Saturday, November 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCuộc chiến đất hiếm giữa TQ với Mỹ và các đồng minh.

Cuộc chiến đất hiếm giữa TQ với Mỹ và các đồng minh.

Ngành chip bán dẫn cùng với việc khai thác đất hiếm – nguyên liệu quan trọng cho nhiều ngành công nghệ, đặc biệt đối với thiết bị điện tử – đang trở thành “đấu trường sống còn” giữa Trung Quốc với Mỹ và các đồng minh.

Hôm qua (24.10), tờ Nikkei Asia đưa tin Trung Quốc sắp tái cơ cấu, sáp nhập 3 nhà sản xuất đất hiếm trở thành 1 công ty quốc doanh.

Củng cố thực lực

Theo đó, 3 công ty trên chiếm gần 70% hạn ngạch sản xuất đất hiếm nội địa của Trung Quốc. Bằng cách tái cơ cấu các công ty đất hiếm lớn, Bắc Kinh đang tìm cách mở rộng quyền kiểm soát từ sản xuất đến toàn bộ chuỗi cung ứng, bao gồm cả xuất khẩu, đối với đất hiếm.

Không những vậy, vào ngày 1.10, tờ Nikkei Asia dẫn nguồn từ chính phủ Trung Quốc cho biết nước này sẽ tăng hạn ngạch sản xuất đất hiếm lên 20%, lên mức 168.000 tấn, trong năm nay. Đất hiếm là nguyên liệu không thể thiếu trong ngành công nghệ, nổi bật là chip bán dẫn vốn có vai trò quan trọng đối với nhiều ngành nghề, từ trang thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, ti vi… cho đến xe điện, vệ tinh… Đất hiếm cũng có thể được sử dụng trong các máy bay không người lái và tên lửa quân sự.

Lâu nay, chiếm giữ nguồn cung cấp 60% đất hiếm trên thế giới, nhưng Trung Quốc lại bị hạn chế về công nghệ chip bán dẫn và đang bị Mỹ trừng phạt trong lĩnh vực này. Từ năm 2020, hàng loạt công ty công nghệ của Trung Quốc bị Mỹ đưa vào danh sách đen, đặt ra rào cản và thậm chí cấm tiếp cận cả về chip bán dẫn lẫn công nghệ bán dẫn.

Sự phối hợp của “bộ tứ”

Theo Bloomberg, riêng năm 2020, Trung Quốc đã chi 350 tỉ USD để mua chip phục vụ những ngành công nghiệp sản xuất khác. Thế nhưng, cũng trong năm 2020, sản xuất chip của Trung Quốc chỉ chiếm 15,9% thị trường nội địa và ước tính đạt 19,4% vào năm 2025. Đến đầu năm 2021, Công ty tư vấn Bernstein Research công bố kết quả đánh giá cho thấy thị phần toàn cầu của Trung Quốc trong lĩnh vực thiết bị chế tạo chip tiên tiến tối đa là 2%.

Ngành công nghiệp sản xuất của Trung Quốc đại lục vẫn phải lệ thuộc vào nguồn chip tiên tiến thuộc về các công ty như Intel, Qualcomm (Mỹ), Samsung ((Hàn Quốc)) hay TSMC (Đài Loan).

Đây còn là chủ đề hợp tác của “bộ tứ an ninh” gồm Mỹ – Nhật Bản – Úc – Ấn Độ nhằm đối phó sự trỗi dậy của Trung Quốc. Sau hội nghị thượng đỉnh ngày 24.9, “bộ tứ” đã đưa ra thông cáo chung thỏa thuận hướng tới việc tạo ra một chuỗi cung ứng an toàn cho chất bán dẫn. Xa hơn, 4 nước sẽ phát triển “chuỗi cung ứng công nghệ linh hoạt, đa dạng và an toàn cho phần cứng, phần mềm và dịch vụ”. Đến nay, Mỹ đã hợp tác cùng Úc để phát triển nguồn cung ứng đất hiếm.

Cũng liên quan nỗ lực trên của “bộ tứ”, tờ Nikkei Asia ngày 22.10 đưa tin Tokyo vừa đạt được thỏa thuận hỗ trợ hàng tỉ USD cho TSMC (Đài Loan), vốn là nhà sản xuất chip bán dẫn hàng đầu thế giới, xây dựng nhà máy sản xuất chip ở Nhật.

Cuộc chiến chưa có hồi kết

Trả lời Thanh Niên ngày 24.10, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế – Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) chỉ ra: “Năm 2010, để chống lại Nhật, Trung Quốc đã sử dụng đất hiếm như một vũ khí. Điều này khiến cho Nhật Bản cùng một số nước nhìn thấy lỗ hổng địa chính trị của họ khi xảy ra bất đồng với Trung Quốc. Bên cạnh việc hợp tác sản xuất chất bán dẫn với TSCM, các thành viên của “bộ tứ” còn cam kết xây dựng khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng về chip bán dẫn và vật liệu công nghệ bao hàm đất hiếm”.

Theo ông Nagy, với việc đồng thuận ngày càng tăng về an ninh kinh tế và xây dựng tuyến phòng thủ chống lại sự cưỡng ép của Bắc Kinh, “bộ tứ” đang thúc đẩy đa dạng hóa có chọn lọc các chuỗi cung ứng có ý nghĩa quan trọng giữa các đối tác đáng tin cậy.

“Điều đó bao gồm tài chính để khuyến khích việc thuê lại có chọn lọc, xây dựng các giải pháp thay thế ở Đông Nam, Nam và Trung Nam Á và phối hợp nhiều hơn giữa các đối tác. Trung Quốc sẽ cố gắng độc lập hơn, nhưng cần tiếp cận với các công nghệ then chốt để tiếp tục cạnh tranh với Mỹ trong đối thủ chiến lược và tiếp tục phát triển kinh tế”, PGS Nagy phân tích và đánh giá: “Đến nay, chưa thể dự đoán kết quả của cuộc chiến trên giữa Trung Quốc với “bộ tứ”, nhưng trong ngắn hạn và trung hạn, giá cả của các công nghệ và vật liệu này sẽ tăng”.

RELATED ARTICLES

Tin mới