Saturday, January 11, 2025
Trang chủĐiểm tinSáng kiến BRI lại bị tố toàn bẫy nợ

Sáng kiến BRI lại bị tố toàn bẫy nợ

Một nghiên cứu của tổ chức thuộc Học viện William & Mary- Mỹ cho thấy, viện trợ Trung Quốc gấp 2,5 lần Mỹ.

Một nghiên cứu mới được công bố từ Tổ chức AidData, thuộc Học viện William & Mary, bang Virginia của Mỹ cho thấy, với sáng kiến Vành đai – Con đường (BRI), Trung Quốc đã viện trợ gấp hơn 2 lần so với Mỹ trong vòng 5 năm. Đáng nói phần lớn trong đó là viện trợ bẫy nợ.

Cụ thể, trong 5 năm kể từ khi triển khai sáng kiến BRI, Trung Quốc trung bình cấp 85,4 tỷ USD viện trợ phát triển mỗi năm – vượt xa 37 tỷ USD/năm của Mỹ.

Là tham vọng xây dựng Con đường Tơ lụa mới kết nối châu Á, châu Âu, châu Phi bằng cơ sở hạ tầng, thương mại cùng đầu tư, BRI từ năm 2013 đến nay thu hút hơn 70 quốc gia từ khắp nơi trên thế giới. Loạt dự án trong khuôn khổ BRI làm dấy lên lo ngại về bẫy nợ, hủy hoại môi trường, thiếu minh bạch cùng nhiều vấn đề liên quan đến vận hành hạ tầng khác.

Khi nghiên cứu sâu 13.247 dự án BRI, AidData phát hiện Trung Quốc chủ yếu dựa vào nợ (cung cấp khoản vay) thay vì viện trợ. Vay ưu đãi một phần hoặc không ưu đãi, tín dụng xuất khẩu chiếm đa số.

Trong khuôn khổ BRI, viện trợ Trung Quốc lớn hơn và rủi ro hơn viện trợ của Mỹ, vốn thông qua viện trợ không hoàn lại, vay ưu đãi cao hoặc vay có điều khoản ưu đãi hơn khoản vay theo thị trường.

Số lượng dự án viện trợ của Trung Quốc đòi hỏi vay từ 500 triệu USD trở lên tăng lên gấp 3 lần mỗi năm, suốt 5 năm đầu triển khai sáng kiến.

Phần lớn khoản vay cấp cho quốc gia có thứ hạng về kiểm soát tham nhũng thấp do Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, hoặc quốc gia bị xếp hạng tín nhiệm thấp.

Đơn vị cho vay chủ yếu là ngân hàng thương mại quốc doanh, thường cung cấp tài chính thông qua thế chấp để giảm thiểu rủi ro.

Các nước tham gia BRI chịu gánh nặng nợ lớn hơn. AidData phát hiện có đến 44 quốc gia nợ Trung Quốc khoản tiền tương đương hơn 10% GDP (tính cả nợ công lẫn nợ ẩn).

35% dự án BRI đối mặt với vấn đề lớn như bê bối tham nhũng, vi phạm quy định lao động, hiểm họa môi trường, bị công chúng phản đối,…

Hiện nay, Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng nhiều dự án bị đình chỉ và hủy bỏ do tình trạng tham nhũng hoặc giới chức sở tại lo ngại bị định giá quá cao, trong khi thái độ của công chúng lại thay đổi đối với các dự án đầu tư có tên Trung Quốc.

Không chỉ nghiên cứu của AidData cho thấy Trung Quốc đang dùng viện trợ như một loại bẫy nợ. Báo cáo của Viện Tài chính Quốc tế (IIF), BRI đã góp phần vào sự tích lũy nợ nước ngoài đáng kể ở nhiều nước thu nhập thấp.

Trong hai thập kỷ qua, Trung Quốc đã trở thành một nhà cho vay toàn cầu lớn, với khoản nợ tồn đọng vượt quá 5,5 nghìn tỷ đô la trong năm 2019, hơn 6% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu, báo cáo của IIF nêu rõ.

BRI đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động cho vay của Trung Quốc trong những năm gần đây, đưa Bắc Kinh trở thành chủ nợ lớn nhất thế giới đối với các nước thu nhập thấp. Kể từ khi ra mắt, hơn 730 tỷ USD vào các dự án đầu tư và xây dựng ở nước ngoài tại hơn 112 quốc gia, theo báo cáo.

Trong số các quốc gia tham gia sáng kiến BRI, Djibouti, Ethiopia, Lào, Maldives và Tajikistan được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá là có nguy cơ mắc nợ cao, có nghĩa là họ có khả năng vỡ nợ hoặc đối mặt với các vấn đề về nợ nần.

Ngoài ra, một nghiên cứu học thuật do Viện Kinh tế Thế giới Kiel được xuất bản gần đây cho thấy rằng các khoản vay có thể cao hơn so với báo cáo. Nghiên cứu nói rằng có tới 50% các khoản vay của Trung Quốc là “giấu diếm”, vì các khoản này không được báo cáo với IMF hoặc Ngân hàng Thế giới. Việc cho vay không minh bạch của Trung Quốc khiến các lỗ hổng nợ ở các nước nghèo lớn hơn.

Vấn đề nợ chỉ là một phần câu chuyện. Điều các chuyên gia và nhiều nước lo ngại nhất lúc này là năng lực giải ngân của Trung Quốc cho các dự án trong BRI sau dịch bệnh.

Ngay cả trước khi COVID-19 bùng phát, dự án đầy tham vọng này đã quay cuồng vì tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Trung Quốc, sự chỉ trích từ một số quốc gia đi vay và các nước phương Tây.

Vấn đề liên quan đến việc thu hồi và chi trả các món nợ đã thúc đẩy làn sóng hợp tác công tư (PPP) mới. Trung Quốc hiện đang khuyến khích các công ty của nước này tạo ra các hình thức PPP mới để giảm bớt gánh nặng nợ nần cho các nước châu Phi thông qua việc thuyết phục các đối tác cho những công ty đó hưởng một phần lợi nhuận từ các khoản thu, chẳng hạn như phí cầu đường.

Thế nhưng theo các nhà phân tích, sự nở rộ của hình thức PPP là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng nợ đối với các dự án của BRI.

 3/2019, Phát ngôn viên Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (NPC) Trung Quốc Trương Toại Nghiệp phủ nhận những lo ngại cho rằng BRI là tạo ra bẫy nợ cho các nước tham gia, đặc biệt là các nước nghèo: “Trung Quốc hiểu được tầm quan trọng của vấn đề nợ bền vững và sẽ không ép buộc nước nào phải hợp tác vào các dự án hoặc tạo ra bẫy nợ”.

Theo nghiên cứu từ Economist Intelligence Unit (EIU), Trung Quốc “đang ngày càng chịu sức ép” gia hạn khoản vay hoặc thậm chí xóa nợ. Họ cũng đã bỏ ngỏ khả năng giảm nợ cho một số nước thu nhập thấp.

“Việc này đang làm tăng khả năng các ngân hàng Trung Quốc phải xóa nợ quy mô lớn, theo các điều khoản bất khả kháng hoặc thỏa thuận khác”, EIU cho biết.

Một sự kiện bất khả kháng xảy ra khi các tình huống không lường trước được như thảm họa tự nhiên hoặc trong trường hợp này, một đại dịch như COVID-19 ngăn không cho bên nào hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng, có thể được áp dụng.

RELATED ARTICLES

Tin mới