Friday, November 22, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnHàn Quốc không theo Mỹ tẩy chay ngoại giao Thế vận hội...

Hàn Quốc không theo Mỹ tẩy chay ngoại giao Thế vận hội Bắc Kinh

Tổng thống Hàn Quốc trong hôm 13/12 đã bác bỏ việc nước này tham gia với Mỹ tẩy chay ngoại giao Thế vận hội mùa Đông ở Bắc Kinh.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Australia Scott Morrison ở Canberra trong hôm 13/12

Trong lúc đang có cuộc họp với Thủ tướng Australia Scott Morrison ở Canberra, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói rằng ông “không xem xét” về việc tẩy chay Thế vận hội mùa Đông tổ chức vào tháng 2/2022 để phản ứng trước các cáo buộc nhân quyền mà phương Tây áp đặt đối với Trung Quốc.

“Chúng tôi không nhận được yêu cầu từ bất cứ nước nào, bao gồm cả Mỹ, tham gia tẩy chay ngoại giao” – ông Moon nói – “Rõ ràng, mối quan hệ của chúng tôi với Trung Quốc có nhiều khía cạnh bất đồng và cạnh tranh.”

Ông Moon nhấn mạnh rằng Hàn Quốc muốn thúc đẩy một khu vực Thái Bình Dương tự do và cởi mở, nhưng cũng muốn xem xét về vai trò của Trung Quốc trong nỗ lực mang hòa bình tới bán đảo Triều Tiên.

“Chúng tôi cần những nỗ lực mang tính xây dựng của Trung Quốc để giải giáp hạt nhân ở Triều Tiên” – ông nói, thêm rằng Seoul muốn có một mối quan hệ hài hòa với Bắc Kinh.

Lãnh đạo Hàn Quốc hiện đang ra sức thúc đẩy một tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 để khởi động lại các vòng đối thoại với Triều Tiên. Nếu ông muốn đạt được bước tiến trước khi nhiệm kỳ của mình kết thúc vào năm tới, ông sẽ cần có sự giúp đỡ từ Bắc Kinh. Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong các vấn đề về bán đảo Triều Tiên, và là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc.

“Nói đến tuyên bố chấm dứt chiến tranh, chúng tôi vẫn chưa bước vào các cuộc đàm phán bởi Triều Tiên đang kêu gọi Mỹ từ bỏ “chính sách thù địch” như một tiền đề” – ông Moon nói, nhắc tới đề nghị ngừng các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn mà Bình Nhưỡng đưa ra.

Lệnh tẩy chay ngoại giao bắt nguồn từ những cáo buộc nhân quyền mà các nước phương Tây đưa ra nhằm vào Trung Quốc. Bắc Kinh đã cảnh báo Mỹ, Australia, Anh và Canada rằng những nước này sẽ “trả giá” vì hành động tẩy chay.

Trong chuyến thăm của ông Moon tới Australia, cả hai nước đã ký kết một loạt thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực công nghệ và quân sự, trong đó bao gồm thương vụ bán 30 pháo tự hành K9 cho Australia, một phần trong bản hợp đồng trị giá khoảng 720 triệu USD. Pháo K9, được sản xuất bởi hãng Hanwha Defense của Hàn Quốc, cũng đã được bán cho 6 quốc gia khác, trong đó có Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Hai nước cũng cam kết tăng cường buôn bán năng lượng sạch và các loại khoáng sản quan trọng, theo các thỏa thuận được ông Moon và ông Morrison ký kết trong hôm đầu tuần này. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một lãnh đạo quốc tế tới Australia kể từ khi nước này mở cửa trở lại vào tháng trước.

“Chúng tôi có cùng quan điểm về vai trò của các nền dân chủ tự do trong thế giới ngày nay và đặc biệt là ở Ấn Độ-Thái Bình Dương” – ông Morrison nói với báo giới sau khi ký kết 4 thỏa thuận.

Tổng thống Moon nhấn mạnh rằng chuyến thăm Canberra của ông không liên quan tới mối quan hệ căng thẳng giữa Australia và Trung Quốc. “Chuyến thăm của tôi tới Australia không liên quan tới bất kỳ quan điểm nào nhằm vào Trung Quốc”, ông nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton cho hay chính phủ của ông cam kết giữ an toàn cho khu vực và hợp đồng mới sẽ giúp hiện đại hóa quân đội Australia.

“Khả năng chính của các phương tiện mới này là khai hỏa và di chuyển nhanh chóng, tránh bị kẻ địch phản công” – ông Dutton nói – “Dự án này sẽ giúp tăng đáng kể hỏa lực, độ an toàn và sức mạnh pháo kích của Australia.”

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới