Wednesday, November 20, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCuộc “so găng” ở eo biển Đài Loan

Cuộc “so găng” ở eo biển Đài Loan

Trong những ngày đầu tháng 10, diễn ra cuộc “so găng” giữa một bên là Trung Quốc, bên còn lại là Mỹ, Nhật Bản, Anh.

“Sàn đấu” là khu vực biển Tây Nam Okinawa, Nhật Bản. Hôm 1/10, đúng vào ngày Quốc khánh Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Quân đội nước này đã đưa 38 máy bay chiến đấu đến vùng nhận diện phòng không của Đài Loan. Và ngày hôm sau, 2/10, đưa 39 chiếc. Lần triển khai máy bay này của Đại lục có số lượng lớn nhất kể từ tháng 9/2020 đến nay.

Tại sao quân đội Trung Quốc lại giở trò  “lấy thịt đè người” vào lúc này? Có phải đó là tín hiệu của Bắc Kinh dằn mặt Đài Bắc ngả về Washington? Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price đã lên tiếng sau đó. Ông cảnh báo hoạt động quân sự của Trung Quốc gần Đài Loan là tính toán sai lầm. Nó phá hoại hòa bình, gây mất ổn định khu vực. Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi “Bắc Kinh ngừng gia tăng áp lực về quân sự, ngoại giao và kinh tế đối với Đài Loan”.

Song song với hoạt động ngoại giao, Mỹ và các đồng minh đã có “màn chào hỏi” bài bản: Tiến hành tập trận với quy mô lớn. Cùng lúc, hai tàu sân bay Mỹ và một tàu sân bay Anh tham gia diễn tập chung với 17 chiến hạm của 6 nước ở vùng biển Tây Nam Okinawa.

Nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ gồm USS Ronald Reagan và USS Carl Vinson. Còn nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh tham gia tập trận cùng với chiến hạm thuộc hải quân Nhật Bản, New Zealand, Hà Lan và Canada ở phía Tây Nam Okinawa. Anh còn đưa phi đội máy bay thế hệ 5 lớn nhất tới tham gia tập trận.

Thông báo của Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản (JMSDF) cho biết, trong hai ngày mồng 2 và 3/10 đã diễn ra cuộc tập trận, nhằm nâng cao kỹ năng chiến thuật và khả năng tương tác của JMSDF với các lực lượng hải quân tham gia. Nội dung diễn tập bao gồm: Phối hợp tác chiến trên không, tác chiến chống tàu ngầm, diễn tập chiến thuật và thông tin liên lạc.

Các bên tham gia đều thống nhất mục tiêu chung: Cuộc diễn tập thể hiện ý chí mạnh mẽ hiện thực hóa một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, nhằm ứng phó với các thách thức toàn cầu, bảo vệ trật tự hàng hải dựa trên pháp quyền.

Điểm nhấn của cuộc tập trận quy mô lớn này là, nó được tổ chức giữa lúc căng thẳng ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tiếp tục leo thang, nhất là ở khu vực Biển Đông, Biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan. Một tờ báo của Nhật Bản – tờ Sankei– nói thẳng ra rằng, các cuộc diễn tập quân sự của Mỹ và đồng minh nhằm “kiềm chế Trung Quốc” khi nước này tiếp tục có những hành động vi phạm pháp luật quốc tế, đơn phương đề ra các bộ luật ngăn cản hoạt động của tàu thuyền các nước trong khu vực, đưa tàu thuyền vào khu vực thuộc lãnh hải của các nước khác, đồng thời tiếp tục quân sự hóa trên các đảo, đá tự bồi đắp.

Mỹ và Trung Quốc luôn đổ lỗi cho nhau là kẻ gây căng thẳng trên Biển Đông. Trong đó có một nguyên nhân là “cái gai” Đài Loan mà Bắc Kinh chưa nhổ được. Tại cuộc tập trận này câu hỏi nóng bỏng tiếp tục được đặt ra: Trung Quốc có dám  đánh Đài Loan hay chỉ… dọa?

Câu trả lời đang nghiêng về vế thứ hai. Rằng Trung Quốc sẽ không dám đụng tới Đài Loan. Đụng đến hòn đảo này là đụng đến Mỹ và cả thế giới. Và Đài Loan không phải là một quả trứng, Bắc Kinh dễ dàng bóp nát. Bởi từ năm 1949, Tưởng Giới Thạch và tất cả những tổng thống tiếp theo, đều dốc sức tăng cường phòng thủ cho hòn đảo này.

Chừng ấy năm, Đài Loan không những tăng cường luyện tập quân đội, mà còn xây dựng những công sự phòng phủ, hào sâu, thép gai, và tăng cường tối đa hải quân. Về phương diện phòng thủ, Hải quân Đài Loan là một trong những lực lượng  tinh nhuệ, trang bị đầy đủ nhất trên thế giới.

Đấy là cách nhìn tổng thể. Còn trên thực địa, tình hình phức tạp hơn nhiều. Mọi động thái di chuyển quân, máy bay, tàu chiến, kể cả tàu đánh cá của Trung Quốc đều không qua nổi quan sát của  Mỹ và Đài Loan. Chỉ nói riêng về tàu ngầm, vùng eo biển Đài Loan rất nông, cho nên mọi động thái của tàu ngầm đều dễ bị phát hiện.  Cuộc chiến ở đây cần phải huy động cả hải, lục, không quân. Quân đội Trung Quốc còn quá ít kinh nghiệm trong chỉ huy phối hợp lực lượng.

Trung Quốc cũng rất lo ngại khi buộc phải đánh Đài Loan, bởi sẽ đụng  đến tuyến hàng hải lớn nhất thế giới. Có tới 1/3 lượng hàng hóa trên thế giới đi qua đây, tính ra mỗi năm giá trị hàng hóa lên tới 5000 tỷ USD. Và rõ ràng nó đụng đến các cường quốc Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức.

Cho nên, theo các nhà phân tích, không có gì ngạc nhiên khi Mỹ, Nhật Bản, Anh phối hợp diễn tập rầm rộ vào lúc này. Vào lúc mà Trung Quốc hùng hổ đưa các loại máy bay chiến đấu tối tân nhất đe dọa Đài Loan. Không có sự đe dọa này thì sẽ không có cuộc tập trận kia. Đơn giản là thế. Và cuộc “lườm nguýt” kéo dài trong nhiều năm suy cho cùng vẫn là lợi ích quốc gia. Chả bao giờ có cái thứ “mục tiêu nước lợ” hai bên cùng thắng!

RELATED ARTICLES

Tin mới