Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCần sớm hoàn thành xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở...

Cần sớm hoàn thành xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông

Ngày 24 và 25-6-2012, Hội nghị các quan chức cấp cao ASEAN
(SOM ASEAN) đã thống nhất được nội dung cơ bản của Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển
Đông – Code of Conduct in the South China Sea. Đầu tháng 7, bản dự thảo COC đã
được trình lên Hội nghị Ngoại trưởng của Khối ASEAN để chuẩn bị thương thảo với
Trung Quốc.

Lý do phải xây dựng COC

Mọi người đều biết Biển Đông có một tầm quan trọng đặc biệt
đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói riêng và thế giới nói chung. Hàng
trăm triệu dân của Việt Nam, Philippines, Trung Quốc, Indonexia, Malaixia,
Brunei, Thái Lan, Campuchia và Singapore sống ở ven bờ Biển Đông. Cuộc sống của
họ phụ thuộc vào nguồn lợi của vùng biển này. Sự phát triển kinh tế của các nước
này càng ngày càng dựa vào Biển Đông nhiều hơn. Trước hết, họ đang khai thác hai
loại tài nguyên chính là dầu khí và hải sản. Nhưng khoảng 20 – 30 năm nữa khi
các loại khoáng sản như sắt, đồng, chì, kẽm, vàng, bạc vv… ở đất liền khan hiếm
thì các nước sẽ đẩy mạnh khai thác các quặng này ở Biển Đông. Ngoài ra, nhiều
tuyến hàng hải huyết mạch của khu vực và thế giới đi qua Biển Đông. Phần lớn lượng
hàng hóa xuất nhập khẩu của Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước khác
đều đi qua vùng biển này. Trong khi đó, ở Biển Đông lại đang tồn tại những
tranh chấp hết sức phức tạp về chủ quyền. Đó là tranh chấp song phương Việt Nam
– Trung Quốc về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và tranh chấp đa phương giữa
Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaixia về chủ quyền đối với quần đảo Trường
Sa. Thực tế đó đặt ra yêu cầu phải ngăn ngừa không để các tranh chấp này leo
thang và duy trì môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải
ở Biển Đông. Vì thế vào năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đã ký Tuyên bố về ứng xử
của các Bên ở Biển Đông (DOC). Cả ASEAN và Trung Quốc đều hiểu rằng DOC chỉ là
bước đi ban đầu và cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để xây dựng và thông qua Bộ
Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Cam kết đó đã được thể hiện ở điểm 10 – điểm
cuối cùng của DOC năm 2002.

Trong 4 năm trở lại đây, việc Trung Quốc đưa yêu sách đường
lưỡi bò phi lý của họ ra Liên Hợp Quốc (5-2009) và tăng cường các hoạt động xâm
phạm chủ quyền và quyền chủ quyền về biển, đảo của Việt Nam cũng như các nước
khác ven Biển Đông (đặc biệt là cắt cáp của tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam
vào tháng 5-2011; cản trở Philippines thăm dò dầu khí vào tháng 4-2011; cản trở
đe dọa và bắt giữ ngư dân Việt Nam đánh cá ở Hoàng Sa, gây gổ với Philippines ở
bãi Scarborough tháng 4-2012, mời quốc tế đấu thầu thăm dò trong vùng thềm lục
địa của Việt Nam vào tháng 6-2012 v.v…) đang làm cho tình hình Biển Đông căng
thẳng, sôi sục hơn bao giờ hết. Tháng 5-2011, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 19
tại Bali (Indonexia) quyết định khởi động xây dựng COC với mục tiêu thông qua
văn kiện này vào năm 2012 nhân kỷ niệm 10 năm ký DOC. Tháng 11-2011, ASEAN bắt
đầu tham vấn nội bộ về nội dung COC trong khuôn khổ SOM ASEAN và Nhóm Công tác
về COC. Trong vòng 7 tháng đầu năm 2012, Nhóm Công tác đã có 7 vòng thương thảo
về nội dung COC để trình SOM ASEAN. Tại cuộc họp của SOM ASEAN diễn ra ở Hà Nội
trong 2 ngày 24 và 25-6-2012, SOM ASEAN đã nhất trí về nội dung văn bản COC.

Những nội dung chính trong COC

Quá trình thương lượng cho thấy tất cả các nước ASEAN đều nhất
trí COC phải là một công cụ đóng góp hiệu quả hơn cho hòa bình, an ninh và ổn định
ở Biển Đông. Để đạt yêu cầu này, nội dung của COC phải kế thừa những cam kết
trong DOC, từ đó phát triển lên, nhân cao lên.

Một là, các bên cam kết tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến
chương Liên Hợp Quốc, Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc (UNCLOS
1982), Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC), Tuyên bố về ứng xử của
các bên ở Biển Đông năm 2002 (DOC) v.v…

Hai là, mục tiêu của COC là tạo ra khuôn khổ dựa trên các quy
định luật pháp để điều chỉnh hành vi của các bên ở Biển Đông theo những nguyên
tắc nêu trong các văn kiện trên.

