Friday, November 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mới"Món quà" Myanmar dành cho ông Hun Sen

“Món quà” Myanmar dành cho ông Hun Sen

Gần 1 năm đã trôi qua kể từ cuộc chính biến lật đổ chính quyền dân sự vào ngày 1-2 năm ngoái, cuộc khủng hoảng chính trị ở Myanmar vẫn tiếp diễn và mâu thuẫn giữa chính quyền quân sự và các phe phái ngày càng sâu sắc.

Do vậy, chuyến thăm của Thủ tướng Campuchia Hun Sen, hiện đang nắm giữ chức chủ tịch luân phiên của ASEAN, tới Myanmar tuần qua được coi là một trong những nỗ lực ngoại giao để hồi sinh hy vọng giải quyết khủng hoảng ở Myanmar.

“Món quà” cho ông Hun Sen

Có thể nói trong hơn nửa năm qua, ASEAN đã không thành công trong vai trò trung gian giải quyết vấn đề nội bộ của Myanmar. Tại cuộc họp thượng đỉnh ở Jakarta, Indonesia tháng 4-2021, các lãnh đạo ASEAN, bao gồm cả Thống tướng Min Aung Hlaing (lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar), đã nhất trí thông qua lộ trình 5 điểm hướng tới giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng Myanmar.

Thỏa thuận này bao gồm chấm dứt bạo lực, đối thoại chính trị giữa tất cả các bên liên quan và cho phép một đặc phái viên ASEAN gặp gỡ, hòa giải với tất cả các bên trong cuộc xung đột. Tuy nhiên, chính quyền quân sự Myanmar đã ngăn cản đặc phái viên gặp bà Suu Kyi và những chính trị gia bị bắt giữ khác.

Kết quả là ASEAN đã trừng phạt chính quyền quân sự Myanmar bằng cách cô lập họ trong các diễn đàn khu vực như không mời lãnh đạo quân sự Myanmar tham dự các cuộc họp cấp cao ASEAN vào tháng 10-2021 cũng như cuộc họp thượng đỉnh đặc biệt ASEAN – Trung Quốc sau đó.

Những người theo chủ nghĩa thực dụng trong ngoại giao biết rằng rất khó để có thể ép buộc chính quyền quân sự Myanmar phải lùi bước trước các biện pháp cô lập, khi giới quân đội đã từng có nhiều kinh nghiệm trong việc đối phó với sức ép từ cộng đồng quốc tế trong khoảng thời gian dài trước đây.

Do đó, chuyến thăm của Thủ tướng Hun Sen được coi mang màu sắc của chủ nghĩa “can dự”, kết nối với chính quyền quân sự của Thống tướng Min Aung Hlaing nhằm phá vỡ sự ngừng trệ trong đối thoại giữa ASEAN và Myanmar trong mấy tháng qua.

Tháp tùng ông Hun Sen trong chuyến thăm Myanmar còn có Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao và hợp tác quốc tế Campuchia Prak Sokhonn, người được dự đoán trở thành đặc phái viên ASEAN tại Myanmar, thay thế người tiền nhiệm là Bộ trưởng Ngoại giao thứ hai của Brunei Erywan Yusof.

Trong chuyến thăm Myanmar, Thủ tướng Hun Sen đã đạt được một số nhượng bộ bước đầu từ Thống tướng Min Aung Hlaing. Trong tuyên bố chung giữa hai nhà lãnh đạo vào tối 7-1, chính quyền quân sự Myanmar đã đồng ý gia hạn lệnh ngừng bắn đến cuối năm với tất cả các tổ chức vũ trang sắc tộc (EAO) ở Myanmar mà ban đầu được ấn định nó sẽ hết hạn vào cuối tháng 2.

Ngoài ra, Thống tướng Min Aung Hlaing cũng cho biết ông “hoan nghênh sự tham gia của đặc phái viên ASEAN về Myanmar tham gia các cuộc đàm phán ngừng bắn giữa chính quyền với các EAO” và “cam kết hỗ trợ đặc phái viên ASEAN trong việc hoàn thành nhiệm vụ của mình để thực hiện đồng thuận 5 điểm phù hợp với hiến chương ASEAN”.

