Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiMột loại trật tự mới kiểu TQ

Một loại trật tự mới kiểu TQ

Hội nghị Bộ tứ (QUAD) gồm bốn quốc gia Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, dưới sự chủ trì của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kết thúc vào ngày 24/9. Vấn đề trọng tâm là Bộ tứ tuyên bố sẽ theo đuổi một khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương tự do và rộng mở, “không nản lòng trước sự cưỡng ép”.

Trước thềm hội nghị này, Trung Quốc là quốc gia lo ngại nhất. Một lãnh đạo Bộ Ngoại giao nước này tuyên bố xanh rờn “hội nghị này chắc chắn sẽ thất bại”. Bây giờ thì tấm màn nhung đã khép. Cái mà Bắc Kinh cho là “thất bại” thì QUAD lại hoan hỉ báo tin: Hội nghị đạt dược các thỏa thuận, đi đến một cam kết bất di bất dịch “chúng tôi theo đuổi một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở”.

Tuyên bố chung sau cuộc hội đàm hôm 24/9, khẳng định: “Chúng tôi ủng hộ pháp quyền, tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp, các giá trị dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia”.

Bốn nhà lãnh đạo “tế nhị” không hề đả động đến Trung Quốc trong các bài phát biểu công khai hay trong tuyên bố chung, song cốt lõi của vấn đề rõ ràng là răn đe, cản trở âm mưu “phá đám” của Bắc Kinh trong khu vực. Các nhà lãnh đạo QUAD lên tiếng ủng hộ các quốc đảo nhỏ, đặc biệt là các quốc đảo ở Thái Bình Dương, nhằm tăng cường khả năng phục hồi về kinh tế và môi trường của họ.

Bộ tứ họp vào thời điểm hơn một tuần trước đó, Mỹ, Anh và Úc công bố hiệp ước an ninh AUKUS, trong đó sẽ cung cấp cho Úc các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, một động thái bị Bắc Kinh chỉ trích.

Có vẻ như các quan chức Mỹ đã tìm cách “rút củi đáy nồi”, hạ thấp khía cạnh an ninh của nhóm QUAD trước cuộc họp thượng đỉnh. Tuy nhiên, ba quốc gia thành viên vẫn thực hiện các cuộc tập trận hải quân cùng nhau và chia sẻ lo ngại về sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc, cùng với việc gây sức ép lên cả bốn nước.

Tại cuộc họp báo hôm 24/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã “phang” thẳng Bộ tứ. Ông Triệu chỉ trích: “Một bè phái khép kín, độc quyền nhắm vào các nước khác, đi ngược lại xu thế thời đại và nguyện vọng của các nước trong khu vực. Nó sẽ không tìm thấy sự hỗ trợ và chắc chắn sẽ thất bại”.  

Theo quan điểm của Trung Nam Hải: QUAD là một cấu trúc Chiến tranh Lạnh. Còn liên minh mới AUKUS sẽ “nhóm lửa” tăng cường một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.

Vì sao Bắc Kinh lại lên án mạnh mẽ các tổ chức này?

Trước khi về hưu, Đô đốc Davidson, nguyên là Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của quân đội Mỹ, từng nói lí do khiến Trung Quốc cay cú. Ông khuyến cáo chính phủ và quân đội Mỹ phải lưu ý đến hiểm họa Trung Quốc.

Ông Davidson nói: “Trung Quốc đang tìm cách thay thế ý tưởng về cởi mở và tự do vốn là nền tảng của trật tự thế giới thành một loại… trật tự mới kiểu Trung Quốc. Theo đó, sức mạnh của Trung Quốc quan trọng hơn luật pháp quốc tế! Trung Quốc đang nỗ lực tiếp cận khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương bằng nhiều cách: Cưỡng ép, mua chuộc, hợp tác để chi phối các tổ chức, doanh nghiệp, dân chúng”.

Người kế nhiệm Đô đốc Davidson là John Aquilino. Ông này nguyên là Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của quân đội Mỹ. Ông John từng cảnh báo Quốc hội Mỹ: “Số lượng vũ khí hạt nhân của Trung Quốc đang tăng nhanh hơn sự mường tượng của nhiều người”. Và vì thế, cần “gia tăng mức độ đầu tư cho Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương để kiềm chế tốt hơn nỗ lực nhằm mở rộng ảnh hưởng trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương của Trung Quốc”.

Xin độc giả lưu ý, khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương có 36 quốc gia đã được Bộ Quốc phòng Mỹ xác định là trọng tâm chiến lược. Nơi đây có các hải lộ nhộn nhịp nhất, bao gồm 9/10 hải cảng lớn nhất thế giới và là động lực quan trọng cho kinh tế toàn cầu, do vậy sẽ tạo ra nhiều tác động nhất đến tương lai của Mỹ. Khu vực này cũng là nơi có 2/3 quốc gia nằm trong nhóm 10 quốc gia có sự hiện diện của các lực lượng vũ trang lớn nhất thế giới và 5 quốc gia trong khu vực này có trang bị vũ khí hạt nhân. Năm 2020, Mỹ đầu tư 2,2 tỉ USD cho Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương. Mức đầu tư sẽ ngày càng tăng vào các năm sau.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin từng tuyên bố: Quân đội Mỹ không thể bằng lòng với ý kiến cho rằng đó là đội quân có năng lực nhất và mạnh nhất, vì đây là thời điểm những kẻ thù tiềm ẩn đang cố gắng làm suy giảm các lợi thế của chúng ta. Những cuộc chiến sắp tới sẽ rất khác so với những cuộc chiến gần đây.
 
Đó là thể hiện tư duy mới về quốc phòng của Mỹ – duy trì và gia tăng khả năng răn đe để kẻ thù tiềm ẩn luôn thấy rằng, chi phí và rủi ro do gây chiến luôn cao hơn hẳn mọi thức lợi ích mà họ nhắm đến. Tới đây, quân đội Mỹ ngoài việc sử dụng các nguồn lực hiện có, phát triển những khả năng mới, còn phải sử dụng tất cả theo phương thức mới trên diện rộng, thông qua sự hợp tác với các đồng minh và đối tác,   nhằm ngăn chặn xung đột bùng phát.

Các đồng minh “ruột” của Mỹ như nhóm Bộ tứ, nhóm AUKUS đã và đang gắn bó hơn trong một mục tiêu chung: tiêu diệt “kẻ thù tiềm ẩn”. Cuộc họp mới nhất của bốn nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc là một thông điệp cứng rắn gửi đến nhà cầm quyền Bắc Kinh khi Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, tiếp tục một mình một chợ, gây căng thẳng trên Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới