Friday, November 15, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiTQ ngừng đầu tư điện than: Việt Nam ảnh hưởng gì?

TQ ngừng đầu tư điện than: Việt Nam ảnh hưởng gì?

Động thái của Trung Quốc được cho là sẽ ảnh hưởng lớn đến các dự án điện than đang được quy hoạch trong bản dự thảo Quy hoạch điện VIII.

Theo hãng tin Reuters, trong bài phát biểu tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc về các cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu hôm 21/9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc sẽ không xây dựng các dự án nhiệt điện than mới ở nước ngoài.

Tuyên bố của ông Tập Cận Bình tiếp nối các động thái tương tự của Hàn Quốc và Nhật Bản vào đầu năm nay. Trung Quốc là một trong ba quốc gia đầu tư cho điện than lớn nhất tại Việt Nam, cùng với Hàn Quốc và Nhật Bản.

Theo nhận định của đại diện Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), động thái này của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng lớn đến các dự án điện than đang được quy hoạch trong bản dự thảo Quy hoạch Điện VIII, khi nhiều dự án sẽ khó có thể thu hút được vốn đầu tư khi các cường quốc đầu tư cho than ở châu Á đều đã tuyên bố rút đầu tư cho điện than.

Năm 2017, GreenID đã có báo cáo “Phát triển nhiệt điện than ở Việt Nam: Góc nhìn tài chính” trong đó chỉ rõ, việc phát triển nhiệt điện than ở Việt Nam phụ thuộc phần lớn vào nguồn tài chính nước ngoài.

Số liệu do GreenID công bố cho thấy, Trung Quốc là quốc gia cấp vốn vay nhiều nhất cho nhiệt điện than ở Việt Nam, tiếp đó là Nhật Bản và Hàn Quốc.

Nguồn vốn được cung cấp chủ yếu qua các cơ quan tín dụng xuất khẩu của những quốc gia này, bao gồm Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc, Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Hàn Quốc (Kexim), Công ty Bảo hiểm Thương mại Hàn Quốc (K-sure) và Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC).

Bên cạnh các cơ quan tín dụng xuất khẩu, ngân hàng thương mại các nước cũng giữ vai trò rất quan trọng, trong đó bốn ngân hàng của Trung Quốc (Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, Ngân hàng Công thương Trung Quốc, Ngân hàng Trung Quốc và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc) chiếm tới 80% nguồn tài chính của nhóm các ngân hàng thương mại.

Báo cáo chỉ rõ, bằng việc cung cấp tài chính cho các dự án nhiệt điện than ở Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã đạt được mục đích mở rộng thị trường cho các công ty thiết kế, cung cấp thiết bị và xây dựng của những quốc gia này. Điều này đặc biệt quan trọng với Trung Quốc, nơi mà hàng loạt các công ty trong lĩnh vực nhiệt điện than bị giảm thị phần do vấn đề dư thừa công suất điện than, lo ngại ô nhiễm môi trường và cạnh tranh của năng lượng tái tạo.

Với Trung Quốc, động lực đầu tiên trong việc cung cấp tài chính cho các dự án nhiệt điện than ở nước ngoài là để xuất khẩu các hợp đồng thiết kê, mua sắm thiết bị và xây dựng. Nói cách khác, để hỗ trợ các công ty sản xuất thiết bị nhiệt điện than Trung Quốc xuất khẩu được sản phẩm của họ (như lò hơi, tua bin, máy phát…) sang nước ngoài, các ngân hàng chính sách của Trung Quốc cùng các ngân hàng thương mại cấp vốn dưới dạng tín dụng người mua cho các chủ dự án ở nước ngoài để mua thiết bị từ các công ty Trung Quốc.

Vì vậy, thông thường, đi kèm với các khoản cho vay của ngân hàng Trung Quốc là các hợp đồng thiết kế-mua sắm-xây dựng (EPC) do các nhà thầu Trung Quốc thực hiện. Tập đoàn Điện lực Đông Phương (Dofang), Chengda, Tập đoàn Điện khí Nhân dân Trung Quốc, Kaidi, Tập đoàn Điện khí Thượng Hải, Viện Thiết kế Điện lực Quảng Đông (GEDI)… là những cái tên quen thuộc của những tổng thầu EPC trong các dự án nhiệt điện than tại Việt Nam.

Hoạt động cấp vốn vay cho các dự án nhiệt điện than còn giúp mở đường đầu tư cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng đi kèm và nhập khẩu tài nguyên của quốc gia này, đồng thời nâng cao sức mạnh kinh tế và chính trị của Trung Quốc trong khu vực và trên thế giới.

“Như vậy, trong khi những quốc gia cho vay vốn nhận được những lợi ích về kinh tế và chính trị thì những gì Việt Nam nhận được là nợ nần và rủi ro về môi trường, sức khỏe và an ninh chính trị quốc gia”, GreenID chỉ rõ.

Cần loại các dự án điện than chưa triển khai xây dựng khỏi quy hoạch

Trong diễn biến mới nhất, ngày 23/9, nhóm 10 liên minh, tổ chức đại diện hơn 200 nhà khoa học Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng sạch, bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng, chống biến đổi khí hậu đã có văn bản góp ý những điểm trong bản dự thảo Quy hoạch Điện VIII của Bộ Công thương đưa ra hồi đầu tháng 9/2021.

Theo đó, nhóm liên minh, tổ chức này cho rằng, cần loại các dự án điện than chưa triển khai xây dựng khỏi quy hoạch, đồng thời có giải pháp để phát triển năng lượng tái tạo.

