Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiPhản ứng quốc tế trước việc Taliban nắm quyền kiểm soát Afghanistan:...

Phản ứng quốc tế trước việc Taliban nắm quyền kiểm soát Afghanistan: rất khác nhau!

Tình hình Afghanistan đang diễn biến rất nhanh. Sau khi Taliban tiến vào Kabul, phản ứng của các nước rất khác nhau. Trong khi nhiều nước còn dè dặt và phản đối, Trung Quốc đã gián tiếp công nhận tổ chức này.

Trung Quốc: “Chúng tôi tôn trọng sự lựa chọn của nhân dân Afghanistan”

Chiều 16/8, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, một phóng viên hỏi: “Chúng tôi thấy rằng tình hình Afghanistan hiện nay đang phát triển nhanh chóng, Trung Quốc đánh giá như thế nào về tình hình Afghanistan hiện nay?”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh nói: “Tình hình ở Afghanistan đã có những thay đổi lớn và Trung Quốc tôn trọng ý muốn và sự lựa chọn của nhân dân Afghanistan. Cuộc chiến loạn ở Afghanistan đã kéo dài hơn 40 năm, việc chấm dứt chiến tranh và đạt được hòa bình không chỉ là tiếng nói đồng lòng của hơn 30 triệu người dân Afghanistan, mà còn là kỳ vọng chung của cộng đồng quốc tế và các nước trong khu vực”.

Bà Hoa Xuân Oánh nói: “Phía Trung Quốc chú ý đến việc phía Taliban Afghanistan hôm qua nói rằng cuộc chiến tranh ở Afghanistan đã kết thúc và họ sẽ đàm phán về việc thành lập một chính phủ Hồi giáo cởi mở, hòa nhập và thực hiện các hành động có trách nhiệm để đảm bảo an toàn cho công dân Afghanistan và các cơ quan đại diện nước ngoài tại Afghanistan. Trung Quốc chờ đợi những tuyên bố này có thể được thực hiện để đảm bảo chuyển đổi tình hình ở Afghanistan một cách suôn sẻ, kiềm chế tất cả các loại khủng bố và hành vi tội phạm, đồng thời tạo điều kiện cho người dân Afghanistan tránh xa chiến tranh và xây dựng lại quê hương tươi đẹp của họ”.

Nội bộ Mỹ chia rẽ về quyết định rút quân của ông Joe Biden

Vào ngày 15/8, các chiến binh Taliban từ Afghanistan đã tiến vào thủ đô Kabul, tình hình thay đổi quá nhanh khiến Mỹ và các đồng minh không kịp trở tay. Tờ Fox News của Mỹ đã mô tả sự ra đi vội vàng của nước Mỹ với dòng tiêu đề “Thế là xong. Kết thúc rồi”. Sự chỉ trích lẫn nhau giữa hai đảng ở Mỹ cũng đạt tới một tầm cao mới.

Fox News đưa tin, sau khi người Mỹ trải qua 20 năm “máu và nước mắt”, khi Taliban tiến vào Kabul, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã “giết thời gian” đi nghỉ ở Trại David. Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Jim Jordan chỉ trích: “Tại sao ông Biden lại đi nghỉ thay vì lắng nghe báo cáo tình hình Afghanistan trong Nhà Trắng?”. Jordan nói rằng việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan là “đáng xấu hổ”.

Theo AFP, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một tuyên bố đã kêu gọi đương kim Tổng thống Joe Biden “hãy từ chức”. Đáp lại điều này, một số thành viên Đảng Dân chủ Mỹ bắt bẻ: ông Biden chỉ thực hiện thỏa thuận mà ông Trump và Taliban đã ký và còn đã trì hoãn thời gian rút quân từ ngày 1/5 đến ngày 11/9.

Bất chấp những tranh chấp liên tục giữa hai đảng ở Mỹ, một số nhà phân tích chỉ ra rằng quan điểm chung hiện nay trên các cơ quan truyền thông Mỹ là: Tình hình ở Afghanistan, đặc biệt là sự tiến quân của Taliban vào Kabul, đã chứng minh một điều, đó là, chính sách của Mỹ ở Afghanistan là hoàn toàn thất bại. Thất bại này không phải là vấn đề có nên rút quân hay không, mà là thất bại trên nhiều phương diện. Phương pháp rút quân trước đã thất bại, là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hiện tại.

Thứ hai là công tác tình báo của Mỹ đã thất bại hoàn toàn, bởi trước đó các quan chức chính phủ Mỹ tuyên bố rằng họ cho rằng chính phủ Afghanistan có thể duy trì được quyền kiểm soát trong ít nhất nửa năm, nhưng thực tế Taliban đã tiến vào Kabul chỉ sau vài ngày.

