Wednesday, December 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiQuan hệ đối tác an ninh mới (AUKUS) và hệ lụy đối...

Quan hệ đối tác an ninh mới (AUKUS) và hệ lụy đối với Biển Đông

Ngày 15/9/2021 (theo giờ Mỹ) Thủ tướng Úc Scott Morrison và Thủ tướng Anh Boris Johnson, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiến hành cuộc họp trực tuyến, khai sinh ra mối quan hệ đối tác an ninh mới (AUKUS) và được coi là liên minh giữa 3 nước để đối mặt với các thách thức ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Về lý do của sự ra đời AUKUS, Tổng thống Mỹ Biden nhấn mạnh: “Tất cả chúng ta đều nhận thấy sự cấp thiết của việc đảm bảo hòa bình và ổn định ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương về lâu dài”. Theo Nhà lãnh đạo Úc Scott Morrison, thỏa thuận lập liên minh quốc phòng mới AUKUS sẽ tồn tại vĩnh viễn.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiến hành cuộc họp trực tuyến, khai sinh ra mối quan hệ đối tác an ninh mới (AUKUS)

Một nội dung nổi bật nhất của mối quan hệ đối tác ba bên này được giới truyền thông đề cập nhiều là Úc sẽ được trang bị một hạm đội tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSN) mới, có tầm hoạt động và hiệu quả hơn nhiều so với tàu chạy bằng động cơ diesel.

Các tàu này chỉ sử dụng động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân để đối phó với những mối đe dọa tương lai, nhưng không trang bị vũ khí hạt nhân chiến lược. Vì tính chất nhạy cảm của công nghệ tàu ngầm hạt nhân, nên Mỹ mới chỉ chia sẻ công nghệ này cho Anh (từ năm 1958) và giờ đây là Úc. Ngoài Anh và Úc, Mỹ chưa từng chia sẻ công nghệ tàu ngầm hạt nhân cho bất kỳ quốc gia nào khác, kể cả các đồng minh thân thiết trong khối liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO). Điều này cho thấy Mỹ đặc biệt cọi trọng vai trò của Úc trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhất là từ khía cạnh an ninh khu vực, bao gồm Biển Đông.

Cả ba nhà lãnh đạo Mỹ, Anh, Úc đều không nhắc đến Trung Quốc trong thông báo hôm 15/9 và khi các quan chức cấp cao của chính quyền Biden cung cấp thông tin tóm tắt cho phóng viên trước về thông báo này cũng nhấn mạnh chương trình đối tác này không nhằm chống lại Bắc Kinh. Tuy nhiên, đây rõ ràng là một động thái nhằm đẩy lùi sức mạnh và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, đặc biệt là việc Trung Quốc gia tăng sức mạnh quân sự, gây áp lực lên Đài Loan và các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông.

Các chuyên gia phân tích quân sự phân tích sự lựa chọn hợp tác của Úc với Mỹ và Anh là điều có thể dự đoán vì mối quan hệ lịch sử lâu đời và tư cách thành viên của các quốc gia này trong một số hiệp hội thống nhất, chẳng hạn như Khối thịnh vượng chung của các nước và liên minh tình báo Five Eyes (gồm Mỹ, Anh, Canada, Úc và New Zealand).

Trung Quốc đã lập tức đưa ra phản ứng gay gắt. Trong cuộc họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh ngày 16/9 Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cáo buộc ba nước Mỹ, Anh, Úc đã “gây tổn hại nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định của khu vực, đẩy mạnh chạy đua vũ trang và gây hại tới các nỗ lực quốc tế về không phổ biến vũ khí hạt nhân”; nhấn mạnh rằng các nước không được xây dựng các chương trình đối tác nhắm mục tiêu vào các nước thứ ba.

Cũng trong ngày 16/9, Thời báo Hoàn Cầu – tờ báo chính thống của Trung Quốc còn đưa ra những lời lẽ dọa dẫm “AUKUS đặt Úc vào tình thế nguy hiểm. Đó là tham vọng ‘mang đến thảm họa’ của (Thủ tướng Úc) Morrison” và rằng việc Úc có được công nghệ và sở hữu tàu ngầm hạt nhân “có thể sẽ khiến Úc trở thành mục tiêu cho một vụ tấn công hạt nhân. Bởi vì khi đó các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân như Trung Quốc và Nga đối diện trực tiếp với mối đe dọa từ các tàu ngầm hạt nhân của Úc”. Tờ Thời báo Hoàn cầu còn cáo buộc Canberra đã đưa ra quyết định “thiếu sáng suốt” khi tài trợ cho “canh bạc chiến tranh lạnh của Mỹ”.

