Friday, November 22, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnNhật-Trung đua nhau giành các quốc đảo ở Thái Bình Dương

Nhật-Trung đua nhau giành các quốc đảo ở Thái Bình Dương

Nhật Bản sẽ mở Đại sứ quán tại quốc đảo Kiribati trong năm nay, một phần trong nỗ lực của Mỹ và các đồng minh nhằm chống lại tầm ảnh hưởng đang tăng của Trung Quốc.

Binh sĩ Nhật Bản trong một cuộc tập trận chung với lực lượng Pháp và Mỹ, tháng 5/2021.

Tokyo cũng sẽ mở một lãnh sự quán ở New Caledonia, từng là thuộc địa của Pháp, tờ Yumiuri dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản xác nhận, trong lúc nước này đang tăng cường hợp tác quân sự với quân đội Pháp trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Động thái diễn ra sau khi cựu Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga trong tháng 7/2021 kêu gọi thắt chặt quan hệ giữa Tokyo và 14 quốc đảo trên Thái Bình Dương và các vùng lãnh thổ do Pháp quản lý trong khu vực, như New Caledonia và French Polynesia. Ông Suga cam kết sẽ cung cấp cho các quốc đảo này thêm vaccine ngừa COVID-19 và viện trợ kinh tế.

“Những diễn biến này về cơ bản là nhằm chống lại các hoạt động ngoại giao của Trung Quốc, trong lúc Tokyo lo ngại rằng Kiribati có thể sẽ tiếp nhận lượng lớn tiền từ Trung Quốc đổ vào và sẽ ảnh hưởng tới chính phủ của đảo quốc này” – ông Toshimitsu Shigemura, Giáo sư chuyên ngành quan hệ quốc tế tại ĐH Waseda ở Tokyo, nhận định.

“Nhật đã hỗ trợ rất nhiều cho Kiribati trong những năm kể từ sau khi nó giành độc lập vào năm 1979, nhưng tôi không nghĩ rằng sẽ là sự thổi phồng nếu nói Nhật sắp bị Trung Quốc đánh bại trong ngoại giao viện trợ” – ông Shigemura nói thêm.

Quan ngại về tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với Kiribati – bao gồm 33 hòn đảo và bãi cạn trải rộng trên diện tích 3,5 triệu km vuông mặt biển – đã tăng dần kể từ tháng 9/2019, thời điểm mà quốc đảo này cắt đứt quan hệ với Đài Loan và chuyển sang phía Trung Quốc, chỉ vài tháng sau khi quốc đảo Solomon có động thái tương tự.

Năm ngoái, Trung Quốc đưa ra kế hoạch nâng cấp sân bay ở Kiribati, làm dấy lên sự chia rẽ chính trị ở quốc đảo này do nhiều chính trị gia đối lập đặt câu hỏi về mục đích của Bắc Kinh. Chính phủ hòn đảo này nói rằng việc nâng cấp cơ sở ở Kanton đơn thuần là vì mục đích dân sự và nhằm mục đích tăng sự kết nối giao thông, du lịch.

Vào thời điểm đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc gửi một thông báo cho tạp chí “This Week in Asia” nói rằng nghiên cứu mức độ khả thi của kế hoạch nâng cấp sân bay đang được thực hiện, theo đề nghị của chính phủ Kiribati.

Chỉ có 4 quốc gia có chủ quyền thuộc Thái Bình Dương – quần đảo Marshall, Palau, Nauru và Tuvalu – vẫn đang công nhận Đài Loan, trong khi phần còn lại đã cắt đứt quan hệ với Đài Bắc để chuyển sang phía Bắc Kinh. Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời của họ.

Ông Shigemura cho rằng, nỗi lo lớn nhất của Tokyo và Washington là Bắc Kinh có thể đạt được một thỏa thuận “xây dựng các căn cứ quân sự ở Kiribati, đổi lấy thêm nguồn viện trợ” cho đảo quốc này.

Bắc Kinh đã viện trợ, cho vay ít nhất 1,5 tỉ USD cho Kiribati trong khoảng 2006 – 2017, theo Viện Lowy ở Sydney. Nhưng kể từ sau số tiền viện trợ lên mức đỉnh là 287 triệu USD vào năm 2016, Trung Quốc bắt đầu viện trợ ít hơn cho khu vực này – xuống còn 169 triệu USD trong năm 2019.

Bất chấp mức giảm này, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng Nhật Bản vẫn quan ngại rằng các khoản cho vay của Bắc Kinh để phát triển cơ sở hạ tầng và công nghiệp sẽ nhanh chóng trở thành không bền vững đối với các quốc đảo Thái Bình Dương. Các cơ sở chiến lược, như cảng biển, sau đó có thể bị biến thành quân bài ngã giá trong các cuộc thảo luận nếu như những hòn đảo này bị vỡ nợ.

Đối đầu trong vấn đề ngoại giao

Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Kiribati xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá 6,8 triệu USD – chủ yếu là hải sản – sang Nhật trong năm 2019, và nhập khẩu hàng hóa Nhật với trị giá 5,8 triệu USD. Mối quan hệ giữa Tokyo với Kiribati hiện được quản lý bởi Đại sứ quán của họ ở Fiji.

Nhật Bản “sẽ thử nhiều cách để giúp cho mối quan hệ này trở nên gần gũi hơn”, Robert Dujarric, đồng Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á thuộc ĐH Temple ở Tokyo, nói – “Nhật cũng có thể cử nhiều người trẻ tuổi tới tham gia các chương trình giáo dục và đào tạo để thúc đẩy quan hệ dài hạn và giúp đỡ những thế hệ tương lai.”

Tokyo cũng có thể lựa chọn Kiribati làm chặng dừng chân của các quan chức trên hành trình tới Mỹ tham dự các cuộc họp, ông Dujarric nói, và cũng có thể cung cấp thêm hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng với nguồn nhân lực địa phương – trong khi các dự án của Trung Quốc thường dựa vào các công ty và nhân công của họ.

“Đối với Nhật Bản, đây là hoạt động nhằm giơ cao lá cờ của họ và họ sẽ hợp tác chặt với Mỹ, Australia, New Zealand cùng một số quốc gia châu Âu đang tăng cường sự hiện diện ở Thái Bình Dương trong năm ngoái, đáng chú ý nhất là Pháp và Anh” – ông Dujarric nói – “Thực tế cho thấy, các đảo Thái Bình Dương này có rất ít tài sản, thứ quan trọng nhất của họ chính là vị trí, có tầm quan trọng cực lớn.”

Theo ông Shigemura, Nhật Bản cũng đang theo dõi sát sao diễn biến ở New Caledonia, nơi mà 3 cuộc trưng cầu dân ý đã được tổ chức trong vòng 4 năm qua, về việc liệu hòn đảo này có nên tuyên bố độc lập khỏi Pháp .

“Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã bắt đầu hợp tác chặt chẽ hơn với các đơn vị quân đội Pháp ở Thái Bình Dương trong năm ngoái, và New Caledonia là một căn cứ quan trọng đối với Pháp trong khu vực” – ông nói – “Có nhiều nghi ngại rằng Trung Quốc đang hỗ trợ phong trào độc lập ở Caledonia bởi một chính phủ mới ở đó có thể là cơ hội để họ tăng thêm tầm ảnh hưởng.”

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới