Trung Quốc là một quốc gia có trách nhiệm. Những vấn đề liên quan yêu sách chủ quyền trên Biển Đông đang được các bên liên quan đàm phán tích cực và triển vọng. Nhưng “nói một đường, làm một nẻo”, tàu khảo sát hiện đại nhất của Trung Quốc tiến xuống Biển Đông đang làm dấy lên nỗi lo lắng mới.
Hạ thủy tàu Shiyan 6
Tin mới: “Tàu khảo sát địa chất “Shiyan 6” (còn gọi là Thực nghiệm 6), một trong những tàu khảo sát mới và tiên tiến nhất của Trung Quốc, đang có chuyến hành trình đầu tiên hướng tới Biển Đông. Không chỉ truyền thông quốc tế, truyền thông Trung Quốc, cụ thể, tờ tạp chí Nhật báo Khoa học và Công nghệ, cũng loan tin sự kiện này một cách hồ hởi, rằng: Con tàu khảo sát này đã rời cảng ở Quảng Châu, miền Nam Trung Quốc để thực hiện “các nhiệm vụ khoa học quan trọng” ở cửa sông Châu Giang thuộc tỉnh Quảng Đông và phần phía Bắc của Biển Đông.
Shiyan 6 là tàu nghiên cứu hiện đại nhất của Trung Quốc, được đóng từ năm 2018 và hạ thủy mới đây. Ngốn khoản kinh phí lên tới gần 80 triệu USD, có thể mang theo 60 người, lượng giãn nước 3.990 tấn, hoạt động trên biển 60 ngày trong phạm vi 12.000 hải lý… Trung Quốc từng khoe khoang, con tàu này là “lực lượng chủ chốt của hạm đội nghiên cứu khoa học của Trung Quốc ở Biển Đông và các vùng biển lân cận”; nó sẽ góp phần nâng cao năng lực khai thác tài nguyên biển, dầu mỏ, khí đốt, khoáng sản và các nguồn tài nguyên di truyền sinh học của Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền quốc gia, các quyền lợi trên biển…
Biết dư luận quốc tế cùng các quốc gia, nhất là Việt Nam, Philippines, Malaysia không thể không quan tâm và theo dõi sát động thái này, trang mạng truyền hình toàn cầu Trung Quốc (CGTN) thuộc Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đã trấn an rằng: Có mặt trên Shiyan 6, nhóm các nhà khoa học của Viện Hải dương học Biển Hoa Nam thuộc Viện Khoa học Trung Quốc sẽ tiến hành nghiên cứu về thủy động lực học, vận chuyển vật liệu và các quá trình phản ứng sinh thái ở các vùng biển gần Vùng Vịnh lớn Quảng Đông-Hong Kong-Macau và các vùng lân cận dòng chảy sông Châu Giang…
Các nước trong khu vực lo là phải. “Khảo sát địa chất” là giọng lưỡi Trung Quốc. Đằng sau đó, họ có khảo sát thật hay không, khảo sát như thế nào…, là điều dư luận luôn nghi ngờ, nhất là dù yêu sách “đường 9 đoạn” đã bị Tòa án trọng tài PCA bác bỏ năm 2016, nhưng Bắc Kinh vẫn khăng khăng bảo vệ và cho rằng, chẳng ai có thể cấm Trung Quốc khảo sát địa chất hoặc các hoạt động khác trong phạm vi “đường 9 đoạn”. Nhiều chuyên gia quốc tế “đọc vị”, “khảo sát” chỉ là danh nghĩa. Điều chủ yếu, Bắc Kinh muốn thông qua nó để quấy nhiễu hoạt động dầu khí, đồng thời, gây sức ép với các nước trong khu vực, biến các khu vực không tranh chấp, thành khu vực có tranh chấp, từ đó độc chiếm Biển Đông…
Thế nên, cộng đồng quốc tế từng chứng kiến, gần như mỗi lần Bắc Kinh cho tàu xuống Biển Đông thực hiện “khảo sát” là một lần Biển Đông phức tạp, thậm chí nóng bỏng.
Năm 2019, căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc đã diễn ra khi Bắc Kinh cho tàu Hải Dương 8, có tàu hải cảnh hộ tống, “khảo sát địa chất” gần 4 tháng tại khu vực bãi Tư Chính của Việt Nam. Tháng 4 năm 2020, nhóm tàu này đã trở lại xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam một lần nữa; sau đó đi xuống phía Nam “gây sự” với Malaysia, cũng bằng cái gọi là “khảo sát” trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này, gần khu vực một tàu khoan thăm dò dầu của tập đoàn dầu khí quốc gia Malaysia Petronas đang hoạt động. Cuộc đối đầu giữa hai bên đã diễn ra suốt một tháng tại vùng biển đang đang tranh chấp. Chỉ có điều, không làm ầm ĩ, phản công ngoại giao bằng cách “đa phương hóa” như Việt Nam, Kuala Lumpur ngấm ngầm thỏa thuận và dựa vào sự hỗ trợ của chiến hạm Mỹ đang lảng vảng gần đó với danh nghĩa thực hiện “tự do hàng hải”, đồng thời, thực hiện một vài động tác ngoại giao “nhẹ nhàng và kín đáo”.
Với động thái mới này của tàu Shiyan 6, Biển Đông săp tới rất có thể sẽ lại “có chuyện”.