Ngoài ra còn có thất bại về chiến lược quân sự. Chẳng hạn, quân đội Mỹ đã huấn luyện lực lượng an ninh Afghanistan 300.000 người, nhưng không thể chống lại được cuộc tấn công của 75.000 quân Taliban. Điều quan trọng nhất là sự thất bại hoàn toàn trong chính sách của Mỹ ở Afghanistan. Trong 20 năm qua, Mỹ đã đổ 2 ngàn tỉ USD vào Afghanistan, gây nên cái chết của hơn 2.300 lính Mỹ, nhưng bây giờ mọi thứ lại quay về điểm ban đầu.

Hầu hết các thành viên Đảng Cộng hòa không thúc ép ông Biden để quân Mỹ ở lại Afghanistan lâu dài, họ cũng ủng hộ kế hoạch rút khỏi Afghanistan của chính ông Trump. Tuy nhiên, một số thành viên Đảng Cộng hòa đang lên tiếng chỉ trích chiến lược rút quân của Biden, nói rằng hình ảnh trực thăng Mỹ bay lượn bên trên Đại sứ quán Mỹ ở Kabul hôm Chủ nhật gợi nhớ đến sự nhục nhã của người Mỹ khi họ rút khỏi Việt Nam.

Lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell coi cảnh rút quân là “một tình huống đáng xấu hổ khi một siêu cường đã chết”. Đồng thời, theo một người quen thuộc với tình hình, các quan chức Mỹ ngày càng lo lắng với sự thay đổi của tình hình ở Afghanistan, các mối đe dọa khủng bố đối với Mỹ có thể tăng lên.

Nguồn tin cho biết Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, đã nói với các thượng nghị sĩ trong báo cáo qua điện thoại hôm Chủ nhật rằng các quan chức Mỹ dự kiến ​​sẽ thay đổi đánh giá trước đây về tốc độ tái tổ chức các nhóm khủng bố ở Afghanistan. Dựa trên tình hình luôn thay đổi, các quan chức cho rằng các tổ chức khủng bố như Al Qaeda có thể phát triển nhanh hơn nhiều so với dự kiến. Các quan chức chính phủ nói với các thượng nghị sĩ qua điện thoại rằng cộng đồng tình báo Mỹ hiện đang làm việc để hình thành một thời gian biểu mới dựa trên các mối đe dọa luôn thay đổi.

Tuy nhiên, ngoài việc ông Biden ra lệnh triển khai quân để hỗ trợ việc sơ tán, vẫn chưa có kế hoạch thực hiện các bước khác. Các quan chức cấp cao trong chính quyền Biden tin rằng Mỹ sẽ có thể duy trì an ninh tại sân bay Kabul đủ lâu để giải cứu người Mỹ và đồng minh của họ, nhưng số phận của những người không thể đến sân bay thì vẫn không chắc chắn.

Nhiều nước lo ngại về tình hình Afghanistan

Theo VOA, hôm Chủ nhật, các chính phủ trên khắp thế giới đã phản ứng với tình hình thay đổi nhanh chóng ở Afghanistan.

Thủ tướng Anh Boris Johnson kêu gọi các nước phương Tây hợp tác để đối phó với tình hình ở Afghanistan. Ông Johnson nói trong một đoạn video: “Chúng tôi không muốn bất kỳ ai công nhận Taliban một cách song phương.”

Ông nói: “Chúng tôi hy vọng rằng tất cả những người cùng chí hướng sẽ thống nhất lập trường, gắng hết mọi nỗ lực có thể để ngăn Afghanistan trở thành một cái nôi của chủ nghĩa khủng bố”.

Một vấn đề là làm thế nào để đối phó với những người tị nạn Afghanistan. Anh tuyên bố cam kết tiếp nhận những người tị nạn Afghanistan đã giúp đỡ quân đội Anh trong 20 năm qua. Tuy nhiên, theo tin của Daily Telegraph, đại sứ quán Anh về cơ bản đã được sơ tán, dự kiến đại sứ Anh ​​sẽ được đưa ra khỏi Kabul vào thứ Hai, 16/8.

Hãng thông tấn Nga RIA đưa tin hôm Chủ nhật, Moscow chưa công nhận Taliban là đại diện pháp lý hợp pháp mới của Afghanistan.

Giống như Vương quốc Anh, Mỹ cũng đã hứa cung cấp nhà ở cho những người Afghanistan đóng vai trò phiên dịch và hỗ trợ Mỹ trong các hoạt động quân sự ở nước này; tuy nhiên, Washington đang tìm kiếm các quốc gia đối tác chấp nhận đơn xin tỵ nạn của những người Afghanistan đang gặp nguy hiểm.

Albania và Kosovo hôm Chủ nhật cho biết đã chấp nhận yêu cầu của Mỹ và tiếp nhận hàng nghìn người Afghanistan đang ở vào tình cảnh nguy hiểm.

Mỹ cũng tuyên bố sẽ cử thêm các nhân viên tới Qatar, nơi có nhiều người tị nạn Afghanistan đang được xử lý.

Bộ Ngoại giao Qatar cho biết trong một tuyên bố hôm Chủ nhật rằng họ “kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức, toàn diện và vĩnh viễn trên tất cả các vùng lãnh thổ của Afghanistan”.

Các nước láng giềng của Afghanistan là Pakistan và Iran đều bày tỏ quan ngại về tình hình hiện tại.

Bộ trưởng Ngoại giao Pakistan nói trên Đài Truyền hình Quốc gia rằng chính phủ không có kế hoạch đóng cửa đại sứ quán ở Kabul; tuy nhiên, Islamabad tuyên bố rằng họ không thể tiếp nhận thêm người tị nạn Afghanistan và tiếp tục xây hàng rào dọc theo biên giới của mình.

Hussein Kasimi, một quan chức của Bộ Nội vụ Iran, nói với hãng thông tấn nhà nước Iran IRNA rằng Iran đã dựng hàng trăm căn lều ở ba khu vực giáp biên giới với Afghanistan.

Tuy nhiên, ông nói thêm: “Chúng tôi mong đợi những người tị nạn Afghanistan này sẽ trở về nhà khi tình hình ở Afghanistan được cải thiện.”

Mặc dù nhiều quốc gia đang sơ tán và đóng cửa đại sứ quán của họ ở Kabul, nhưng Liên Hợp Quốc cho biết cam kết giữ cho các cơ quan của mình mở cửa trong suốt thời gian khủng hoảng.

Jens Laerke, người phát ngôn của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc cho biết, trong 70 năm qua, các hoạt động của Liên hợp quốc tại Afghanistan không bị gián đoạn.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ họp vào thứ Hai lúc 10 giờ sáng theo Giờ Miền Đông nước Mỹ để thảo luận về tình hình ở Afghanistan. Tổng Thư ký Antonio Guterres sẽ có báo cáo vắn tắt.

Ông Guterres viết trên Twitter: “Tôi quan ngại sâu sắc về tình hình ở Afghanistan và kêu gọi Taliban cũng như tất cả mọi người khác thực hiện kiềm chế tối đa để bảo vệ tính mạng và đảm bảo rằng các nhu cầu nhân đạo được đáp ứng”.

Tình hình sân bay Kabul hỗn loạn, súng đã nổ và có người bị bắn chết

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương chiều 16/8, sau khi tổ chức vũ trang Taliban tiến vào Kabul, chiều 15/8 rất đông người dân thủ đô Kabul đã đổ xô đến sân bay để tìm cách chạy trốn, khiến giao thông trong thành phố bị tắc nghẽn, nhà ga sân bay chật cứng người xếp hàng để làm thủ tục.

Hàng nghìn người lao ra bãi đỗ máy bay, tranh nhau lên chuyến bay sơ tán. Có tin nói rằng quân đội Mỹ hỗ trợ việc sơ tán nhân viên Mỹ đã bắn cảnh cáo trong lúc hỗn loạn để ngăn đám đông tiến lên. Tình trạng hỗn loạn tại sân bay tiếp tục diễn ra vào ngày thứ Hai (16). Rất đông người đã đi tay không trèo lên cầu thang máy bay, sau đó, có nhiều tiếng súng nổ tại hiện trường. Tin tức cho biết có ít nhất 5 người đã thiệt mạng. nguyên nhân vẫn chưa rõ.

Sau khi quân đội Mỹ triển khai tiếp quản, sân bay quốc tế Kabul đã thông báo đình chỉ tất cả các chuyến bay thương mại vào thứ Hai (16/8), một số hãng hàng không lớn như United Airlines và British Airways đã ngừng các chuyến bay vào Afghanistan. Tình hình ở sân bay Kabul mất kiểm soát, một số người tranh nhau leo ​​lên cầu lên máy bay trên đường băng, hàng nghìn người lao ra khỏi đường băng với hy vọng lên được các máy bay vận tải sắp khởi hành khiến các chuyến bay cất hạ cánh tại sân bay bị cản trở.

Một số phóng viên Mỹ cho biết trên Twitter rằng các tiếng súng tiếp tục vang lên tại sân bay, các nhân chứng cho biết có những người bê bết máu nằm bên ngoài nhà ga hành khách.

Trước đó, khi Taliban tiến vào, nhiều quốc gia đã lần lượt thông báo các nhà ngoại giao rời đại sứ quán và rút về sân bay Kabul. Đại sứ quán Mỹ đã ban hành một cảnh báo an ninh vào Chủ nhật, cáo buộc rằng đã có báo cáo về một vụ hỏa hoạn tại sân bay và tất cả công dân Mỹ được yêu cầu trú ẩn tại chỗ và không nên đến sân bay. Sau đó, đại sứ quán đã sửa lại từ ngữ trong cảnh báo và xóa lời kêu gọi “đừng đến sân bay”, nhưng vẫn giữ nguyên hướng dẫn sơ tán.

RELATED ARTICLES

Tin mới