Các dự án đầu tư của Trung Quốc bị đe dọa bởi các cuộc nội chiến và đảo chính ở các quốc gia châu Phi, ngay cả khi Bắc Kinh theo đuổi lập trường trung lập.
Trong khi các công ty phương Tây tìm cách né tránh, từ nhiều năm nay, các công ty Trung Quốc vẫn luôn chấp nhận rủi ro và tiếp tục phát triển trong các môi trường tiềm tàng bất ổn ở châu Phi, bao gồm cả các cuộc nội chiến và đảo chính.
Tuy nhiên, giáo sư David Shinn tại Trường Quan hệ Quốc tế Elliott thuộc Đại học George Washington nhận định, những mối đe dọa gần đây đối với các công dân và lợi ích của Trung Quốc ở 3 quốc gia châu Phi, gồm Ethiopia, Guinea và Sudan, đã đặt ra nghi vấn về cách tiếp cận hiện tại của Bắc Kinh đối với khu vực này. Trung Quốc có lợi ích đáng kể ở cả 3 nước, bao gồm hoạt động cho vay và đầu tư lớn vào Ethiopia, dự án bauxite ở Guinea và dầu mỏ ở Sudan.
“Trong cả 3 trường hợp trên, Trung Quốc nhanh chóng bảo vệ công dân của mình bằng cách sơ tán họ khỏi vùng Tigray của Ethiopia, đồng thời kêu gọi họ tránh xa khu vực nguy hiểm và dừng các hoạt động ở Sudan và Guinea”, giáo sư Shinn, cựu đại sứ Mỹ tại Ethiopia, cho biết.
Theo giáo sư Shinn, “Trung Quốc đã không đứng về phía nào trong cuộc nội chiến ở Ethiopia và cho đến nay, vẫn duy trì quan điểm trung lập về cuộc đảo chính quân sự ở Sudan”. Tuy nhiên, Bắc Kinh phản đối cuộc đảo chính quân sự ở Guinea và kêu gọi chính phủ quân sự mới trả tự do ngay lập tức cho tổng thống dân sự được bầu, Alpha Condé.
“Không rõ liệu Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì chính sách trung lập chính trị truyền thống của mình như trong những trường hợp này hay có lập trường mạnh mẽ như đã làm ở Guinea. Mặc dù Trung Quốc đôi khi đề nghị làm trung gian hòa giải các tranh chấp ở châu Phi, nhưng thực tế nước này hiếm khi làm như vậy”, giáo sư Shinn cho biết thêm.
Trung Quốc cũng có các khoản đầu tư lớn vào các quốc gia khác bị ảnh hưởng bởi xung đột dân sự, bao gồm Mozambique, nơi Bắc Kinh có lợi ích trong ngành công nghiệp khí đốt; Chad, nơi tập đoàn dầu khí lớn nhất Trung Quốc đang hoạt động; và Niger, nơi có quan hệ thương mại ngày càng tăng với Trung Quốc trong các lĩnh vực như thăm dò và khai thác uranium.
Trung Quốc được cho là tiếp tục duy trì quan hệ với Sudan trong cuộc chiến Darfur, trong khi các nước khác như Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với quốc gia châu Phi này.
Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc hoạt động ở Sudan đang đối mặt với tương lai không chắc chắn, trong bối cảnh đại sứ quán Trung Quốc ở Khartoum yêu cầu các công ty này triệu hồi công nhân để đối phó với tình hình an ninh tồi tệ hơn sau khi quân đội Sudan bắt giữ Thủ tướng Abdalla Hamdok và các nhà lãnh đạo dân sự khác trong một cuộc đảo chính, giải tán chính phủ chuyển tiếp, đồng thời cắt đứt mạng internet và di động.
Trong nhiều thập niên, Sudan là nguồn cung cấp dầu mỏ quan trọng của Trung Quốc, tuy nhiên nước này đã mất hầu hết các mỏ dầu vào năm 2011 khi Nam Sudan giành độc lập sau nhiều thập niên nội chiến. Mặc dù vậy, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc vẫn là cổ đông lớn nhất trong các tập đoàn dầu khí ở Sudan và Nam Sudan. Bắc Kinh vẫn là nhà tài chính và nhà thầu chính ở Sudan, đặc biệt trong các dự án cơ sở hạ tầng.
