi lĩnh vực dưới thời của Tổng thống Donald Trump và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt dưới thời của Tổng thống Biden. Điều quan trọng hơn là cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc nhận được sự đồng thuận của lưỡng đảng – điều khá hiếm hoi trong chính trị nội bộ của Mỹ. Cạnh tranh chiến lược này đã tác động sâu sắc đến các đồng minh của Mỹ và dường như chính quyền của Tổng thống Biden đã thành công hơn người tiền nhiệm của mình trong việc thuyết phục đồng minh trong “cuộc chiến” kiềm tỏa Trung Quốc; (ii) Xung đột liên tiếp ở khu vực biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc và đặc biệt là sự kiện 20 lính Ấn Độ bị giết tháng 6/2020 đã thúc đẩy Ấn Độ, một nước vốn còn lưỡng lự với việc gia nhập QUAD phải đánh giá lại ưu tiên chiến lược của mình và thể hiện việc sẵn sàng cân bằng quyền lực với Trung Quốc; (iii) Các hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông nhằm hiện thực hóa các yêu sách biển phi lý, ý đồ thống trị Biển Đông, cản trở, tiến tới can thiệp hoạt động tự do hàng hải, hàng không tại một trong những tuyến đường biển huyết mạch của thế giới đã càng thúc đẩy việc “thể chế hóa” QUAD, điều mà Trung Quốc thực sự quan ngại; (iv) Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc cả về kinh tế và quân sự, đi cùng với đó là tham vọng bành trướng, muốn viết lại luật pháp quốc tế và áp đặt trật tự quốc tế theo cách của mình.

Các nguyên nhân khiến Trung Quốc ngày càng lo ngại về QUAD và phải gia tăng các biện pháp ứng phó trên các mặt trận: (i) Việc thiết chế hóa và mục tiêu của QUAD: Mặc dù Hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất QUAD được tổ chức dưới hình thức trực tuyến vào tháng 3 vừa qua, song đây có thể đánh dấu thành công của quá trình thiết chế hóa Nhóm này, điều mà cựu Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã từng công khai tuyên bố là mục tiêu của Mỹ nhằm “hình thành một khuôn khổ an ninh thực sự để chống lại các thách thức mà Trung Quốc đang đưa đến cho chúng ta”. Điều này cũng cho thấy QUAD sẽ là trung tâm trong chiến lược của Tổng thống Biden đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Trong tuyên bố chung, QUAD cam kết thúc đẩy “một trật tự dựa trên luật lệ, tự do và rộng mở và bắt nguồn từ luật pháp quốc tế” và bảo vệ “các giá trị dân chủ, toàn vẹn lãnh thổ”. Việc Ấn Độ, Úc được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 vừa qua cũng như việc Ấn Độ mời Úc tham gia cuộc tập trận hải quân hàng năm Malabar thể hiện việc triển khai thực tế các cam kết của QUAD; (ii) Về khía cạnh an ninh, QUAD làm thay đổi suy nghĩ của Trung Quốc về các kịch bản có thể xảy ra ở eo biển Đài Loan, Biển Đông và Biển Hoa Đông. Có lẽ lo ngại lớn nhất của Trung Quốc là khả năng gia tăng can dự về mặt quân sự của Nhật Bản, Úc, Ấn Độ trong bất cứ một cuộc xung đột quân sự nào có sự tham gia của Mỹ, nhất là sự phối hợp với Sáng kiến phòng thủ Thái Bình Dương của Mỹ; (iii) Điều lo ngại lớn nhất đối với Trung Quốc là QUAD có thể là cơ sở cho một tập hợp lực lượng lớn hơn, mang quy mô toàn cầu chống lại Trung Quốc. Nếu QUAD có thể huy động một số nước Châu Á khác, EU và NATO vào các nỗ lực nhằm chống lại hoặc làm giảm các tham vọng của Trung Quốc thì cùng với thời gian, cân bằng quyền lực của Trung Quốc sẽ giảm một cách đáng kể. QUAD cũng có thể hình thành các nền tảng cho một liên minh kinh tế, hải quan và thống nhất tiêu chuẩn qua đó có thể tái định hình mọi thứ từ việc tài trợ cho hệ thống cơ sở hạ tầng toàn cầu đến chuỗi cung ứng cũng như tiêu chuẩn công nghệ.

Đối phó với việc hình thành QUAD cũng như triển vọng hợp tác của Bộ Tứ này trong tương lai, Trung Quốc đã triển khai hàng loạt biện pháp cả cứng rắn (chọn mục tiêu trừng phạt là Úc, nước được Trung Quốc coi là mắt xích yếu nhất trong QUAD), gia tăng hoạt động tại khu vực tranh chấp với Nhật Bản ở Biển Hoa Đông… Mặt khác, Trung Quốc cũng tìm cách gây chia rẽ trong nội bộ QUAD như giảm căng thẳng ở khu vực biên giới trên đất liền với Ấn Độ; thúc đẩy việc ký kết các Hiệp định kinh tế như RCEP, Hiệp định đầu tư Trung Quốc – EU; để ngỏ khả năng tham gia CPTPP… Đồng thời, Trung Quốc cũng gia tăng tuyên truyền, thể hiện Trung Quốc tôn trọng trật tự quốc tế, chủ nghĩa đa phương, là nước lớn có trách nhiệm… Tuy nhiên, cách làm khôn ngoan nhất đó là Trung Quốc phải thực tâm hợp tác và hành xử có trách nhiệm, tôn trọng luật pháp quốc tế chứ không phải giải thích luật pháp quốc tế theo cách của riêng mình, không đe dọa, cưỡng bức các quốc gia trong khu vực Biển Đông, tôn trọng các quyền của các quốc gia trong khu vực Biển Đông được xác lập phù hợp với UNCLOS 1982.

RELATED ARTICLES

Tin mới