Sau nhiều năm, chỉ một vài nhà cung cấp trong nước có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam.
Chậm cả chất và lượng
Tại thị trường Việt Nam hiện nay, hầu hết các hãng sản xuất ô tô lớn trên thế giới đã có mặt như Toyota, Honda, Ford… kéo theo đó là một số nhà sản xuất vệ tinh và hệ thống các nhà cung ứng linh kiện phụ tùng nước ngoài thân thiết vào đầu tư tại Việt Nam.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, dù đã có sự gia tăng trong thời gian qua, tuy nhiên doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) cho ngành ô tô Việt Nam phát triển chậm cả về số lượng và chất lượng so với nhiều quốc gia trong khu vực.
Hiện nay, chỉ một vài nhà cung cấp trong nước có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam. So với Thái Lan, số lượng nhà cung cấp của Việt Nam trong ngành công nghiệp ô tô vẫn còn rất ít. Thái Lan có gần 700 nhà cung cấp cấp 1, nhưng Việt Nam chỉ có chưa đến 100. Thái Lan có khoảng 1.700 nhà cung cấp cấp 2, 3, trong khi Việt Nam chỉ có chưa đến 150.
Tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi còn thấp: mục tiêu đề ra là 30 – 40% vào năm 2020, 40 – 45% vào năm 2025 và 50 – 55% vào năm 2030, tuy nhiên đến nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%, trong đó Thaco đạt 15-18%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova (theo thông tin từ phía doanh nghiệp), thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra cũng như thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia và Malaysia.
Phụ tùng linh kiện ô tô hiện đang sản xuất tại Việt Nam chủ yếu là các phụ tùng thâm dụng lao động, công nghệ giản đơn, như ghế ngồi, kính, săm lốp, bánh xe… Việt Nam phải nhập khẩu ròng hầu hết các nhóm sản phẩm CNHT có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, nhất là các bộ phận, linh kiện quan trọng, thuộc hệ thống phanh, ly hợp, hộp số, hệ thống lái, yêu cầu công nghệ chế tạo ở mức cao.
Để phục vụ lắp ráp ô tô trong nước, trong giai đoạn 2010 – 2016, Việt Nam đã nhập khẩu các loại phụ tùng, linh kiện khác nhau, với tổng giá trị nhâp khẩu bình quân mỗi năm khoảng 2 tỷ USD, chủ yếu từ Nhật Bản (23%), Trung Quốc (23%), Hàn Quốc (16%) và Thái Lan (16%).
Tại sao Trung Quốc, Thái Lan làm được?
Hiện Trung Quốc là nước sản xuất ô tô và phương tiện thương mại đứng đầu thế giới, chiếm khoảng 25,4% thị trường ô tô và phương tiện thương mại toàn cầu, khoảng 20% là các hãng nội địa.
Sự thay đổi trong chính sách phát triển kinh tế, nhất là việc mở cửa thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ sau năm 1978 là chính sách quan trọng nhất thúc đẩy phát triển CNHT cho ngành công nghiệp ô tô.
Trung Quốc đã nhanh chóng dỡ bỏ các rào cản và ban hành các chính sách thông thoáng thu hút FDI vào ngành công nghiệp ô tô. Nhờ đó, hầu hết các hãng ô tô lớn trên thế giới đã có mặt tại Trung Quốc như Volkswagen của Đức, GM và Ford của Mỹ, Toyota của Nhật Bản và Peugeot – Citroen và Fiat của châu Âu.
Để tăng cường sức cạnh tranh cho ngành công nghiệp ô tô trong nước, Trung Quốc đã điều chỉnh chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi và ưu tiên thu hút FDI vào các lĩnh vực CNHT cho ngành công nghiệp ô tô.
Theo đó, Trung Quốc thiết lập các chính sách khuyến khích quá trình học hỏi công nghệ, và chuyển từ liên kết ngang (theo chiều rộng) sang liên kết dọc (theo chiều sâu) trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp ô tô nội địa.