Thế khó của Trung Quốc
Mỏ đồng ở Congo được Trung Quốc hợp tác khai thác (Ảnh: Reuters).
Luke Patey, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Đan Mạch, cho biết “nhiều công ty Trung Quốc có thể sẵn sàng chấp nhận rủi ro so với các đối tác phương Tây, nhưng họ cũng có những hạn chế của mình”. Sự tin tưởng về trung và dài hạn vào các khoản đầu tư tại các khu vực xung đột sẽ bị ảnh hưởng ngay cả khi các khu vực này ổn định trở lại.
“Nhiều dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường bị mắc kẹt trong tình trạng mất an ninh ở các quốc gia này sẽ phải dừng hoạt động”, ông Patey cho biết.
Ông Patey cho biết căn cứ hải quân của Trung Quốc ở Djibouti mở ra cho quân đội Trung Quốc vị trí thuận lợi hơn để ứng phó với các cuộc xung đột ở châu Phi.
“Những cuộc xung đột này cũng có thể nuôi dưỡng tham vọng của quân đội Trung Quốc trong việc mở rộng ảnh hưởng của họ ở châu Phi và xây dựng các căn cứ mới ở Tây Phi. Tùy thuộc vào tình hình, can thiệp quân sự trực tiếp của Trung Quốc có thể xảy ra vào một ngày nào đó, nhưng Trung Quốc sẽ dựa vào lực lượng an ninh nội địa ở các nước châu Phi trước”, ông Patey dự đoán.
Tại Guinea, quân đội nắm chính quyền trong cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Alpha Condé vào tháng 9.
Trung Quốc là một bên đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Guinea, mua phần lớn bauxite của nước này, và các công ty Trung Quốc cũng có cổ phần trong các mỏ quặng sắt của Guinea. Bắc Kinh hy vọng các dự án ở Guinea sẽ giúp giảm sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu từ Australia trong bối cảnh căng thẳng chính trị gia tăng với Canberra.
Các khoản đầu tư của Trung Quốc bao gồm dự án khai thác quặng sắt lớn nhất thế giới tại mỏ Simandou, vốn bị đình trệ trong nhiều năm qua vì những bất đồng về việc ai có thể phát triển dự án, cũng như tình trạng tham nhũng, bất ổn chính trị và thiếu vốn.
Yun Sun, giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson ở Washington, cho biết bất ổn nội bộ, đảo chính quân sự và nội chiến có ảnh hưởng ngay lập tức đến các dự án của Trung Quốc, đặc biệt là các dự án cơ sở hạ tầng, tại châu Phi.
“Vấn đề lớn hơn liên quan đến tương lai của các dự án là liệu chính phủ mới (của các nước châu Phi) có tiếp tục các dự án đó hay yêu cầu quốc hữu hóa hoặc đàm phán lại hay không? Liệu họ có tiếp nhận các khoản vay không?”, chuyên gia Sun đặt câu hỏi.
Bà Sun cho biết, một yếu tố mà Trung Quốc có thể tận dụng là dù cho ai lên nắm quyền kiểm soát, Bắc Kinh vẫn sẽ là một nguồn tài chính quan trọng cho các nước châu Phi. Điều này “mang lại cho Trung Quốc một số lợi thế”.
Lina Benabdallah, chuyên gia về quan hệ Trung Quốc – châu Phi tại Đại học Wake Forest ở North Carolina, cho biết các công ty và nhà thầu Trung Quốc nhận thức rõ về rủi ro mà họ gặp phải.
“Chúng tôi đang chứng kiến một số sự chậm trễ của các ngân hàng Trung Quốc trong việc tài trợ cho các dự án lớn ở một số khu vực dễ xảy ra xung đột”, chuyên gia Benabdallah nói.