Wednesday, January 1, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiCuộc chiến khảo sát...đáy biển

Cuộc chiến khảo sát…đáy biển

Chưa lâu sau sự cố một tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân của hải quân Mỹ “vỡ đầu” vì va phải một “vật thể lạ” ở Biển Đông đầu tháng, lại có thêm những động thái mới của Mỹ dưới đáy biển.

Tàu USS Gabrielle Giffords của Mỹ theo dõi hoạt động của tàu khảo sát Hải Dương 4 của TQ trên Biển Đông năm 2020.

Chiếc tàu ngầm tấn công hạt nhân USS Connecticut (SSN-22) của Mỹ va một “vật thể lạ” ngày 2/10, khi đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra ở Biển Đông. Sau khi đã đi về căn cứ  hải quân ở đảo Guam và thực hiện những đánh giá sơ bộ mức độ thiệt hại, vụ việc mới được hải quân Mỹ rò rỉ chút ít. Thông tin úp mở, đặc biệt, cái gọi là “vật thể lạ” – ngôn từ của người phát ngôn hải quân Mỹ – nói về nguyên nhân khiến SSN-22 bị thương, chỉ càng kích thích dư luận soi mói hơn, nghĩ nhiều tới khả năng, “vật thể lạ” nhiều khả năng là một thiết bị do thám tàu ngầm của Trung Quốc. Còn Bắc Kinh thì cảm thấy chạm nọc, nghĩ rằng: Washington giả vờ thận trọng, thực ra là đang ám chỉ mình.

Thế nên, thông qua người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Bắc Kinh cáo buộc Mỹ “liên tục gây rối ở Biển Hoa Nam (Biển Đông) trong một thời gian dài”, đòi Mỹ,  “với tư cách là bên liên quan, nên làm rõ các chi tiết của sự cố, bao gồm cả vị trí cụ thể xảy ra, ý đồ di chuyển của tàu Mỹ và tình tiết của vụ đâm va…”.

Sự cay cú của Bắc Kinh, suy cho cùng, có thể hiểu được. Bởi Biển Đông lâu nay, không chỉ căng thẳng, gây hấn với các bên liên quan trực tiếp, Trung Quốc còn hằm hè với bất cứ quốc gia nào dính vào, nhất là Mỹ – đối thủ mà Bắc Kinh luôn khó chịu nhất bởi những hoạt động theo họ, là “ngày một quá đáng” nhân danh các hoạt động “tự do hàng hải”.

Tuyên bố ngạo nghễ của Bắc Kinh về sự cố, tới nay, Mỹ vẫn phớt lờ. Nhờ đó, cộng đồng quốc tế mới chưa có cơ hội chứng kiến thêm một cuộc đấu khẩu dữ dội giữa hai siêu cường.

Sự nín nhịn của Washington khiến dư luận coi là lạ. Mỹ sợ Trung Quốc? Hay Washington đang tính toán một âm mưu, mục tiêu thâm sâu nào?

Giữa lúc dư luận đang tiếp tục đoán già, đoán non, thì trung tuần tháng 10 này, Thời báo Hoàn cầu – ấn phẩm của Nhân dân nhật báo – cơ quan báo chí lớn nhất của Trung Quốc, “thò” ra một thông tin: “Một tàu khảo sát hải dương học của Hải quân Mỹ đã tiến hành các hoạt động trên phạm vi rộng tại một khu vực lớn ở Biển Hoa Nam (Biển Đông) từ cuối tháng 9/2021”.

Cùng với Thời báo Hoàn cầu,  thời điểm này, Tổ chức Sáng kiến Nhận diện Tình hình Chiến lược Nam Hải (Biển Đông – SCSPI, một cơ quan nghiên cứu có trụ sở tại Bắc Kinh), còn nêu cụ thể tàu khảo sát hải dương học của hải quân Mỹ là USNS Mary Sears (T-AGS 65), lớp Pathfinder, đã di chuyển từ vùng biển phía Nam đảo Hải Nam của Trung Quốc, sau đó, tiếp cận đường bờ biển của Việt Nam; đến ngày 10/10, đã đến vùng biển gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

T-AGS 65 từng thực hiện khảo sát nhiều lần ở Biển Đông. Điều khác thường lần này, theo SCSPI, là, dù phạm vi khảo sát rất rộng, nhưng lai tiến hành gấp rút chỉ trong thời gian chưa đầy hơn 10 ngày. Điều đó khiến các chuyên gia coi là “dấu hiệu bất thường”. “Dấu hiệu bất thường” đó cho thấy, sự nín nhịn: không, hoặc chưa nói ra cụ thể về cái gọi là “vật thể lạ” của Mỹ, không có nghĩa Mỹ sẽ không làm gì. Ngược lại, sau sự cố tàu ngầm, cùng với các hoạt động bề nổi trên mặt nước, như tập trận, thực hiện tự do hàng hải…, cũng như  thay vì chủ yếu chỉ theo sát, theo dõi động tĩnh tàu khảo sát địa chấn Trung Quốc thời gian qua, Washington đang tăng cường thêm các hoạt động khảo sát đáy biển. Việc làm này vừa nhằm để thông thuộc địa hình đáy biển như lòng bàn tay, phục vụ hoạt động của các nhóm tác chiến hải quân, nhất là tàu ngầm, đồng thời, xét về chiến lược, cũng là một cách để chạy đua, cạnh tranh với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. 

RELATED ARTICLES

Tin mới