Mặc dù kết quả chuyến viếng thăm không có nhiều đột phá, nhưng việc “đặc phái viên ASEAN” được tiếp cận rộng rãi hơn với các bên cũng có thể được coi là “món quà” của Thống tướng Min Aung Hlaing dành cho Thủ tướng Hun Sen trong vai trò chủ tịch luân phiên ASEAN.

Bài kiểm tra sắp tới

Tuy nhiên, không phải chuyến thăm của Thủ tướng Hun Sen được hoan nghênh từ toàn bộ công chúng Myanmar. Những người ủng hộ dân chủ tại Myanmar chỉ trích cuộc viếng thăm chính thức này bởi vì nó có thể tạo tính chính danh cho chính quyền quân sự Myanmar.

Ông Prak Sokhonn, phó thủ tướng Campuchia kiêm đặc phái viên của ASEAN, đáp lại mạnh mẽ rằng: “Nếu có bất kỳ ai phản đối việc tiến triển các cuộc đàm phán và các thỏa thuận như thế này, đó chỉ là những người yêu thích chiến tranh, những người không muốn thấy Myanmar trở lại ổn định và hòa bình”.

Các quốc gia trong khối có những cách tiếp cận khác nhau đối với việc giải quyết khủng hoảng ở Myanmar.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo trong một thông điệp trên Twitter tuần vừa rồi nhấn mạnh rằng nếu không có tiến triển đáng kể nào về kế hoạch hòa bình ở Myanmar thì chỉ các đại diện phi chính trị từ Myanmar mới được phép tham dự các cuộc họp của nội khối ASEAN hay giữa ASEAN với các quốc gia đối tác. Tương tự Indonesia, chính quyền Malaysia và Singapore cũng giữ một thái độ cứng rắn đối với chính quyền quân sự Tatmadaw.

Tuy nhiên, Campuchia và Thái Lan có quan điểm cần phải thực hiện chính sách “can dự” đối với chính quyền của Thống tướng Min Aung Hlaing, nhấn mạnh rằng đẩy giới quân đội Myanmar ra xa không phải là phương cách tốt. Vào tháng trước, Thủ tướng Hun Sen cho rằng chính quyền quân sự nên được phép tham dự các cuộc họp sắp tới của ASEAN.

Bài kiểm tra thực sự cho sự đoàn kết cũng như vai trò trung tâm của khối ASEAN cũng sẽ đến nhanh khi cuộc họp thượng đỉnh giữa các nguyên thủ ASEAN và Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến diễn ra vào cuối tháng này ở thủ đô Washington.

Lúc đó, chúng ta sẽ biết các quốc gia ASEAN có được sự thống nhất trong việc mời Thống tướng Min Aung Hlaing của chính quyền quân sự cùng tham dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – ASEAN hay không.

“Không nên húc đầu vào tường”

Chuyến thăm của ông Hun Sen là chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu chính phủ một quốc gia đến Myanmar kể từ cuộc chính biến 1-2-2021.

Hôm 8-1, Phó thủ tướng Campuchia Prak Sokhonn bác bỏ các ý kiến cho rằng chuyến thăm Myanmar của Thủ tướng Hun Sen là ủng hộ chính quyền quân sự Myanmar. Ông khẳng định chuyến thăm này là để triển khai đồng thuận 5 điểm mà ASEAN và Myanmar đã đạt được vào tháng 4-2021. Phó thủ tướng Campuchia cũng xác nhận ông Hun Sen không yêu cầu gặp bà Suu Kyi.

“Nếu họ xây dựng một bức tường dày, dùng đầu để húc vào đó sẽ chỉ vô dụng. Campuchia sử dụng các cách tiếp cận khác nhau để đạt được đồng thuận 5 điểm” – Phó thủ tướng Campuchia, đặc phái viên tương lai của ASEAN về vấn đề Myanmar, khẳng định.

RELATED ARTICLES

Tin mới