Đặc biệt, đây là lần hiếm hoi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên tiếng phản đối. Trong bài phát biểu tại Hội nghị Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tổ chức trực tuyến ngày 17/9, ông Tập Cận Bình kêu gọi lãnh đạo các nước “phản đối sự can thiệp từ các thế lực bên ngoài trong khu vực vì bất kỳ lý do gì, qua đó giữ vai trò tự quyết đối với tương lai và sự phát triển của mỗi đất nước”. Ông Tập còn lớn tiếng rằng “Chúng tôi (Trung Quốc) phản đối các hành vi phá hoại trật tự quốc tế, tạo ra đối đầu và gây chia rẽ dưới danh nghĩa của cái gọi là ‘thiết lập luật lệ”.

Trên thực tế thì Bắc Kinh mới chính là kẻ mưu toan phá hoại nguyên trạng và trật tự dựa trên pháp luật ở Biển Đông và trong khu vực thông qua việc quân sự hóa Biển Đông, xâm lấn vùng biển các nước láng giềng và đơn phương ban hành các luật lệ trái với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Nếu Trung Quốc là “quốc gia coi trọng luật pháp quốc tế” như ông Tập nói thì trước hết hãy tuân thủ phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực La Haye, chấm dứt các hành động gây hấn trên biển với các nước láng giềng.

Việc ông Tập Cận Bình lên tiếng phản đối thể hiện rõ sự lo ngại của Bắc Kinh đối với việc hình thành liên minh AUKUS. Mặc dù các bên tham gia AUKUS khẳng định liên minh không nhằm chống lại bất kỳ quốc gia nào, song Bắc Kinh hiểu rõ đây là nhân tố chính cản đường Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông, biển Hoa Đông để tiến ra biển xa.

Đánh giá về liên minh mới ba bên, giới phân tích cho rằng AUKUS đem đến những hệ lụy nhiều mặt đối với Biển Đông, thể hiện trên một số điểm sau:

Một là, sự ra đời của AUKUS đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ cán cân lực lượng quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đây được coi là sự kiện mang tính bước ngoạt về địa chính trị của Thế kỷ 21, được một số học giả so sánh với một số sự kiện tạo ra những bước ngoặt trong thế kỷ trước như sự kiện Tổng thống Mỹ Nickson “bắt tay” với Trung Quốc năm 1972 hay sự kiện bức tường Berlin sụp đổ năm 1989.

AUKUS là nhân tố kiềm chế, ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trước hết là Biển Đông được coi là tâm điểm của khu vực.
Do luôn bị Trung Quốc cưỡng ép, bắt nạt, xâm lấn ở Biển Đông nên các nước ven Biển Đông muốn có một lực lượng đủ mạnh để làm đối trọng với Trung Quốc ở khu vực nói chung và Biển Đông nói riêng, AUKUS với sự tham gia của ba cường quốc trên biển (Mỹ, Anh, Úc) là lực lượng đủ mạnh để đối trọng với Trung Quốc. Dân gian có câu “hai đánh một chẳng chột cũng què”, 3 nước hợp sức trong AUKUS đủ sức để chặn đứng sự hung hăng của Bắc Kinh.

Hai là, Trung Quốc đã xây dựng căn cứ hải quân lớn làm nơi neo đậu cho tàu ngầm ở Du Lâm, đảo Hải Nam hướng ra Biển Đông, các tàu ngầm Trung Quốc xuất phát từ căn cứ này thường xuyên hoạt động ở Biển Đông trong thời gian qua khiến Mỹ lo ngại và thường xuyên đưa các máy bay săn ngầm vào hoạt động ở Biển Đông để theo dõi hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc. Khi nhóm tàu tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh đi qua Biển Đông đã có 2 tàu ngầm Trung Quốc bám theo. Việc Úc sở hữu đội tàu ngầm hạt nhân 8 chiếc theo thông báo của AUKUS sẽ giúp cho Úc mở rộng tầm hoạt động; các tàu ngầm hạt nhân của Úc có thể thường xuyên hoạt động ở Biển Đông để đối trọng với các tàu ngầm. Theo các chuyên gia quân sự nếu như các tàu ngầm diesel xuất phát từ Úc có thể tới hoạt động ở Biển Đông trong 11 ngày, nhưng với tàu ngầm hạt nhân thì có thể hoạt động trong 2 tháng.