Để tận dụng lợi thế thị trường và hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, Trung Quốc không áp dụng các biện pháp hạn chế tiêu dùng nội địa. Ngược lại, Trung Quốc khuyến khích các doanh nghiệp trong ngành sản xuất và lắp ráp ô tô ở Trung Quốc tiêu thụ trong thị trường nội địa, ban hành chính sách hạn chế nhập khẩu ô tô sản xuất ở nước ngoài. Vì vậy, Trung Quốc đã thu hút được nhiều tập đoàn sản xuất ô tô nước ngoài đầu tư trực tiếp vào thị trường Trung quốc.
Cùng với đó, Trung Quốc còn ban hành và áp dụng nhiều chính sách khuyến khích và thúc đẩy phát triển thị trường linh kiện, phụ tùng ô tô nội địa rộng lớn, và kết nối các nhà sản xuất trong nước. Trung Quốc khuyến khích các hãng trong nước thực hiện liên kết, liên doanh với các hãng lớn nước ngoài, kết nối các doanh nghiệp nhỏ và vừa cung cấp phụ tùng, linh kiện nội địa.
Trung Quốc xây dựng và khuyến khích áp dụng các chương trình thúc đẩy phát triển CNHT cho ngành công nghiệp ô tô nội địa. Trung Quốc cho phép các hãng ô tô nước ngoài tham gia chương trình thúc đẩy phát triển CNHT cho ngành công nghiệp ô tô ở Trung Quốc thông qua việc thiết lập các tiêu chí lựa chọn. Theo đó, các hãng lớn nước ngoài có thể đưa ra chính sách và tập hợp các tiêu chí lựa chọn đối tác là các hãng trong nước có đủ điều kiện để sản xuất cung cấp linh kiện, phụ tùng cho họ.
Khi được lựa chọn, các doanh nghiệp trong nước này sẽ được hỗ trợ toàn diện, và được tăng cường năng lực sản xuất để có thể trở thành một mắt xích tham gia trong mạng sản xuất của hãng.
Trung Quốc sử dụng doanh nghiệp nhà nước (DNNN) như một công cụ trong chiến lược phát triển CNHT cho ngành công nghiệp ô tô nội địa. Các DNNN lớn vừa tham gia vào trong các liên doanh lắp ráp và vừa đầu tư phát triển các cơ sở sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô. Các hãng liên doanh đóng vai trò tăng cường khả năng thích nghi và chuyên sâu hơn của các cơ sở sản xuất trong nước để cung cấp cho các hãng nước ngoài. Khoảng hơn 100 nhà máy liên doanh ở Thượng Hải cung cấp linh kiện cho các hãng ô tô lớn nước ngoài đã được thành lập.
Các hãng liên doanh này thường tập trung trong một khu vực địa lý nhất định đã tạo ra lợi thế lớn trong việc giảm thiểu chi phí giao dịch và rút ngắn thời gian cung cấp.
Trung Quốc xây dựng và phát triển mạnh các cụm công nghiệp tập trung các ngành CNHT nhằm giảm thiểu chi phí giao dịch, thúc đẩy quá trình học hỏi và chuyển giao công nghệ, và cuối cùng cải thiện năng lực cạnh tranh chung của toàn ngành. Trung Quốc đã phát triển các vùng (cụm) tập trung cho CNHT cho ngành công nghiệp ô tô. Bên cạnh đó, Trung Quốc đã thúc đẩy sự hình thành và phát triển các khu thương mại để thúc đẩy trao đổi hàng hóa với vai trò là các chợ đầu mối cho các cụm CNHT phát triển.
Sự phát triển của các doanh nghiệp liên doanh kéo theo nhu cầu về các chi tiết, phụ tùng, linh kiện từ các nhà thầu phụ là các DNNVV khác. Qua đó, các hãng nội địa của Trung Quốc dần tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp ô tô toàn cầu.
Trung Quốc tạo một môi trường thuận lợi cho các DNNVV khu vực tư nhân tham gia vào CNHT cho ngành công nghiệp ô tô trong mạng sản xuất địa phương. Bên cạnh việc thu hút các hãng ô tô nước ngoài đầu tư, Trung Quốc ban hành nhiều chính sách hỗ trợ và khuyến khích sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô và cơ khí.
