Sunday, November 24, 2024
Trang chủThâm cung bí sửVì sao “Đại Cách mạng Văn hóa” luôn để trong dấu kép?

Vì sao “Đại Cách mạng Văn hóa” luôn để trong dấu kép?

Ngày 20/11/2015 là sinh nhật tròn 100 năm của ông Hồ Diệu Bang, trang “Mắt thời cuộc” (Shiju-yan) của Weixin có bài viết cho rằng, năm nay Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ kỷ niệm ngày sinh ông Hồ Diệu Bang bằng nghi lễ tối cao.

Sau năm 1989, cái tên Hồ Diệu Bang trở thành “cấm kỵ” đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc. (Ảnh: Internet)

Kể từ khi ông Hồ Diệu Bang mất vào năm 1989 đến nay đã 26 năm, ông luôn là một nhân vật nhạy cảm về chính trị đối với ĐCSTQ, nhưng cũng là biểu tượng về sự dũng cảm cương trực hiếm hoi trong bộ máy ĐCSTQ.

Ông Hồ Diệu Bang đánh dấu ngoặc kép cho “Đại Cách mạng Văn hóa”

Truyền thông Trung Quốc Đại Lục sau này đều đánh dấu ngoặc kép vào khẩu hiệu “Đại Cách mạng Văn hóa” do ông Mao Trạch Đông phát động, nhưng có lẽ ít người biết đây là do sáng kiến của ông Hồ Diệu Bang. Trong Nguyệt san lịch sử Đảng Cộng sản số đầu tiên mang tên «Thế kỷ Phong thái» đã có bài viết “Hồ Diệu Bang ở Bộ Tuyên truyền Trung Quốc” ký tên Trần Lập Húc, tiết lộ nội tình liên quan đến cụm từ “Đại Cách mạng Văn hóa”.

Theo đó, thời ông Hồ Diệu Bang giữ chức Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền thời trước “Cách mạng Văn hóa” sau đó bị lật đổ là ông Trần Định Nhất, sau khi suy nghĩ đắn đo đã đề xuất ý kiến với ông Hồ Diệu Bang: sau này không nên nhắc đến “Đại Cách mạng Văn hóa” nữa, lý do là “Đại Cách mạng Văn hóa” không phải là cuộc Cách mạng Văn hóa thực sự, mà chỉ là cuộc đấu đá chính trị, là một sai lầm chính trị lớn mà Đảng chúng ta mắc phải, không có liên quan gì để gọi là “Cách mạng Văn hóa”.

Khi đó ông Hồ Diệu Bang nhận thấy ý kiến của ông Trần Định Nhất rất có lý, nhưng nghĩ đến việc này có quan hệ trọng đại nên tạm thời chưa biết xử trí thế nào. Vì “Đại Cách mạng Văn hóa” kéo dài trong 10 năm đã xảy ra nhiều chuyện lớn, sau này chuyện viết lách, nghiên cứu không nhắc đến thì không được, còn nếu nhắc thì nhắc thế nào? Đây là vấn đề khó, ông Hồ Diệu Bang đã nhiều lần suy tính giải quyết vấn đề khó khăn này, vì thế mà không tỏ rõ ý kiến gì khi nghe ông Trần Định Nhất nói.

Từ ngày 23 – 29/2/1980, trong Hội nghị Toàn thể lần 5 ĐCSTQ khóa 11, ông Hồ Diệu Bang được chọn vào Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Tổng Bí thư ĐCSTQ. Từ đây ông không còn là Bộ Trưởng Bộ Tuyên truyền nữa. Cũng từ đây, ông đã nghĩ thấu đáo vấn đề xử lý ý kiến của ông Trần Định Nhất, cách giải quyết đó là đưa cụm từ “Đại Cách mạng Văn hóa” vào dấu ngoặc kép.

Từ ngày 10 – 17/7/1980, Trung ương mở Hội nghị Công tác Tuyên truyền toàn quốc. Ông Hồ Diệu Bang hai lần đến phát biểu vào ngày 11 và 12. Trong hai lần phát biểu ông Hồ Diệu Bang đều nhắc đến vấn đề khó khăn này. Ông nói: “Ông Trần Định Nhất không tán thành cụm từ ‘Đại Cách mạng Văn hóa’, vậy chúng ta thêm dấu ngoặc kép vào nhé, dù sao thì giai đoạn lịch sử là như thế, là bản nhạc đệm của lịch sử.”

Kể từ sau lần nói chuyện của ông Hồ Diệu Bang, báo chí và văn kiện ở khắp Trung Quốc khi nhắc đến “Đại Cách mạng Văn hóa” đều cho dấu ngoặc kép vào, và thế là ý nghĩa của nó bị lật ngược lại, tức “tính cách mạng” của nó bị phủ định triệt để. Đây có thể nói là một sáng kiến mang tính lịch sử trả lại bản chất đích thực cho cái gọi là “Đại Cách mạng Văn hóa” do công của ông Hồ Diệu Bang.

