Theo thông báo từ Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng nước này Antony Blinken từ ngày 9 – 17.12 có đợt công du đến Anh rồi sau đó đến Đông Nam Á.
Trong đó, tại Đông Nam Á, điểm đến của ông Blinken là Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Chuyến đi của ông Blinken diễn ra chưa đầy 1 tuần sau khi ông Daniel Kritenbrink, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, từ 27.11 – 4.12 đã thăm 4 nước Đông Nam Á là Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan.
Như vậy, chưa đầy 1 năm kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, các quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ dưới thời ông liên tục thực hiện các chuyến công du đến Đông Nam Á. Cuối tháng 5 và đầu tháng 6, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đã công du 3 nước Indonesia, Campuchia và Thái Lan. Đến tháng 7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Việt Nam, Philippines và Singapore. Sang tháng 8, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris thăm Singapore và Việt Nam.
Trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mà Mỹ cùng các đồng minh đang theo đuổi nhằm ứng phó sự trỗi dậy của Trung Quốc, Washington xác định Đông Nam Á là khu vực giữ vai trò trung tâm. Bên cạnh đó, dưới thời Tổng thống Biden, Washington có xu hướng đẩy mạnh các hợp tác đa phương. Trong bối cảnh như vậy, việc Mỹ thắt chặt quan hệ với ASEAN và các thành viên của khối là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Tuy nhiên, nỗ lực vừa nêu chưa hẳn đã thuận buồm xuôi gió khi quan hệ Mỹ – Campuchia đang trở nên căng thẳng. Mới đây, Mỹ ban hành lệnh cấm xuất khẩu vũ khí và hạn chế bán các sản phẩm lưỡng dụng cho Campuchia, vì lo ngại ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh đối với Phnom Penh. Trong mối hục hặc này, thì tâm điểm là căn cứ hải quân Ream nằm ở tỉnh Sihanoukville (Campuchia) nằm bên bờ vịnh Thái Lan, tức phía nam Biển Đông.
Trong khi đó, Campuchia giữ vai trò chủ tịch ASEAN trong năm 2022. Vì thế, với vị thế vừa nêu và bất đồng đang sẵn có với Mỹ, Campuchia có thể khiến cho nỗ lực của Washington đối với ASEAN gặp nhiều thách thức.