Những chính sách ưu đãi về thuế, hỗ trợ tín dụng và nhiều biện pháp khác khuyến khích các hãng nước ngoài sử dụng các linh kiện sản xuất tại địa phương có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của CNHT cho ngành công nghiệp ô tô. Chính phủ Trung Quốc cũng khuyến khích các liên doanh cho ra đời những chiếc ô tô mang thương hiệu địa phương và điều này đã góp phần tạo nên sự gắn kết giữa doanh nghiệp nội địa với doanh nghiệp nước ngoài, trong đó các doanh nghiệp lớn đóng vai trò trung tâm thu hút liên kết và thực hiện chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp vệ tinh địa phương.
Trung Quốc chú trọng chính sách phát triển nguồn nhân lực cho phát triển CNHT. Trung Quốc thực hiện các chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ lực lượng kỹ sư kỹ thuật Hoa kiều đông đảo về làm việc trong CNHT cho ngành công nghiệp ô tô trong nước. Trung Quốc cũng triển khai chương trình đào tạo kỹ sư quốc tế giúp các nhà sản xuất chế tạo được các loại động cơ công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn Euro IV, tiêu chuẩn khí thải cao nhất hiện nay. Tuyển chọn sinh viên học ở Mỹ và các nước có ngành công nghiệp ô tô phát triển về nước. Đặc biệt, Trung Quốc đưa ra các chính sách hấp dẫn nhằm thu hút các chuyên gia, kỹ sư cao cấp từ các hãng lớn trên thế giới.
Trong khi đó, Thái Lan là một trong những nước tích cực nhất trong phát triển CNHT ở khu vực ASEAN. Hiện nay, Thái Lan có một ngành công nghiệp ô tô lớn mạnh với mạng lưới CNHT cho ngành công nghiệp ô tô phát triển.
Quá trình phát triển ngành công nghiệp ô tô của Thái Lan ghi nhận sự hỗ trợ lớn từ phía Nhật Bản.
Đầu thập kỷ 1980, được sự hỗ trợ của Nhật Bản, chính phủ Thái Lan đã điều chỉnh và xây dựng chiến lược toàn diện cho phát triển ngành công nghiệp ô tô. Thái Lan đẩy mạnh thu hút FDI vào các ngành CNHT và công nghiệp ô tô cùng với việc gỡ dần bảo hộ thị trường nội địa thông qua các quy định chặt chẽ về tỷ lệ nội địa hóa trong công nghiệp ô tô.
Năm 1972, Chính phủ Thái Lan ban hành chính sách nội địa hóa, yêu cầu các hãng sản xuất ô tô nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Thái Lan phải mua các chi tiết, linh kiện sản xuất tại địa phương. Mục tiêu của chính sách nội địa hóa này là nhằm tăng dần năng lực sản xuất chi tiết, linh kiện ô tô của các doanh nghiệp trong nước.
Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp Thái Lan lúc đó là các DNNVV, trình độ công nghệ thấp, năng lực quản lý yếu kém, và do đó chưa đủ năng lực cung cấp chi tiết, linh kiện, phụ tùng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật của các hãng ô tô nước ngoài. Vì vậy, phần lớn doanh nghiệp FDI phải nhập chi tiết, linh kiện, phụ tùng từ các hãng sản xuất ở nước ngoài hoặc kéo theo các doanh nghiệp vệ tinh của họ. Sau đó, Thái Lan đã phải điều chỉnh và thực hiện chính sách linh hoạt hơn bằng cách cho phép các công ty lắp ráp ô tô chọn mua các bộ phận, chi tiết được sản xuất tại địa phương.
Tuy nhiên, do quy mô thị trường nhỏ, chính sách nội địa hóa không đạt được kết quả như mong đợi cho nên thay vì tập trung nguồn lực cho phát triển ngành công nghiệp ô tô, Thái Lan đã chuyển hướng sang xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng thúc đẩy phát triển CNHT cho ngành công nghiệp ô tô, và thực hiện các chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô theo hướng mềm dẻo hơn.
Chính phủ Thái Lan cho phép thành lập các khu (cụm) công nghiệp tập trung tại Bangkok và các tỉnh phụ cận khu vực miền trung, ban hành các chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư vào các khu (cụm) công nghiệp này. Bên cạnh đó, thay vì quy định ngặt về tỷ lệ nội địa hóa, Thái Lan thực hiện chính sách theo hướng linh hoạt hơn thông qua việc yêu cầu các hãng phải đạt các chỉ tiêu về tỷ lệ nội địa hóa theo lộ trình. Những chính sách này đã tạo ra một làn sóng mới đầu tư vào phát triển CNHT cho ngành công nghiệp ô tô.
Nhu cầu về linh kiện, phụ tùng ô tô tăng nhanh, trong khi các doanh nghiệp Thái Lan chưa đủ năng lực đáp ứng, để đạt tỷ lệ nội địa hóa theo đúng quy định, các hãng FDI đã kéo thêm các doanh nghiệp vệ tinh của họ để có thể cung cấp các chi tiết, linh kiện, phụ tùng đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng. Sự gia tăng của các doanh nghiệp FDI cũng khuyến khích sự xuất hiện của các nhà thầu phụ Thái Lan tham gia vào mạng sản xuất.
Trong thời gian này, Chính phủ Thái Lan đặc biệt chú trọng tới việc hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các DNNVV (Doanh nghiệp nhỏ và vừa) trong nước tham gia vào mạng sản xuất chi tiết, phụ tùng, linh kiện ô tô, khuyến khích và hỗ trợ DNNVV nâng cao năng lực sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Kết quả là Thái Lan đã hình thành được các cụm công nghiệp ô tô tại Bangkok và các tỉnh miền trung như tỉnh Smaut Parakan. Bên cạnh đó, Thái Lan còn khuyến khích phát triển cụm công nghiệp ở các làng xã và thị trấn nhỏ.
Chính phủ Thái Lan đã xây dựng chương trình làng nghề truyền thống. Các làng nghề truyền thống sẽ chọn ra một sản phẩm truyền thống có năng lực cạnh tranh để chuyên môn hóa sản xuất. Chính phủ sẽ hỗ trợ và tạo điều kiện kết nối các sản phẩm phẩm đó với các công ty trong CNHT và công nghiệp ô tô.
Kết quả, từ 1987-1999 là giai đoạn tăng trưởng nhanh của ngành công nghiệp ô tô ở Thái Lan. Thái Lan tận dụng nguồn lực ngoại để đẩy nhanh tốc độ phát triển và phát triển hài hòa công nghiệp ô tô và các ngành CNHT cho ngành công nghiệp ô tô.
Chính phủ Thái Lan có những chính sách ưu đãi, xây dựng một môi trường đầu tư đáng tin cậy để thu hút các hãng ô tô lớn của Nhật Bản, Mỹ và châu Âu. Cùng với tổ chức JICA của Nhật Bản, Thái Lan tiếp tục xây dựng và triển khai quy hoạch tổng thể phát triển CNHT cho ngành công nghiệp ô tô. Thái Lan đã thành lập các khu công nghiệp ở các tỉnh phía bắc và phía đông, phát triển hệ thống đường cao tốc và cơ sở hạ tầng giao thông, cảng biển v.v… tại khu vực phía đông và đông bắc. Nhiều dự án sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô đã được thành lập ở đây, hình thành các cụm công nghiệp ô tô mới.
Các doanh nghiệp sản xuất ô tô của châu Âu và Mỹ (ví dụ như, AAT, GM và BMW) đầu tư tại Rayong (vùng ven biển phía đông). Các công ty của Nhật Bản tập trung ở Chonburi với nhà sản xuất lắp ráp ô tô chính Mishubishi và các nhà cung cấp trong khu công nghiệp Laem Cha Bang, Denso, Siam Toyota và các doanh nghiệp sản xuất linh kiện khác trong khu công nghiệp Chonburi. Các công ty Nhật Bản mở rộng thêm nhiều nhà máy và tăng quy mô sản xuất tại Thái Lan.
Các công ty này đã tổ chức sản xuất dưới dạng vệ tinh, mời các doanh nghiệp Thái Lan tham gia cung ứng và đặt các doanh nghiệp này xung quanh nhà máy lắp ráp của họ để hình thành các mạng sản xuất. Các nhà lắp ráp này hợp tác chặt chẽ với nhau, đặc biệt là thông qua Chương trình khuyến khích sản xuất động cơ diesel buộc các nhà lắp ráp động cơ sử dụng các bộ phận động cơ được sản xuất tại địa phương đáp ứng các yêu cầu về chất lượng theo đúng tiêu chuẩn của các nhà lắp ráp và được kiểm nghiệm đánh giá nghiêm ngặt.
Chính phủ Thái Lan đã xây dựng các chương trình phát triển CNHT cho ngành công nghiệp ô tô cụ thể. Ví dụ như, chính phủ đặt mục tiêu nội địa hóa động cơ diesel ở mức 20% vào năm 1989. Để bảo hộ CNHT cho ngành công nghiệp ô tô non trẻ trong nước, Thái Lan đã mở rộng các hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu các loại đầu vào như bộ tản nhiệt, pin, ống xả, săm lốp, kính an toàn, trống phanh và phanh đĩa.
Mặt khác, Thái Lan cũng thực hiện các chương trình hỗ trợ và xúc tiến phát triển CNHT và được chia làm 4 giai đoạn: 1992–1993 (phát triển cơ sở dữ liệu để hỗ trợ liên kết ngành tập trung vào ngành điện tử, ô tô, máy móc thiết bị và đào tạo nhà cung cấp), 1993–1994 (hỗ trợ kỹ thuật, tổ chức hội thảo và kết nối doanh nghiệp), 1994–1995 (phát triển cơ sở dữ liệu, đào tạo và tham gia các hội chợ thương mại quốc tế), 1995–1997 (tham gia hội thảo quốc tế và tổ chức hội chợ).
Từ năm 2000 đến nay, Thái Lan tiếp tục đẩy mạnh phát triển CNHT cho ngành công nghiệp ô tô, khuyến khích xuất khẩu, tái khẳng định vị thế hàng đầu trong phát triển CNHT và công nghiệp ô tô trong khu vực ASEAN. Những chính sách và biện pháp trong những giai đoạn trước đã thúc đẩy sự liên kết giữa các công ty lắp ráp ô tô và các công ty nước ngoài hoạt động trong CNHT cho ngành công nghiệp ô tô đã đẩy nhanh quá trình chuyển giao công nghệ từ các công ty nước ngoài cho các doanh nghiệp Thái Lan hoạt động trong lĩnh vực CNHT cho ngành công nghiệp ô tô. Nhờ đó năng lực công nghệ và năng lực sản xuất của các doanh nghiệp CNHT cho ngành công nghiệp ô tô trong nước được cải thiện đáng kể.
Tuy nhiên, khác với Nhật Bản, đặc trưng của các mạng sản xuất ô tô Thái Lan là các doanh nghiệp hoạt động trong CNHT cho ngành công nghiệp ô tô cung cấp cho nhiều mạng sản xuất. Trong đó, đứng đầu là các hãng ô tô nổi tiếng trên thế giới, theo sau là các doanh nghiệp FDI sản xuất phụ tùng, và cuối cùng là các DNNVV Thái Lan hoạt động xung quanh như những vệ tinh cho các nhà lắp ráp hoặc các nhà sản xuất phụ tùng.
Chính phủ Thái Lan đặc biệt quan tâm tới việc đẩy mạnh phát triển CNHT cho ngành công nghiệp ô tô định hướng xuất khẩu, đẩy mạnh tự do hóa, xóa bỏ các rào cản về tỷ lệ nội địa hóa, quy định xuất xứ sản phẩm.