Các doanh nghiệp Việt Nam cần có sự chủ động hơn trong việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu các vật liệu tưởng chừng bỏ đi để tránh lãng phí.
Trước việc, Hiệp hội Xuất nhập khẩu thịt bò Nhật Bản (J-Bix) đã ký kết bản ghi nhớ với UBND TP Cần Thơ về việc nhập khẩu nguyên liệu rơm, rạ từ Nông trường Sông Hậu (huyện Cờ Đỏ), chuyên gia nông nghiệp, GS.TS Võ Tòng Xuân nhận định đây là một cơ hội rất tốt cho Việt Nam.
Theo ông Xuân, bây giờ chỉ cần đi dọc Bến Tre, hoặc đi Long An, Củ Chi thì sẽ thấy hiện nay rơm, rạ cũng đã được các chủ trang trại nuôi bò tại địa phương thu mua hết. Mặt khác, người dân còn tận dụng đưa vào làm nấm rơm rồi mới bỏ ra cho bò ăn.
Để thấy rằng, rơm vẫn là một nguyên liệu chúng ta đang sử dụng, nhưng không phải tất cả người nông dân đều sử dụng có hiệu quả. Như hiện nay, ở khu nông trường sông Hậu thì số lượng rơm cũng rất nhiều, nhưng chỉ có một số nhà dân thâm canh thì sẽ tận dụng, còn chủ yếu họ vẫn bỏ ra đốt. Chính vì thế, nếu có cơ hội xuất khẩu sang Nhật Bản thì sẽ có lợi về kinh tế hơn rất nhiều.
Thế nhưng, ông Xuân nhận định: “Nếu sau này khi phong trào trồng rơm của người Việt Nam phát triển hơn, thì sẽ phải hướng đến xu hướng giữ lại rơm, bởi vì phải hướng đến làm thâm canh cũng như sử dụng làm thức ăn cho ngành chăn nuôi bò trong tương lai sẽ phát triển”.
Mặt khác, theo ông Xuân, thứ nhất, nếu rơm tốt nghĩa là không còn lưu tồn chất cấm, chất bảo quản từ khi trồng lúa, thì rơm của nông trường sông Hậu sẽ được Nhật Bản đánh giá tốt; thứ hai, thị trường khó tính Nhật Bản sẽ chấp nhận nhập khẩu từ Việt Nam, như vậy cơ hội xuất khẩu rơm, rạ đã mở rộng rất nhiều.
Về lý do Nhật Bản nhập khẩu nhiều rơm, ông Xuân phân tích, đây là đất nước có phong trào chăn nuôi rất lớn, nhưng họ không có đất để trồng đủ cỏ, bắp ngô cho bò ăn cho nên hàng năm phải nhập từ Mỹ cả triệu tấn rơm từ cây lúa mì, hoặc là nhiều loại cỏ.
Thế nhưng bây giờ bên Mỹ, bắp cũng không bán nữa, chỉ bán hạt, còn thân cây bắp thì để cho bò ăn, các cây đậu nành cũng không bán. Trung Quốc thị trường lớn có thể nhập khẩu, nhưng chứa chất ký sinh trùng, không đảm bảo chất lượng, cho nên Nhật đã mở ngay cơ hội cho rơm, rạ Việt Nam.
Ngoài ra, ông Xuân chỉ rõ, Việt Nam cũng còn có những cơ hội khác về mặt chăn nuôi, ví dụ công ty Cargill của Mỹ, chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm và dịch vụ nông nghiệp và thực phẩm, cũng đã hứa sẽ đầu tư 30 triệu USD để xây dựng nhà máy thức ăn gia súc mới tại Bình Dương và thỏa thuận hợp tác với cảng quốc tế Sài Gòn (SITV) để xây trạm lưu trữ ngũ cốc và các loại hạt có dầu tại Phú Mỹ với mức đầu tư 10 triệu USD.
Nhờ vào đó, Việt Nam sẽ sản xuất ra thịt để ăn, giảm bớt nhập khẩu, sẽ tăng lên lượng thức ăn bán ra, gia tăng lượng thịt chăn nuôi trong nước.
Từ đây, bản thân chúng ta phải gia tăng dịch vụ về thức ăn gia súc, thuốc thú y, con giống, tự cải tiến doanh nghiệp, đây chính là cái lợi của TPP, nghĩa là bắt Việt Nam phải tự cải tiến mình để đứng vững trên thị trường sân nhà.
Về năng suất, ông Xuân khẳng định: “Tôi tin chắc chắn Việt Nam sẽ đảm bảo được việc đáp ứng về sản lượng, vì hiện nay rơm cũng nhiều, có 5 tấn gạo thì sẽ có 5 tấn rơm.
Trong khi, hiện nay, 1 năm chúng ta sản xuất 42 triệu tấn lúa, như vậy, tương đương chúng ta cũng sẽ có 42 triệu tấn rơm, bởi vì, lúa của chúng ta hiện nay chủ yếu là lúa cao sản, bông bên trên nặng bao nhiêu thì rơm bên dưới cũng nặng bấy nhiêu. Từ đó, chúng ta sẽ có thêm một mặt hàng nữa để xuất khẩu nữa”.
Ngoài rơm, rạ, theo ông Xuân còn rất nhiều vật liệu của quá trình chế biến sinh ra vốn dĩ bỏ lãng phí, nay có thể tận dụng, như mùn cưa hiện nay đang được sử dụng làm phân bón cho cây trồng, tro cũng được tận dụng làm phân bón, xơ dừa được sử dụng làm đệm cao cấp…
Đặc biệt, thời gian qua, đệm làm từ xơ dừa đang nhận được nhiều sự quan tâm, bởi vì, các nước tiên tiến ngày càng ưa chuộng các sản phảm có nguồn gốc thiên nhiên.
Ví dụ Hàn Quốc xuất bông ép (Polyeste) sang Việt Nam nhưng lại là nước nhập xơ dừa về để làm đệm sử dụng nội địa. Xơ dừa cũng là một sản phẩm được xuất khẩu tại Việt Nam, với các khách hàng quen thuộc đó là Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, các thị trường này nhập khẩu chính các sản phẩm của dừa: chỉ xơ dừa, dừa khô, mụn dừa… của tỉnh Bến Tre – Việt Nam.