“Cách mạng Văn hóa” là trang sử đen tối nhất trong lịch sử dân tộc Trung Hoa

“Đại Cách mạng Văn hóa” của giai cấp vô sản là phong trào chính trị do ông Mao Trạch Đông phát động kéo dài từ tháng 5/1966 – 10/1976. Ông Mao Trạch Đông và bộ máy Trung ương khi đó gọi là “Cuộc Đại cách mạng chạm đến linh hồn mỗi người, là một giai đoạn mới trong sự phát triển cách mạng xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc mang tính triệt để và rộng khắp”. Nhưng thực tế chứng minh nó không phải “Đại cách mạng” gì cả, mà là một đại nạn chưa từng có trong lịch sử dân tộc Trung Hoa.

“Cách mạng Văn hóa” là một trang sử đen tối nhất trong lịch sử dân tộc Trung Hoa, đã gây ra hàng triệu vụ án oan, trên thì lên đến tận vị trí Chủ tịch nước, dưới thì là muôn vạn bách tính bình dân, không biết bao nhiêu người đã bị bức hại đến chết, chịu nỗi oan không thể rửa sạch. Những tổn thất mà nó gây ra cho Trung Quốc Đại Lục khó mà tính được. Tàn ác nhất là nó hủy hoại văn hóa truyền thống ưu việt tồn tại hàng ngàn năm trong lịch sử Trung Quốc, còn ảnh hưởng phụ của nó e rằng nhiều kiếp người cũng khó xóa nhòa được.

Nhà văn Tần Mục nổi tiếng từng than rằng: “Đây là một đại nạn chưa từng có, bao nhiêu triệu người phải khốn đốn mệt mỏi, bao nhiêu triệu người phải ôm hận đến cuối đời, bao nhiêu gia đình tan vỡ ly tán, bao nhiêu thiếu niên nhi đồng biến thành lưu manh côn đồ, bao nhiêu thư tịch bị hủy hoại, bao nhiêu danh thắng di tích bị phá nát, bao nhiêu mộ phần tiên hiền bị đào lên, bao nhiêu tội ác mang danh cách mạng để tiến hành!”

Hồ Diệu Bang và sự nhắc nhở Cộng sản Trung Quốc ngày nay

Ngày 15/4/1989, ông Hồ Diệu Bang bất ngờ qua đời. Những ảnh hưởng từ nhân cách của ông cùng cách đối xử trước tang lễ của ông trong Đảng Cộng sản đã khiến tang lễ của ông sau đó trở thành thời cơ để người dân trút nỗi uất ức trong lòng, sinh viên khắp nơi ở Bắc Kinh hưởng ứng. Họ khởi xướng hoạt động tưởng nhớ rồi đưa yêu cầu chống tham nhũng, mua quan bán chức, sau đó chuyển hóa thành “Phong trào dân chủ 64” (sự kiện Thiên An Môn).

Ông Hồ Tích Vĩ, cựu Tổng Biên tập Nhân dân Nhật báo đã viết bài “Cần tự do dân chủ hay chuyên chế độc quyền?” Bài báo cho biết, kể từ khi cải cách mở cửa năm 1978 đến nay, Trung Quốc có sự tranh đấu giữa hai con đường: một là tự do dân chủ, một là chuyên chế độc đoán. Đương thời, ông Hồ Diệu Bang từng cho rằng, cải cách thể chế kinh tế nên đi cùng cải cách thể chế chính trị, thực hiện dân chủ rộng khắp, vì thế đã chạm đến lợi ích cơ bản của tập đoàn độc tài chuyên chế CSTQ.

Dưới sức ép của ông Đặng Tiểu Bình và phe cứng rắn trong ĐCSTQ (Lý Tiên Niệm, Bạc Nhất Ba, Bành Chân, Vương Chấn, Lý Bằng), ông Hồ Diệu Bang bị ép phải từ chức và làm trái với lòng mình, vì uất ức mà chết.

Phong trào Dân chủ 64 bị quân đội đàn áp tàn bạo, vậy là nguyện vọng muốn cải tạo ĐCSTQ bỏ ác theo thiện của ông Hồ Diệu Bang không thành hiện thực.

Kiếp nạn của ông Hồ Diệu Bang cho thấy mong ước tốt đẹp muốn cải cách chính trị của ông căn bản không thể làm được. Ông Đới Tinh, một người từng ngồi tù vì tham gia phong trào 64 Thiên An Môn đã nói: “Vấn đề căn bản của Trung Quốc là phải thực hiện đa Đảng, tự do báo chí, kết thúc thời chuyên chế độc Đảng.”

Ông Hồ Diệu Bang có nhiều câu nói để đời: “Nếu nhân dân không thích chúng tôi thì chúng tôi phải rút lui”, “Chúng tôi là giai cấp vô sản chuyên chính vì chuyên chính một Đảng, chuyên chính một Đảng lại biến thành chuyên chính lãnh tụ”, “Từ bỏ dân chủ chính là độc tài phát xít.”

RELATED ARTICLES

Tin mới