Monday, November 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiKẻ cướp không bao giờ có “quyền lợi hợp pháp”!

Kẻ cướp không bao giờ có “quyền lợi hợp pháp”!

 

Trong khi dư luận thế giới bày tỏ sự quan tâm chuyến thăm Đông Nam Á của bà Kamala Harris, Phó Tổng thống Mỹ và dành những lời tốt đẹp về nỗ lực của Washington vào quá trình mở rộng hợp tác quốc tế, chống leo thang căng thẳng trên Biển Đông, thì Trung Quốc lại tỏ ra hết sức hằn học.

Lẽ thường khi hàng xóm có khách thăm nhà thì trong và sau khi khách ra về, chớ nên có những thái độ, hành động dè bỉu, kích động như thế. Nhưng không, gần như ngay tức thì, sau khi Phó Tổng thống Mỹ vừa tổ chức họp báo xong thì trang facebook của Đại sứ quan Trung Quốc tại Hà Nội đã đăng bài công kích nhà lãnh đạo Mỹ. Những dòng chữ đầy ngạo ngược này xuất hiện vào lúc nửa đêm 26/8 giờ Hà Nội, cũng là một thứ bất thường.

Nhưng đáng chú ý không phải là thái độ thù địch của Đại sứ quán Trung Quốc với Lầu Năm Góc mà là sự trơ tráo của họ khi Trung Quốc tiếp tục nhận xằng: Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về Trung Quốc (!). Họ tuyên bố, hành vi chiếm đóng các thực thể ở hai quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa) là “quyền lợi hợp pháp” của Trung Quốc.

Sao bỗng dưng đang chuyện Tây lại ngoặt sang Đông như thế? Trong các cuộc hội đàm giữa Phó Tổng thống Mỹ và Chủ tịch nước, cũng như Thủ tướng Việt Nam có bàn đến chuyện chủ quyền của hai quần đảo này đâu? Mà sao lại phải bàn khi Việt Nam có đầy đủ cơ sở phám lý, căn cứ lịch sử để chứng minh từ ngàn đời nay Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam!

Có điều, bà Kamala Harris bày tỏ: Việt Nam phải hợp sức cùng với Mỹ ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc, không để nước này tiếp tục gia tăng các hoạt động quân sự gây mất an ninh trên biển. Cần gây sức ép đối với Trung Quốc để đảm bảo quyền tự do hàng hải ở khu vực Biển Đông.

Thế là đụng đến cái “tử huyệt” của Trung Nam Hải. Đại sứ quán Trung Quốc mới nhảy dựng lên vu cáo Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác. Rằng Trung Quốc chiếm đóng hai quần đảo này là câu chuyện chẳng còn gì phải bàn cãi. Rằng, chính Mỹ mới là kẻ gây rối, gây mất an ninh trên biển. Chính Mỹ đã lôi kéo nhiều nước như Anh, Pháp, Đức, Nga, Ấn Độ… vào tập trận ầm ĩ trên Biển Đông.

Bài viết trên facebook của Đại sứ quán Trung Quốc cáo buộc chuyến thăm của bà Harris tới Việt Nam không có mục đích nào khác mà chỉ cốt thách thức và gây sức ép với Trung Quốc” và “chia rẽ Trung Quốc với các nước xung quanh”. Đẩy tới một bước, bài viết khẳng định, Mỹ mới chính là “kẻ thúc đẩy quân sự hoá” tại Biển Đông. Ông Đại sứ Hùng Ba cố tình “quên” một điều, trên thực tế, chính Trung Quốc đã bồi lấp các đá thành đảo nhân tạo ở Trường Sa, ngang nhiên xây dựng các căn cứ quân sự ở cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Nhân đây Sứ quán Trung Quốc dằn mặt Mỹ không được coi nhẹ ý chí và năng lực của nước này trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia. Các nước trong khu vực có đủ “trí khôn” để không nghe Mỹ chống Trung Quốc (!).

Đây không phải lần đầu các cơ quan ngoại giao của Trung Quốc tại Việt Nam có thái độ trịch thượng như vậy. Những phát ngôn nêu trên vừa trực diện đả kích Mỹ vừa là lời đe dọa đối với Hà Nội: “Hãy liệu mà ứng xử! Nước xa không cứu được lửa gần”. Có lẽ vì thế mà ông Thủ tướng Việt Nam cũng đã nói rất khôn khéo trong cuộc gặp trước đó với ông Đại sứ Hùng Ba, đại ý, Việt Nam không liên minh với bất cứ nước nào để chống lại một nước khác.

Câu chuyện biến vùng không tranh chấp thành vùng có tranh chấp là chuyện quen làm của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Đã gây sự cố thì phải cố ngồi với nhau mà tháo gỡ. Lâu nay đã có nhiều cuộc đàm phán ở đủ mọi diễn đàn. Tiêu biểu là, đàm phán phân định ranh giới các vùng biển và thềm lục địa chồng lấn giữa các quốc gia ven biển nằm đối diện hay liền kề, theo UNCLOS 1982.

Sự phân định ranh giới ấy dựa trên nguyên tắc “công bằng mà mỗi bên có thể chấp nhận được”. Một khi các bên chưa thống nhất được đường phân định cuối cùng thì có thể áp dụng giải pháp tạm thời, có tính thực tiễn “hợp tác cùng phát triển” ở “vùng chồng lấn”, được hình thành trên cơ sở áp dụng các tiêu chuẩn theo quy định của UNCLOS.

Có điều giải pháp tạm thời này không áp dụng cho những phạm vi lãnh thổ có tranh chấp chủ quyền, chẳng hạn như quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Chỉ có loại tranh chấp có liên quan đến việc giải thích và áp dụng sai UNCLOS thì các bên liên quan có thể đơn phương khởi kiện lên các cơ quan tài phán quốc tế.

Nguyên tắc là bất di bất dịch. Ở đây là nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ hiện hành của Luật pháp và Thực tiễn quốc tế. Chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia hợp pháp trên biển là câu chuyện “dĩ bất biến”, không có “ứng vạn biến” ở đây. Không ai được phép từ bỏ, nhân nhượng, bán rẻ một tấc đất của cha ông để lại.

Khi Trung Quốc mượn cớ “chửi” Mỹ để nhận xằng Hoàng Sa và Trường Sa thì thêm một lần họ làm mất uy tín của một quốc gia đang có nhiều tham vọng phát triển, đang trỗi dậy hòng bỏ Mỹ lại phía sau.

Thời nay, thế giới văn minh không dễ để cho ai một mình một chợ muốn nói ngược nói xuôi gì thì nói. Kẻ cướp không bao giờ mơ tới “quyền lợi hợp pháp”!

RELATED ARTICLES

Tin mới