Theo đánh giá của các liên minh, tổ chức nêu trên, bản dự thảo Quy hoạch Điện VIII mới ngày 05/09/2021 thể hiện sự tụt hậu so với xu hướng phát triển năng lượng xanh, sạch của thế giới khi vẫn tiếp tục định hình tương lai năng lượng của Việt Nam phụ thuộc lớn vào nhiên liệu hóa thạch đồng thời kìm hãm sự phát triển của năng lượng tái tạo.

Thậm chí, bản dự thảo lần này thể hiện “những bước lùi” so với bản dự thảo tháng 3/2021 khi tăng thêm khoảng 3.000 MW điện than và giảm khoảng 8.000 MW điện tái tạo vào năm 2030. Như vậy, trong 10 năm tới công suất điện than mới sẽ tăng thêm gần 20.000 MW, trong khi đó, điện mặt trời chỉ tăng thêm khoảng 2.000 MW, và không phát triển điện gió ngoài khơi”, văn bản nêu rõ.

Trong khi nhiều quốc gia đang phát triển đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội và đẩy nhanh ứng dụng các giải pháp công nghệ để tối đa hóa lợi thế của năng lượng tái tạo như tích trữ năng lượng, lưới điện thông minh, năng lượng tái tạo phân tán và kết hợp với nông nghiệp, giao thông, sản xuất hydrogen… thì Quy hoạch Điện VIII lại chọn phương án kiềm chế năng lượng tái tạo và chưa có lộ trình thúc đẩy ứng dụng những tiến bộ này.

Hiện nay, sự phát triển của công nghệ năng lượng đang diễn ra rất nhanh, rất cần một tầm nhìn chiến lược, khả năng dự báo và những bước đi đột phá về chính sách để đón bắt cơ hội mới.

Tuy nhiên, dự thảo hiện tại không thể hiện được điều này và đang lặp lại bài học thất bại của các quy hoạch điện trước đây, khi cách đây 5 năm không dự báo đúng sự phát triển của năng lượng tái tạo, dẫn tới sự bị động và không đồng bộ giữa chính sách với thị trường, quy hoạch nguồn và lưới, gây ra những bất cập như hiện nay.

Cũng theo bản góp ý này, việc các dự án điện than được tiếp tục là sự lựa chọn đắt đỏ, gây ra các hệ lụy cho nền kinh tế nói chung và không khả thi để triển khai. Hầu hết các dự án điện than mới sẽ sử dụng nguồn than nhập khẩu, trong khi đó giá than đang tăng phi mã.

Thực tế giá than 6 tháng đầu năm 2020 đã là 98,8 USD/tấn, đến năm nay đã tăng lên 159,7 USD/tấn có nghĩa là tăng 150%. Trong khi đó giá than được dự báo trong dự thảo vào năm 2030 chỉ ở mức 75 USD/tấn. Như vậy giá sản xuất điện than đưa ra trong dự thảo đang thấp hơn so với thực tế.

Nếu tính cả chi phí ngoại biên (chi phí môi trường sức khỏe) giá sản xuất điện than có thể tăng thêm 5 UScent/kWh nữa, tương đương 15-16 UScent/kWh, đắt hơn tất cả các loại hình năng lượng tái tạo.

Với tỷ trọng điện hóa thạch cao, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải đối mặt với thuế các bon của các nước phát triển và mất đi ưu thế cạnh tranh. Đồng thời, Việt Nam sẽ đánh mất cơ hội thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các doanh nghiệp FDI có nhu cầu sử dụng điện sạch và theo đuổi mục tiêu trung hòa các bon mà họ cam kết.

Bên cạnh đó, bài học từ Quy hoạch Điện VII điều chỉnh đã cho thấy hàng loạt dự án điện than chậm tiến độ do khó tiếp cận tài chính. Khó khăn này sẽ ngày càng gia tăng khi phong trào thoái vốn khỏi nhiên liệu hóa thạch ngày càng mạnh mẽ và những quốc gia còn lại cuối cùng trong nhóm hỗ trợ phát triển điện than cũng đã tuyên bố dừng cấp tài chính hoặc chuyển hướng đầu tư sang năng lượng sạch. Điều này cảnh báo rất rõ nguy cơ các dự án điện than không tiếp cận được nguồn vốn, dẫn tới chậm tiến độ và gây rủi ro cho an ninh năng lượng quốc gia.

Đồng thời, bản dự thảo hiện tại chưa rà soát toàn diện những khía cạnh nêu trên mà chỉ xem xét ở phạm vi của hệ thống điện.

Cùng với những góp ý trên, nhóm 10 liên minh, tổ chức cũng cho rằng, các nhà máy điện than được quy hoạch xây dựng từ nay tới 2035 sẽ vận hành trong vòng 30 – 60 năm nữa trong khi thế giới đang đoạn tuyệt điện than và bước vào kỷ nguyên năng lượng sạch. Điều này đặt ra lo ngại về tình trạng ô nhiễm không khí, phá vỡ môi trường sinh thái…

“Từ những phân tích trên, chúng tôi kiến nghị Bộ Công thương đưa ra khỏi quy hoạch các dự án điện than chưa triển khai xây dựng; đồng thời ưu tiên các giải pháp chính sách để tháo gỡ khó khăn trước mắt và đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo bền vững trong tương lai. Chúng tôi cam kết sẵn sàng huy động trí tuệ và kiến thức chuyên môn, đóng góp tự nguyện và đồng hành cùng với Bộ Công thương và các cơ quan hữu quan trong việc chỉnh sửa và hoàn thiện dự thảo Quy hoạch điện VIII nhằm đạt các yêu cầu đề ra để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, kiến nghị từ nhóm liên minh – tổ chức cho hay.

RELATED ARTICLES

Tin mới