Saturday, November 16, 2024
Trang chủBiển nóngĐối thủ mới của TQ ở Indo-Pacific

Đối thủ mới của TQ ở Indo-Pacific

Để phản đối các hành vi của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Canada không chỉ tiến hành các động thái ngoại giao mà còn tăng cường hoạt động quân sự.

Chiến hạm của nhiều nước ở biển Philippines ngày 6.10

Ngày 17.10, truyền thông quốc tế đưa tin tàu khu trục Mỹ USS Dewey và tàu hộ tống Canada HMCS Winnipeg vừa vượt qua eo biển Đài Loan, với mục tiêu được cho là nhằm thể hiện sự thách thức đối với các hoạt động của Trung Quốc trong vùng biển này.

Tăng cường hoạt động quân sự

Phía quân đội Mỹ khẳng định hoạt động của 2 chiến hạm USS Dewey và HMCS Winnipeg qua eo biển Đài Loan nhằm nhấn mạnh cam kết của Washington với đồng minh lẫn đối tác về chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific) tự do và rộng mở.

Indo-Pacific tự do và rộng mở được xem là chiến lược nòng cốt của Mỹ nhằm đối phó sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực. Hoạt động của 2 chiến hạm trên diễn ra sau khi mới đây, Trung Quốc đại lục chỉ trong khoảng 1 tuần nhưng đã điều động khoảng 150 lượt máy bay chiến đấu, máy bay trinh sát… tiến hành xâm nhập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Đài Loan.

Trước đó, ngày 6.10, chiến hạm HMCS Winnipeg cùng với 16 chiến hạm khác của Mỹ, Anh, Hà Lan, New Zealand, Nhật Bản thiết lập đội hình huấn luyện ở biển Philippines. Nằm trong số này có đến 3 tàu sân bay gồm 2 tàu USS Ronald Reagan và USS Carl Vinson của Mỹ, tàu HMS Queen Elizabeth của Anh.

Hồi tháng 3, Bộ Quốc phòng Canada công bố trong ngày 29 và 30.3, tàu hộ tống của nước này HMCS Calgary đi qua Biển Đông như một thông điệp phản ứng hành động của Trung Quốc. Đến tháng 7.2021, nhân sự kiện 5 năm ngày Tòa trọng tài quốc tế ra phán quyết bác bỏ tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, Bộ Ngoại giao Canada cũng đã đưa ra thông cáo ủng hộ phán quyết. Thông cáo còn nhấn mạnh: “Canada đặc biệt lo ngại Trung Quốc có các hành động leo thang và gây mất ổn định ở Biển Đông và biển Hoa Đông”. Cụ thể hơn, Canada chỉ trích Trung Quốc đã quân sự hóa các thực thể ở Biển Đông và triển khai tàu chiến, tàu hải cảnh, dân binh biển đe dọa tàu của các quốc gia khác.

Cần tăng cường phối hợp

 PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế – Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật), nhận định: Vai trò của Canada ở Indo-Pacific cũng giống như nhiều quốc gia khác, lợi ích của Canada gắn liền với các thể chế và hành vi minh bạch, dựa trên luật lệ.

Bắc Kinh phản ứng

Đài CBC ngày 18.10 đưa tin Trung Quốc đại lục đã lên tiếng phản đối việc chiến hạm của Mỹ và Canada vừa vượt eo biển Đài Loan hồi tuần trước. Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Đông của quân đội Trung Quốc cho biết đã giám sát chặt chẽ 2 tàu chiến trên, đồng thời chỉ trích “Mỹ và Canada thông đồng để kích động và khuấy động rắc rối… gây nguy hại nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định của eo biển Đài Loan”. Qua đó, phía Bắc Kinh một lần nữa khẳng định “Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Chiến khu miền Đông luôn duy trì tình trạng cảnh giác cao độ và kiên quyết chống lại mọi lời đe dọa, khiêu khích”.

Trong khi đó, theo PGS Nagy, hành vi của Trung Quốc đang thách thức các lợi ích trên ở Biển Đông, biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan.

“Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm tái định hình Indo-Pacific đang theo hướng làm suy yếu các luật lệ. Vì thế, Canada cần phối hợp với các bên có cùng quan điểm trong khu vực để đảm bảo cách tiếp cận đúng đắn. Như thế, Canada phải đóng góp vào hợp tác hàng hải để đẩy lùi các cường quốc muốn “xét lại”. Cụ thể hơn, sự phối hợp có thể bao gồm hợp tác của “bộ tứ an ninh” (gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ) mở rộng, cùng với đó là nỗ lực nâng cao nhận thức về hàng hải và phối hợp ngoại giao”, PGS Nagy nhận định.

Ông cũng khuyến nghị: “Trong lĩnh vực kinh tế, Canada nên làm việc với Nhật Bản và các thành viên CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) để mở rộng thỏa thuận thương mại. Canada cũng cần củng cố hơn nữa mối quan hệ với các nước Đông Nam Á và Đông Bắc Á với sự tham gia bền vững và có ý nghĩa hơn ởIndo-Pacific. Thiết lập chiến lược Indo-Pacific riêng, trong đó ưu tiên vai trò trung tâm của ASEAN và nhấn mạnh sự can dự về ngoại giao, kinh tế sẽ có vai trò quan trọng trong nỗ lực trên”.

RELATED ARTICLES

Tin mới