Friday, November 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mới'Điểm nóng' Mỹ phải đối mặt trong năm 2022

‘Điểm nóng’ Mỹ phải đối mặt trong năm 2022

Sau năm đầu nhiệm kỳ đầy thách thức, năm 2022 dường như cũng sẽ là một năm bận rộn về các vấn đề chính sách đối ngoại đối với Tổng thống Mỹ.

Theo chuyên gia Stephen M. Walt, giáo sư quan hệ quốc tế tại đại học Havard, trong năm 2022, đối với Mỹ, đại dịch COVID-19 vẫn sẽ là một vấn đề nghiêm trọng, các mối quan hệ cạnh tranh ngày càng gay gắt trong khi các mối quan hệ đồng minh và vấn đề tín nhiệm trở nên phức tạp.


Trung Quốc

Một cách lạc quan, mặc dù vấn đề Đài Loan sẽ tiếp tục làm phức tạp mối quan hệ Trung-Mỹ, ít có khả năng vấn đề sẽ trở thành cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hoặc đối đầu quân sự vào năm 2022, theo chuyên gia.

Cả Bắc Kinh và Washington đều đang âm thầm làm việc để “giảm nhiệt” cuộc khủng hoảng và tích cực hợp tác trong các vấn đề như giảm giá năng lượng và giải quyết những lo ngại về khí hậu trong những tháng gần đây. Xung đột về Đài Loan không phải là điều họ mong muốn.

Nhóm của Tổng thống Biden được dự đoán sẽ vẫn tập trung nhiều vào cuộc cạnh tranh lâu dài với Trung Quốc. Điều này sẽ trở nên nổi bật hơn nếu họ chuyển được sự đồng thuận lưỡng đảng về vấn đề thành các chính sách hiệu quả để tăng cường vị thế của Mỹ, ví dụ như những chương trình kiểu “Xây dựng lại tốt hơn”. Dù vậy, chuyên gia dự đoán sẽ không có nhiều vấn đề Mỹ-Trung có thể trở nên nóng hơn so với hiện tại, trong 12 tháng tới.

Nga và Ukraine

Dù có những lo ngại về leo thang quân sự, Walt cho rằng ít có khả năng Nga sẽ tiến hành một cuộc tấn công lớn nhằm vào toàn bộ Ukraine – điều sẽ kích hoạt các lệnh trừng phạt kinh tế mạnh mẽ và khiến NATO bắt đầu củng cố quân sự ở phía Đông.

Theo chuyên gia, ông Biden đang ở trong tình thế khó khăn ở đây. Mỹ sẽ không muốn nổ súng xảy ra ở một khu vực cách xa Mỹ và ngay sát Nga, và việc gửi thêm vũ khí tới Kiev cũng không tạo nên cán cân quyền lực đủ để ngăn chặn bước tiến của Nga. Tuy nhiên, những thỏa thuận ngoại giao có xu hướng giảm nhẹ vấn đề có thể cũng không đem lại hiệu quả như mong muốn.

Tình huống không mấy khả quan này cũng là một lời nhắc nhở rằng ý tưởng mở rộng của NATO hấp dẫn về mặt ý thức hệ nhưng lại không phù hợp về mặt chiến lược, nhất là khi vấp phải sự phản đối gay gắt của Nga. Thách thức mà ông Biden (và NATO) phải đối mặt hiện nay là tìm ra cách duy trì lập trường của Ukraine mà không tỏ ra có vẻ nhượng bộ trước Moskva. Sẽ dễ dàng hơn nếu các bên đạt được một thỏa thuận về sự trung lập của Ukraine.

Israel và Iran

Theo chuyên gia, quyết định rời khỏi Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) với Iran của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump là một trong những quyết định chính sách đối ngoại quan trọng nhất của Mỹ trong 50 năm qua. Hiện tại, Iran đã làm giàu uranium nhiều hơn mức mà họ được quyền sở hữu nếu thỏa thuận vẫn được duy trì.

Họ có một số lượng lớn các máy ly tâm phức tạp đang hoạt động, một chính phủ cứng rắn hơn – kết quả của chiến dịch “gây áp lực tối đa” của cựu Tổng thống Trump và cựu Ngoại trưởng Pompeo.

Biden cam kết sẽ khôi phục JCPOA sau khi ông nhậm chức, nhưng dường như những vận động hành lang từ Israel về việc Mỹ phải có chính sách cứng rắn hơn nữa với Iran đã khiến Mỹ chần chừ ra quyết định.

Giờ khi khả năng hạt nhân của Iran không bị hạn chế, câu chuyện chuyển sang tập trung vào những gì Mỹ hoặc Israel sẽ thực hiện để chống lại cơ sở hạ tầng hạt nhân của nước này. Tuy nhiên, việc tấn công không thể loại bỏ khả năng có được bom hạt nhân của Iran — mà chỉ có thể trì hoãn (và có lẽ không lâu). Tấn công Iran theo cách này cũng chỉ củng cố mong muốn của Tehran trong việc có được một biện pháp răn đe đáng tin cậy hơn, cuối cùng thuyết phục họ trở thành quốc gia tiếp theo vũ trang hạt nhân.

Theo chuyên gia, trong năm 2022, Israel và những người ủng hộ họ ở Mỹ có thể sẽ tiếp tục ám chỉ về lựa chọn tiến hành một cuộc tấn công phòng ngừa ở Iran và cố gắng để Mỹ “gánh thay”. Mỹ sẽ cần làm rõ rằng bất kỳ quốc gia nào muốn gây chiến với Iran sẽ phải tự mình thực hiện và không thể trông chờ vào sự bảo vệ của Mỹ.

Và tất cả những điều này cũng có nghĩa là ngay cả khi Biden muốn tập trung vào châu Á, biến đổi khí hậu và COVID-19 hơn trong năm tới, ông cũng sẽ không thể bỏ qua Trung Đông hoàn toàn.

Uy tín

Các cam kết của Mỹ sẽ là đáng tin cậy nhất khi những người có ý định thách thức nhận ra rằng Washington có lợi ích rõ ràng trong việc bảo vệ cam kết đó, cũng như khả năng khiến kẻ tấn công phải trả cái giá đáng kể.

Theo chuyên gia, Mỹ gặp vấn đề về tín nhiệm vì hai lý do chính. Thứ nhất, Washington dường như đang cam kết quá mức, dẫn đến khó có thể thực hiện đồng thời tất cả các đảm bảo an ninh của mình. Về lý thuyết, một quốc gia có thể cố gắng giải quyết vấn đề này bằng cách có động thái quyết liệt mỗi khi bị nghi ngờ, nhưng theo thời gian, cách tiếp cận đó làm đã tiêu hao nguồn lực và ý chí chính trị. Mỹ đã mệt mỏi với những cuộc chiến vô nghĩa, một phần vì họ liên tục chiến đấu để bảo toàn uy tín.

Thứ hai, uy tín của Mỹ ngày nay bị suy giảm nhiều bởi sự phân cực trong nước và phản ứng không chắc chắn đối với bất kỳ tình huống quốc tế cụ thể nào. “Tại sao các nước khác phải điều chỉnh chính sách đối với Mỹ khi họ nghi ngờ tổng thống tiếp theo có thể từ chối và đi theo hướng ngược lại? Tại sao phải phối hợp các kế hoạch tốn kém với một quốc gia gặp khó khăn trong việc thông qua ngân sách, quản lý đại dịch hoặc thực hiện một kế hoạch cơ sở hạ tầng?”, Walt phân tích.

Đặt ra ưu tiên

Trong hoàn cảnh có quá nhiều thứ diễn ra, Mỹ có thể gặp thách thức với việc tránh để bị cuốn vào mọi cuộc khủng hoảng mới nhất. Mong muốn của chính quyền Biden để chứng minh “Nước Mỹ đã trở lại” có thể khiến họ phải ưu tiên hàng loạt “điểm nóng” khác nhau trong cùng một thời gian. Điều này làm tăng nguy cơ chính quyền sẽ đi chệch hướng bởi các sự kiện bất ngờ.

Ngoài ra, thách thức lớn nhất đối với chính quyền Biden trong năm thứ hai có thể không nằm ở nước ngoài. Theo chuyên gia, những nghiên cứu về xung đột nội bộ hiện đang cảnh báo về nguy cơ xung đột ở Mỹ, một khả năng dường như không thể tưởng tượng được vài năm trước đây.

Ngay cả khi không có tình trạng bạo lực lan rộng, Mỹ có thể phải đối mặt với năm 2022 với một loạt các tranh chấp bầu cử, các bộ phận chính phủ được bầu không đại diện cho ý chí phổ biến, các tổ chức chính phủ bị giảm khả năng thực hiện các chức năng cơ bản. Những chia rẽ, ngoài việc đe dọa các quyền tự do cơ bản và chất lượng cuộc sống của người Mỹ, sẽ khiến việc thực hiện một chính sách đối ngoại hiệu quả trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

RELATED ARTICLES

Tin mới