EU đã đảo ngược cuộc chơi để đánh bại Trung Quốc trong chính trò chơi của Bắc Kinh. “Con rồng giấy” chỉ còn biết thể hiện sự thất vọng và bất mãn.
Theo trang tin TFI, trong phần lớn thập kỷ qua, Trung Quốc đã “vờn” EU khi tác động thành công tới các chính sách của Liên minh châu Âu thông qua việc “vũ khí hóa” nhóm 17+1 [nhóm hợp tác giữa Trung Quốc với các nước Trung-Đông Âu].
Tuy nhiên, giờ đây, trong bối cảnh bà Angela Merkel đã rời khỏi vị trí Thủ tướng Đức và thực tế địa chính trị thay đổi, EU đã đảo ngược cuộc chơi để đánh bại Trung Quốc trong chính trò chơi của Bắc Kinh. “Con rồng giấy” chỉ còn biết thể hiện sự thất vọng và bất mãn của mình.
‘CHƠI RẮN’ VỚI BẮC KINH
Trả lời phỏng vấn của Tân Hoa Xã, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phàn nàn rằng, Bắc Kinh không thể tưởng tượng được châu Âu một mặt tìm cách xây dựng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, mặt khác lại xác định Trung Quốc là đối thủ mang tính hệ thống.
Liên minh châu Âu dường như đã quyết định trả đũa sau khi Trung Quốc tìm cách chia rẽ EU và độc chiếm ảnh hưởng ở châu Âu.
Trong năm 2021, Nghị viện châu Âu đã tạm dừng phê duyệt hiệp ước đầu tư với Trung Quốc cho đến khi Bắc Kinh nới lỏng những biện pháp trừng phạt chống lại các chính trị gia EU. Trước đó, Bắc Kinh đã đi nước cờ này nhằm trả đũa các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Trung Quốc do vấn đề Tân Cương.
Việc bà Merkel rời khỏi vị trí Thủ tướng của Đức cũng dẫn đến những thay đổi đột ngột. Giờ đây, Đức và EU [trong đó Đức giữ vai trò tác động chính] đã quyết định ‘hất cẳng’ Trung Quốc và hậu thuẫn Đài Loan. Nói cách khác, theo TFI, Berlin đã nã ‘một quả bom lớn’ vào Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Ủy ban châu Âu đã thông qua nghị quyết công nhận Chứng nhận tiêm chủng vắc-xin Covid-19 kỹ thuật số do Đài Loan cấp và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 22/12. Điều này thể hiện sự hợp tác ngày càng gia tăng giữa hai phía.
EU, ĐÀI LOAN HẬU THUẪN LITHUANIA THÁCH THỨC TRUNG QUỐC
Lithuania từng khiến EU sững sờ khi thể hiện sự thách thức công khai với Trung Quốc. Nước này từ chối kết giao với Bắc Kinh, trong khi duy trì ý định tìm kiếm quan hệ thương mại với Đài Loan. Đây được đánh giá là một động thái cực kỳ táo bạo đối với một quốc gia EU.
“Tại sao một quốc gia EU có thu nhập trung bình khiêm tốn lại muốn thách thức những gã khổng lồ như Nga và Trung Quốc?” – nhiều người đặt câu hỏi.
Đáng nói, giờ đây Lithuania đang nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ EU. Ngày 29/12/2021, Bộ trưởng Ngoại giao các nước Pháp, Đức và Anh đã điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, nhấn mạnh sự ủng hộ của họ dành cho Lithuania.
Một ngày sau, tức ngày 30/12, cơ quan ngoại giao của Đài Loan tuyên bố sẽ hỗ trợ Lithuania chuyển hướng thị trường ra khỏi Trung Quốc và tăng cường khả năng đảm bảo cho chuỗi cung ứng của họ với các đối tác khác.
Với sự hậu thuẫn của EU, chính phủ Lithuania đang xem xét gói hỗ trợ trị giá 130 triệu euro (147 triệu USD) nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến giữa Trung Quốc với các nước Baltic.
Bản thân gói hỗ trợ tài chính này đã phủ nhận những tác động bất lợi từ phía các lệnh trừng phạt thương mại của Trung Quốc đối với Lithuania.
Về phía Đài Loan, tháng 11 năm ngoái, cơ quan phụ trách ngoại giao với tên gọi Văn phòng Đại diện Đài Loan đã được mở cửa ở Vilnius, Lithuania. Điều đó khiến Trung Quốc vô cùng giận dữ.
“Chỉ có một Trung Quốc trên thế giới, Đài Loan là một phần không thể tách rời lãnh thổ Trung Quốc. Chúng tôi yêu cầu phía Lithuania nhanh chóng sửa chữa quyết định sai lầm này” – Hãng tin AFP dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 19/11/2021.
“Chính phủ Trung Quốc phản đối mạnh mẽ hành động cực kỳ nghiêm trọng này. Lithuania sẽ phải chịu trách nhiệm mọi hậu quả” – phía Trung Quốc nhấn mạnh.
Nhưng mọi chuyện không chỉ dừng lại ở đó, theo tờ Taiwan Today, sắp tới Đài Loan và Luthiania sẽ tăng cường hợp tác cùng có lợi trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, công nghiệp và khoa học kỹ thuật, v.v…
Đặc biệt gần đây, chính phủ Lithuania đã nhiều lần chủ động đề cập tới kế hoạch thành lập văn phòng đại diện tại Đài Loan vào mùa thu năm 2022 để mở rộng thị trường châu Á.
TFI nhận định, bằng cách hậu thuẫn Lithuania, Đài Loan có thể làm suy yếu các nỗ lực mà Trung Quốc tiến hành ở Đông Âu thông qua Sáng kiến Vành đai & Con đường.
Trong khi đó, bằng cách hợp tác chặt chẽ với Đài Loan và hỗ trợ Lithuania, EU đã đảo ngược trò chơi ngoại giao mà Trung Quốc đã chơi trong nhiều năm qua, để từ đó đánh bại ‘con rồng giấy’.
T.P