Các năng lực hoạt động dưới đáy biển là điều rất quan trọng để ngăn chặn quân đội Trung Quốc đạt được các mục tiêu của mình trong trường hợp xảy ra các tình huống bất ngờ ở khu vực. Đội tàu ngầm hạt nhân của Úc được Mỹ và Anh hỗ trợ phát triển trong khuôn khổ AUKUS sẽ làm thay đổi cán cân chiến lược khu vực, và có thể khiến Trung Quốc phải thận trọng hơn trong các hành động của mình ở Biển Đông và trong khu vực. Với cách nhìn đó, giới phân tích cho rằng sự hiện diện của các tàu hạt nhân của AUKUS ở Biển Đông sẽ là nhân tố quan trọng góp phần ngăn Trung Quốc khống chế, độc chiếm Biển Đông; duy trì tự do, an toàn hàng hải và cục diện dựa trên luật pháp quốc tế ở Biển Đông.

Một yếu tố quan trọng của liên minh ba bên AUKUS là mở ra khả năng tàu ngầm Mỹ tiếp cận cơ sở hạ tầng hỗ trợ của Úc, qua đó gia tăng khả năng tác chiến của hải quân Mỹ ở Biển Đông, củng cố thế trận quốc phòng toàn cầu của Mỹ. Điều này sẽ khiến Trung Quốc phải nghĩ đến cái giá cao hơn cho bất kỳ hoạt động “phiêu lưu quân sự” nào ở Biển Đông.

Ba là, trả lời giới truyền thông, Thủ tướng Morrison khẳng định những động thái của Úc là nhằm phản ứng trước các thay đổi nhanh chóng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nơi đang chứng kiến xu hướng gia tăng cạnh tranh tầm ảnh hưởng giữa các quốc gia; Úc “nhận thức” về năng lực tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc, cũng như sự đầu tư cho quân sự ngày càng gia tăng Bắc Kinh; Úc “quan tâm đến việc duy trì hiện trạng của các vùng biển và vùng trời quốc tế, trong đó mọi vấn đề cần được giải quyết thông qua luật pháp quốc tế và Úc muốn đảm bảo rằng không có “vùng cấm” trong các khu vực áp dụng luật pháp quốc tế”.

Úc, nước có vai trò quan trọng ở châu Á – Thái Bình Dương quyết định tham gia AUKUS là do bị Trung Quốc o ép, bắt nạt suốt thời gian qua. Tuy nhiên, Canberra không hề nao núng trước áp lực của Bắc Kinh, tỏ thái độ kiên quyết chống lại sự hung hăng của Bắc Kinh. Điều này đã được Mỹ và Anh đền đáp bằng việc cung cấp công nghệ đóng tàu ngầm hạt nhân. Các chuyên gia đều cho rằng chính Bắc Kinh đã đi “quá đà” và là tác nhân đẩy Canberra đi theo Washington và trở thành một bên quan trọng của AUKUS, đây là điều có thể dự báo trước. Động thái này của Úc chuyển tới Bắc Kinh một thông điệp rõ ràng “hãy thay đổi cách hành xử hung hăng với láng giềng”. Úc có thể trở thành hình mẫu để các nước trong khu vực noi theo nếu bị Trung Quốc đẩy tới chân tường giới hạn của bắt nạt.

Mặt khác, AUKUS có thể tạo ra những hệ lụy mà các nước khu vực không mong muốn, đưa Biển Đông thành điểm nóng chạy đua vũ trang hay đối đầu giữa lực lượng tàu ngầm của AUKUS và tàu ngầm Trung Quốc. Bắc Kinh có thể lấy cớ để tăng cường hơn nữa quân sự hóa Biển Đông, biến nơi đây thành chiến trường. Nếu khả năng xảy ra xung đột tăng lên, AUKUS giúp ngăn chặn hành động quân sự của Trung Quốc có thể khiến một cuộc xung đột trở nên nghiêm trọng hơn. Và khi đó Biển Đông và khu vực Đông Nam Á sẽ ở vị trí tuyến đầu.

Việc hình thành liên minh AUKUS có thể khiến cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ – Trung ở Biển Đông thêm khốc liệt khiến các nước Đông Nam Á, nhất là các nước ven Biển Đông phải chọn bên, đây là điều mà các quốc gia Đông Nam Á không mong muốn.

Do AUKUS có hệ lụy nhiều chiều đối với Biển Đông nên phản ứng của các nước Đông Nam Á đối với sự ra đời AUKUS là thận trọng và khác nhau là điều bình thường. Bộ Ngoại giao Indonesia bày tỏ “quan ngại sâu sắc về việc tiếp tục chạy đua vũ trang và gia tăng quyền lực trong khu vực”; Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob nói rằng dự án này có thể “thúc giục các cường quốc khác có hành động tích cực hơn ở khu vực này, đặc biệt là tại Biển Đông”.

Các nước có tranh chấp lớn với Trung Quốc ở Biển Đông, chịu nhiều sức ép trước Trung Quốc và đang đối mặt với những thách thức lớn liên quan sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông, âm thầm hoặc công khai ủng hộ động thái của Mỹ, Anh, Úc thành lập liên minh AUKUS.

Với tư cách đồng minh của Mỹ, Philippines đưa ra tuyên bố nói rằng Úc có quyền tăng cường khả năng phòng thủ. Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin, khẳng định trong bối cảnh “các quốc gia ASEAN không có đủ năng lực quân sự để duy trì hòa bình và an ninh ở Đông Nam Á” thì “việc nâng cao năng lực quân sự mới của Úc thông qua quan hệ đối tác an ninh 3 bên sẽ có lợi về lâu dài” “để kịp thời ứng phó với mối đe dọa đối với khu vực hoặc thách thức đối với hiện trạng”. Singapore, nước có lợi ích phụ thuộc vào tuyến đường hàng hải qua Biển Đong, bày tỏ hy vọng thỏa thuận AUKUS “sẽ đóng góp mang tính xây dựng vào hòa bình và ổn định trong khu vực và bổ sung vào cấu trúc khu vực”. Ngày 23/9, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh “Chúng tôi (Việt Nam) cho rằng hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới là mục tiêu chung của tất cả các quốc gia. Các nước cần có trách nhiệm đóng góp vào mục tiêu này”. Giới quan sát nhận định phản ứng của Việt Nam như vậy là tích cực, thể hiện sự ngầm ủng hộ AUKUS vì cả 3 nước Mỹ, Anh, Úc đều đang là những đối tác quan trọng của Việt Nam và thể hiện lập trường lâu nay của Việt Nam hoan nghênh tất cả các nước đóng góp vào hòa bình ổn định ở Biển Đông.

Nhìn tổng thể, việc hình thành liên minh AUKUS là có lợi cho các nước nhỏ ven Biển Đông đang phải đối phó với sự gây hấn hung hăng ngày càng leo thang của Trung Quốc. Đặc biệt thời gian gần đây, Bắc Kinh đã không ngừng đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông từ việc biến các thực thể mà Trung Quốc chiếm đóng thành các căn cứ quân sự đến việc bố trí lực lượng máy bay, tàu chiến, kể cả tàu ngầm và tàu sân bay tăng cường tần suất hoạt động ở Biển Đông, gia tăng các cuộc diễn tập quân sự, kể cả bắn đạn thật và tên lửa thì việc ra đời của AUKUS là nhân tố đối trọng cân bằng cán cân quyền lực ở khu vực, đủ mạnh để ngăn cản những bước đi hiếu chiến của Bắc Kinh. Sự băn khoăn, lo ngại của một vài nước trong khu vực là điều dễ hiểu, song các chuyên gia phân tích quốc tế đã chỉ ra rằng nếu không có một lực lượng đủ tiềm lực như AUKUS để kiềm chế Bắc Kinh thì họ sẽ còn hoành hành ngang ngược hơn nữa, thậm chí sử dụng vũ lực ở Biển Đông. Với sự xuất hiện của AUKUS, có thể Bắc Kinh sẽ phải cân nhắc kỹ trước khi hành động.

Sơn Hà

RELATED ARTICLES

Tin mới