Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNatuna nóng trở lại

Natuna nóng trở lại

 

Vào lúc các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia đang vật lộn với làn sóng dịch mới, Trung Quốc lại gia tăng hoạt động trên biển Đông. Quan sát các hoạt động nêu trên của Trung Quốc, dư luận cho rằng, ngoài việc gây sự với các quốc gia trên, lần này, Trung Quốc còn định “nắn gân” cả Nga và Mỹ.

Hải quân Indonesia theo dõi một tàu hải cảnh Trung Quốc trong vùng biển Natuna.

Thông tin do RFA tiết lộ: “Một tàu hải cảnh Trung Quốc đã xâm nhập và đe dọa hoạt động khoan thăm dò của công ty dầu khí Harbour Energy tại Lô Tuna nằm ở Biển Natuna (tên được Indonesia đặt cho một phần Biển Đông) của Indonesia. Đáng chú ý, hoạt động khoan thẩm định này do tập đoàn nhà nước Zarubezhneft của Nga hậu thuẫn.”

Cùng với nội dung trên, RFA còn bình luận khá xóc óc: Vụ việc cho thấy lợi ích năng lượng của Moskva tại Biển Đông ngày càng bị Trung Quốc đe dọa.

Thực ra, trong quan hệ Trung Quốc – Indonesia, cụm từ Natuna, từ vài năm nay  đã thành nhạy cảm. Quần đảo Natuna là một chuỗi gồm 270 đảo nằm ở phía Nam Biển Đông, ở giữa bán đảo Mã Lai và đảo Borneo. Hiện chủ quyền quần đảo thuộc về Indonesia. Dân số chỉ khoảng 100 nghìn người, nhưng chết nỗi, đây lại là khu vực nhiều tài nguyên, ngoài hải sản còn là khí đốt, các khoáng sản quý và một hệ sinh thái đa dạng. Indonesia vốn đã tức giận khi biển của mình mà Trung Quốc cứ ngang nhiên tuyên bố đây là “ngư trường truyền thống”, dù cũng chính họ, luôn thề thốt không có tranh chấp chủ quyền với Indonesia.

     Câu chuyện trở nên nóng khi tháng 12/2019, Trung Quốc cho tàu hải cảnh hộ tống hàng chục tàu cá tiến vào khu vực Natuna đánh bắt hải sản. Phản đối qua đường ngoại giao chưa đủ, và cũng không hiệu quả, tổng thống Indonesia – ông Joko Widodo – lập tức bay tới thị sát và tuyên bố đanh thép: “không có sự thỏa hiệp về chủ quyền của Indonesia”; đồng thời, điều chiến đấu cơ, tàu chiến tới thực địa ứng phó.

Sự phẫn nộ của Jakarta có làm Trung Quốc chùng xuống. Tuy nhiên, trong năm 2020, thi thoảng, Trung Quốc vẫn cho tàu cá “lạc” vào khu vực này một cách đáng ngờ, đánh úp vài mẻ cá rồi mất hút nhanh chóng, cố không để lại dấu vết.

Thế nhưng, sự xuất hiện, chỉ cách giàn khoan đang hoạt động của Indonesia có 3km của con tàu tối tân, hiện đại mang tên Hải Dương 5202 của Hải cảnh Trung Quốc ngày 20/8 vừa qua thì không thể cho là “lạc”, mà là một động thái được tính toán bài bản, chi tiết và rất…thâm theo kiểu “một mũi tên trúng hai đích”.

Thứ nhất, về thời điểm. Ai cũng biết, phó tổng thống Mỹ, bà Kamala Harris – có chuyến thăm Đông Nam Á, cụ thể là Singapore và Việt Nam, bắt đầu từ ngày 22 đến 26-8. Mục đích của chuyến thăm đã được dự đoán trước: Khẳng định sự quan tâm của Mỹ với khu vực, thậm chí có người cho sự kiện này thể hiện sự “xoay trục” mới của Mỹ coi trọng Châu Á – Thái Bình Dương; khẳng định thông điệp Mỹ sát cánh cùng các đồng minh trong khu vực; phản đối sự lộng hành ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông…

Mỹ đã thế, thì Trung Quốc ra tay trước cho Mỹ biết “thế nào là lễ độ”. Sự ra tay này được thực chứng ở chỗ: Từ ngày 18/8, Bắc Kinh bắt đầu tiến hành một cuộc tập trận quân sự kéo dài 3 ngày ở khu vực Biển Đông đang tranh chấp; đồng thời, cho tàu Hải Dương 5202 của lực lượng hải cảnh nước này quấy nhiễu hoạt động thăm dò dầu khí của Indonesia. Thậm chí, truyền thông quốc tế còn loan tin, cùng thời gian này, lực lượng hải cảnh Trung Quốc cũng đang tự tiện hoạt động trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, Malaysia và Philippines.

Thứ hai, với việc sử dụng lực lượng hải cảnh quấy nhiễu hoạt động hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của các quốc gia trên, Trung Quốc còn muốn gây sức ép lên các đối tác dầu khí khác, khiến họ phải “bỏ của chạy lấy người”, từ đó, hy vọng các quốc gia Đông Nam Á buộc phải đàm phán các thỏa thuận phát triển chung với các công ty năng lượng Trung Quốc…Từ cái sự gọi là “khai thác chung”, Trung Quốc sẽ dần chi phối, đi các nước cờ tiếp theo để đạt lợi ích.

Tuy nhiên, đấy là mục tiêu của Trung Quốc. Đạt được hay không, lại là câu chuyện khác. Chẳng thế mà, ngay thời điểm này, cho dù tàu Hải Dương 5202 của Hải cảnh Trung Quốc chỉ cách có 3 km, các giàn khoan của Indonesia vẫn hoạt động bình thường. Thậm chí, Jakarta còn phát thông điệp cứng rắn: Nếu Trung Quốc bắt đầu can thiệp vào hoạt động khoan ở Lô Tuna, cùng với phản đối ngoại giao, Jakarta sẽ triển khai các tàu thực thi pháp luật trên biển và tàu chiến để bảo vệ lợi ích kinh tế của mình.

Với tuyên bố đó, xem ra, sau 2 năm, câu chuyện quần đảo Natuna giữa Trung Quốc và Indonesia đang nóng trở lại.

RELATED ARTICLES

Tin mới