Monday, November 25, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiĐừng kỳ vọng chứng khoán sẽ 'bùng nổ' nhờ gói hỗ trợ...

Đừng kỳ vọng chứng khoán sẽ ‘bùng nổ’ nhờ gói hỗ trợ kinh tế

Đó cũng là quan điểm chung của nhiều chuyên gia kinh tế tại buổi tạo đàm với chủ đề “Thị trường chứng khoán với gói kích thích kinh tế: Cú hích tăng trưởng và rủi ro bong bóng” diễn ra vào sáng nay (13/12).

Các chuyên gia kinh tế tham dự buổi tọa đàm do VnEconomy tổ chức.

Chia sẻ tại tọa đàm, TS. Quách Mạnh Hào – Giảng viên Đại học Lincoln (Vương quốc Anh) – cho rằng bối cảnh của gói kích thích hỗ trợ kinh tế giai đoạn 2022-2023 khác với những gì đã diễn ra vào năm 2009.

“Thời điểm đó, nền kinh tế bất ngờ chuyển từ trạng thái thiếu tiền sang thừa tiền, việc bơm thanh khoản quá mức dẫn tới sự tăng trưởng ngay lập tức của thị trường chứng khoán”, TS. Quách Mạnh Hào cho biết. Còn ở thời điểm hiện tại, vị chuyên gia này cho rằng, lượng tiền dư thừa, nhàn rỗi đang đẩy thị trường chứng khoán (TTCK) đi lên.

“Bản chất của gói hỗ trợ kinh tế lần này không hẳn là bơm thêm tiền, mà là chúng ta đang tìm cách đưa tiền quay trở lại các hoạt động kinh tế”, ông Hào nhấn mạnh.

“Hiện nay, mọi người đều kỳ vọng gói hỗ trợ sẽ mang lại tâm lý tích cực cho thị trường, kéo theo sự tăng trưởng, nhưng nếu do tâm lý thì sẽ không kéo dài, và chúng ta đừng kỳ vọng sau khi gói hỗ trợ được đưa ra sẽ giúp thị trường tăng trưởng như năm 2009”, TS. Quách Mạnh Hào chia sẻ quan điểm.

Theo TS. Hào, nền kinh tế giống như một cỗ máy, nếu cỗ máy đó chưa được khôi phục để chạy thì tiền vẫn và sẽ nằm lại thị trường, điều này cho thấy khó có dấu hiệu giảm trong ngắn hạn. Nhưng một khi các hoạt động kinh tế trở lại, có thể nguồn tiền vào thị trường sẽ giảm dần.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Thuân – Chủ tịch HĐQT FiinGroup – cũng không kỳ vọng quá nhiều vào sự bứt phá của thị trường chứng khoán khi các gói phục hồi kinh tế được đưa ra.

Hiện nay, nền tảng cơ bản của các doanh nghiệp vẫn được duy trì. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế duy trì tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ bất chấp giãn cách xã hội trong phần lớn quý 3/2021.

Lợi nhuận từ hoạt động tài chính (đầu tư tài chính/bán cổ phần/M&A) cũng có nhưng không lớn như nhiều quý trước (nhất là quý 4/2020 ở nhiều doanh nghiệp bất động sản) và chủ yếu từ các doanh nghiệp nhỏ.

Nhìn lại thời điểm năm 2009, ông Thuân cho biết, thị trường lúc đó còn khiêm tốn với hơn 200 mã cổ phiếu, vốn hóa khoảng 400.000 tỉ đồng, chỉ bằng 1/20 bây giờ. Trong khi đó, quy mô thị trường hiện nay lớn hơn rất nhiều với 1.700 cổ phiếu niêm yết, vốn hóa vượt GDP, khả năng tiền thật bơm ra ngoài rất ít nên việc cổ phiếu tăng bằng lần là điều khó có thể xảy ra.

Theo Chủ tịch FiinGroup, thực tế thị trường đã được hưởng lợi từ gói “kích cầu từ dòng tiền mới” từ chính nhà đầu tư mới và cũ trên thị trường (F0, F0n), do đó không nên kỳ vọng nhiều vào việc hấp thụ dòng tiền mới từ gói phục hồi kinh tế.

Dù vậy, ông Thuân cho rằng, vẫn có những ngành sẽ được hưởng lợi từ gói phục hồi như xây dựng, vật liệu xây dựng, ngân hàng.

“Thời gian gần đây, sóng cổ phiếu nhỏ, cổ phiếu đầu cơ đã tăng bằng lần nhưng cổ phiếu lớn chưa tăng nhiều, nên khi gói phục hồi kinh tế được đưa ra sẽ vẫn có ‘sóng’ nhưng lớn hay nhỏ còn tuỳ thuộc vào nhìn nhận của thị trường”, ông Thuân nói.

TS. Quách Mạnh Hào cũng nhận thấy 5 ngành hút dòng tiền mạnh nhất kể từ khi các thông tin về gói hỗ trợ kinh tế được tiết lộ là y tế, viễn thông, xây dựng và vật liệu xây dựng, truyền thông và bất động sản. Trong khi đó, những ngành mà dòng tiền vào yếu bao gồm tài nguyên cơ bản, bảo hiểm, dầu khí, công nghệ, du lịch, giải trí./.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới