Monday, November 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiQuan hệ Việt-Mỹ: Đã đi vào thực chất!

Quan hệ Việt-Mỹ: Đã đi vào thực chất!

Chuyến thăm chóng vánh của bà Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đến Việt Nam kết thúc sau hai ngày 25 và 26/8. Thật ra thời gian đón rước, hội đàm chỉ gói gọn trong vài giờ đồng hồ. Nội dung hai bên trao đổi với nhau thì dường như tất cả đã biết trước và giới thạo tin cũng biết trước, kể cả “đáp số” của bài toán ngoại giao.

Người dân Hà Nội vốn quan tâm đến chính trị bảo nhau: Thôi bàn chuyện gì có lợi cho dân cho nước cũng tốt, lúc này phải ẩn mình chờ thời thôi. Nhưng khoái nhất là lần này được xem bà Tân Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đón và tiếp khách. Có vẻ như cứng quá, đuối tầm quá trước một vị khách có vị thế quốc gia, tầm vóc hơn hẳn.

Nhưng đó là chuyện vui thôi, để khỏi bàn đến những điều tế nhị.

Tế nhị như chuyện tối hôm 24/8 bỗng dưng ông bạn láng giềng cử ngay Đại sứ Hùng Ba đến gặp Thủ tướng Việt Nam. Và nhân đây ông bạn tặng liền 2 triệu liều vaccines của hãng Sinopharm, dẫu biết dân Việt không ai muốn tiêm loại kháng thể này. Thế rồi ông Đại sứ dò hỏi về thái độ của Hà Nội khi Washington đề nghị nâng cấp quan hệ đối tác Việt-Mỹ lên mức đối tác chiến lược. Ông Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phải khéo léo nói về phương châm của chúng tôi trước sau như một là, không liên kết với nước này để chống nước khác. Một câu trả lời không mất lòng ai.

Tế nhị như chuyện bà Phó Tổng thống Mỹ da màu, một nhà luật pháp cứng rắn đã đề nghị thẳng thắn và muốn nhận từ Hà Nội câu trả lời thẳng thắn, rằng: Hà Nội có đồng ý nâng cấp quan hệ của hai nước từ toàn diện lên đối tác chiến lược hay không? Ông Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã “đọc” nguyên văn rằng: “Việt Nam nhất quán thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ và sẵn sàng là đối tác tin cậy, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định và phát triển khu vực cũng như trên thế giới. Trên cơ sở đó, Việt Nam luôn coi Mỹ là một trong những thay đổi quan trọng hàng đầu và mong muốn cùng Mỹ tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác toàn diện ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, vững chắc, cùng có lợi, trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn lãnh thổ, thể chế của nhau”.

Ông Phúc trả lời như thế là không còn ngại gì Bắc Kinh lườm nguýt. Nhưng chắc chắn bà Harris sẽ ngao ngán. Ngao ngán bởi chính Lầu Năm Góc cũng đoán được phần nào câu trả lời ấy của Ba Đình. Nhưng bắt bẻ sao đây, khi chủ nhà nói rằng, họ muốn quan hệ đối tác toàn diện đi vào chiều sâu? Cái chiều sâu ấy hình thù ra sao, sâu đến mức nào, rộng đến mức nào, thắm thiết đến mức nào thì chịu.

Nhưng cái mà Hà Nội cần thì rất rõ. Chúng tôi cần vaccines. Cuộc chiến chống Covid-19 của chúng tôi đang hồi căng thẳng phức tạp nhất, tỉ lệ người tử vong so với số người nhiễm bệnh là 2,4%, cao hơn mức trung bình của thế giới 0,4%. Chúng tôi cần hợp tác chặt chẽ với Mỹ để duy trì quyền tự do hàng hải quốc tế dựa trên luật lệ, giữ gìn an toàn, an ninh trên Biển Đông. Các quốc gia phải tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS) 1982. Chúng tôi cần đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực, nhất là hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư an ninh quốc phòng, khắc phục hậu quả chiến tranh, ứng phó biến đổi khí hậu, y tế, giáo dục, khoa học – công nghệ, v.v..

Xem ra, những vấn đề cụ thể thì Hà Nội nhấn nhá rất kỹ càng, rành mạch. Kể cả câu chuyện cụ thể như, tăng cường hợp tác giữa cảnh sát biển hai nước; như việc chuyển giao cho Việt Nam một con tàu tuần duyên nữa (con tàu thứ ba), nhằm “nâng cao năng lực của Việt Nam trong việc đóng góp vào an ninh hàng hải ở Biển Đông”. Một việc nữa, quan trọng không kém là hai bên sẽ ra mắt văn phòng khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) tại Hà Nội.

Thời gian ngắn, hiệu quả đàm phán xem như thế là “thành công tốt đẹp” theo cách nói mà các nhà lãnh đạo Ba Đình thường tổng kết.

Duy chỉ có cái cốt lõi của vấn đề ngoại giao vẫn còn bỏ ngỏ. Rằng, khi Mỹ-Việt chưa trở thành đối tác chiến lược thì nhiều vấn đề liên quan đến các quyết định hỗ trợ kinh tế, quân sự không thể thực hiện, bởi nó không phụ thuộc vào ý chí cá nhân, nó cần được thực hiện bởi Quốc hội, với Mỹ là Hạ viện, Thượng viện. Khi Mỹ- Việt mới chỉ nâng tầm… sâu thì Bắc Kinh còn yên tâm mà múa gậy vườn hoang, coi Biển Đông là sân sau nhà mình.

Đã trả lời xong câu hỏi khó nhất, Ba Đình dễ dàng vượt qua các câu hỏi khác,  như, vấn đề cốt tử của Mỹ sau khi triệt thoái khỏi Afghanistan là “quay lại châu Á” và “quay lại để ở lại”. Phó Tổng thống Mỹ Harris đã trình bày trước cả ông Chủ tịch nước và ông Thủ tướng Việt Nam về tầm nhìn Indo-Pacific và kêu gọi Việt Nam cùng bàn bạc với Mỹ những bước đi cụ thể nhằm chia sẻ tầm nhìn chung liên quan đến tương lai của khu vực “Indo-Pacific tự do và rộng mở” (FOIP).

Đáp lại, cả hai ông đều tảng lờ.

Và cái chiều sâu trong quan hệ ngoại giao kia là điều khi về đến Mỹ bà Haris vẫn không thể nào hiểu nổi!

RELATED ARTICLES

Tin mới