Ba là, các bên cam kết về nghĩa vụ và hành vi ứng xử ở Biển
Đông. Hành vi ứng xử của họ phải vì mục tiêu hòa bình, ổn định, an ninh, an
toàn và tự do hàng hải, thúc đẩy hợp tác xây dựng lòng tin, ngăn ngừa tranh chấp
leo thang và giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và
Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc, trong đó có tôn trọng vùng đặc
quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển theo Công ước Luật Biển
năm 1982.

Bốn là, thiết lập cơ chế giám sát và bảo đảm thực hiện COC,
xây dựng các cơ chế xử lý vi phạm COC và bảo đảm giải quyết các tranh chấp bằng
các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển năm
1982 của Liên hợp quốc và Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á. Đây là
điểm mới so với Tuyên bố DOC năm 2002. Các nước ASEAN thấy rằng một khiếm khuyết
của DOC là không quy định về cơ chế giám sát và bảo đảm thực hiện. Trung Quốc
đã lợi dụng lỗ hổng này để tự tung tự tác ở Biển Đông. Thành ra tại bàn Hội nghị
các cấp, các lãnh đạo Trung Quốc luôn luôn thề thốt và trấn an dư luận là Trung
Quốc tôn trọng DOC, tuân thủ DOC và theo đuổi mục tiêu duy trì hòa bình, ổn định
ở Biển Đông, nhưng trên thực địa họ không ngừng vi phạm các cam kết theo DOC,
theo Hiến chương Liên hợp quốc, theo Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp
quốc. Để che đậy các vi phạm của họ, Trung Quốc lại dùng tiền mua chuộc
Campuchia, xúi Campuchia quấy rối trong nội bộ ASEAN, cũng như trong diễn đàn
phong trào Không liên kết. Cho đến nay, khối ASEAN đã thấm thía bài học này. Do
đó, ASEAN nhất trí là phải có quy định về cơ chế giám sát và bảo đảm thực thi
COC. Nếu không có cơ chế giám sát này thì ý nghĩa của COC sẽ giảm đi rất nhiều.

Tóm lại, những gì mà ASEAN nhất trí đưa vào dự thảo COC đã kế
thừa những điểm tích cực của DOC năm 2002 trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm 10
năm thực hiện DOC. Đó là nhấn mạnh những nguyên tắc tích cực đã có trong DOC
như hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, tôn trọng luật pháp
quốc tế và Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc. Bên cạnh đó, dự thảo
COC đã được bổ sung những nhân tố mới nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới và
bảo đảm việc thực thi các cam kết có hiệu quả hơn. Đó là cơ chế giám sát và bảo
đảm thực hiện. Đó là nói cụ thể về việc tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm
lục địa của các quốc gia ven biển theo Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp
quốc.

Triển vọng ký kết COC

Việc ASEAN thống nhất dự thảo nội dung chính của COC sau 7
tháng thương thảo cho thấy rõ nỗ lực và quyết tâm của khối ASEAN. Đó là một khởi
đầu tốt đẹp. ASEAN mong muốn sớm khởi động việc thương thảo văn kiện này với
Trung Quốc. Ông Marty Natalegawa đã nói “Những gì xảy ra gần đây, dù đó là gì, ở
phần nào trên Biển Đông, đều nhắc tất cả chúng ta rằng chúng ta cần COC giống
như cần luật giao thông. Chúng ta ứng xử ra sao trên Biển Đông để tránh hiểu lầm
và xung đột”. Tuy nhiên, nhiệt tình của khối ASEAN đã bị Trung Quốc đón tiếp lạnh
nhạt. Ngày 9-7-2012, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân tuyên
bố Bắc Kinh chỉ sẵn sàng đàm phán COC với ASEAN khi “điều kiện chín muồi”. Còn
Thời báo Hoàn Cầu trơ tráo diễn giải là “khi nào Trung Quốc thực sự rảnh thì mới
đàm phán”. Như đã nêu trên DOC năm 2002 có 10 điểm ghi nhận 10 cam kết của
Trung Quốc và ASEAN khi ứng xử ở Biển Đông. Cam kết thứ 10 mà Trung Quốc đã chấp
nhận khi ký DOC là nỗ lực để xây dựng COC. Thái độ của Bắc Kinh trì hoãn thương
thảo COC với khối ASEAN đã cho thấy một lần nữa Bắc Kinh lại chà đạp một cách
thô thiển lên cam kết DOC. Thái độ đó càng bộc lộ rõ ý đồ của Bắc Kinh tìm cách
áp đặt điều kiện của Bắc Kinh đối với ASEAN. Do đó, việc đạt được Bộ Quy tắc ứng
xử ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc còn phải chờ một thời gian. Điều quan
trọng đối với ASEAN là cần phải lên tiếng phê phán sự lật lọng của Bắc Kinh. Cần
phải để Bắc Kinh hiểu rằng không phải cứ làm theo ý mình là được./.

Trí Tâm

RELATED ARTICLES

Tin mới