Friday, November 22, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnNhững động thái mới của các nước ven Biển Đông

Những động thái mới của các nước ven Biển Đông

Trong những ngày cuối năm 2021, liên tiếp xuất hiện nhiều động thái mới rất đáng chú ý của các nước ven Biển Đông, hứa hẹn sự đoàn kết giữa các nước ven Biển Đông trong cuộc ứng phó với những thách thức ở Biển Đông sẽ được nâng lên một mức độ mới trong năm 2022.

Một số học giả còn cho rằng đây là dấu hiệu cho một liên minh mới ở Biển Đông và là một điều tốt lành cho cục diện ở Biển Đông trong năm 2022.

Tình hình Biển Đông sẽ có nhiều biến động trong năm 2022

Thứ nhất là động thái của Indonesia: Người đứng đầu Cơ quan an ninh hàng hải Indonesia, Phó Đô đốc Aan Kurnia tiết lộ với tờ The Star rằng, ông đã mời những người đồng cấp từ 4 quốc gia ASEAN có tranh chấp ở Biển Đông là Việt Nam, Malaysia, Philippines và Brunei và mời thêm Singapore, nước có lợi ích lớn trên tuyến hàng hải ở Biển Đông, dự họp bàn và chia sẻ kinh nghiệm đối phó với Trung Quốc.

Theo Phó Đô đốc Aan Kurnia những người đồng cấp từ 6 quốc gia ASEAN sẽ tham dự một cuộc họp vào tháng 2/2022 tại Batam, tỉnh Riau Islands để “chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy tình anh em” giữa các quốc gia đang đối mặt với những thách thức tương tự trước các yêu sách của Trung Quốc.

Thứ hai là động thái của Philippines: Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin đã đưa lại bài viết của tờ Nikkei của Nhật Bản về việc Trung Quốc liên tục phản đối hoạt động thăm dò dầu khí ở Biển Đông trong khu vực nằm trên thềm lục địa của Indonesia kèm theo bình luận của ông trên tài khoản Twitter của mình. Đây là lần thứ hai một quan chức ngoại giao cấp cao của ASEAN sau Indonesia lên tiếng bình luận về sự kiện này.

Đáng chú ý, thời điểm Ngoại trưởng Philippines Locsin lên tiếng trùng với thời điểm mà Indonesia đứng ra mời 5 nước ven Biển Đông tham dự cuộc họp vào tháng 2 tới. Những diễn biến này cho thấy các nước ASEAN có tranh chấp ở Biển Đông đã nhận thấy nhu cầu cấp bách cần phải tập hợp lực lượng trước những yêu sách và hành động đơn phương trái pháp luật ngày càng gia tăng của Trung Quốc.

Một điều trùng hợp nữa là Trung tâm báo chí điều tra Philippines mới xuất hiện bài viết kêu gọi các nước ASEAN có tranh chấp hình thành một liên minh mới hoặc một tiểu nhóm trong ASEAN bao gồm 5 nước Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Philippines và Brunei trước sự trì trệ của ASEAN trong việc giải quyết các tranh chấp với Trung Quốc.

Từ những động thái kể trên, có thể rút ra một số điểm sau:

Trước tiên, đây là chuyển động đáng chú ý vì nó sẽ là tiền đề cho sự hợp tác sâu rộng hơn nữa giữa lực lượng tuần duyên các nước ASEAN có tranh chấp ở Biển Đông, hay cao hơn là hình thành một dạng tập hợp lực lượng giữa các nước có tranh chấp nhằm đối phó Trung Quốc. Sự liên kết giữa các nước ven Biển Đông sẽ tạo ra sức mạnh để đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông.

Đề xuất thành lập một nhóm nhỏ liên quan đến Biển Đông trong ASEAN đã được các nhà quan sát Biển Đông đề cập nhiều lần trước đây, song chưa trở thành hiện thực do sự chần chừ của một số nước liên quan, trong đó có Malaysia và Indonesia bởi khi đó các hành động hung hăng của Bắc Kinh chưa trực tiếp động chạm tới lợi ích của hai nước này. Tuy nhiên, việc Trung Quốc mở rộng các hoạt động xâm lấn xuống phía Nam Biển Đông, trong đó tập trung vào vùng biển của Malaysia và Indonesia khiến hai nước này chuyển thái độ. Đây có lẽ là nguyên nhân mà ý tưởng về tập hợp lực lượng của nhóm có lợi ích gắn liền với Biển Đông được hồi sinh.

Hai là, sự chuyển biến thái độ của Indonesia có ý nghĩa quan trọng đối với việc hình thành “Nhóm nhỏ” trong ASEAN vì là quốc gia lớn và có tiếng nói trong ASEAN, đã từng có những đóng góp nhất định trong việc giải quyết nhiều vấn đề trong khu vực, bao gồm vấn đề Campuchia trong những năm 80 của Thế kỷ 20.

Hà Nội mặc dù chưa lên tiếng công khai về ý tưởng thành lập “Nhóm nhỏ” liên quan đến Biển Đông trong ASEAN mà giới chuyên gia đề xuất trong những ngày cuối năm 2021, nhưng xét về mặt lợi ích chiến lược, Hà Nội có lợi ích lớn trong việc ra đời “Nhóm nhỏ” này bởi Việt Nam là nước có tranh chấp lớn nhất với Trung Quốc ở Biển Đông và cũng là nước có lập trường kiên định nhất chống lại sức ép của Trung Quốc ở Biển Đông.

Malaysia cũng chưa lên tiếng về ý tưởng thành lập “Nhóm nhỏ” liên quan đến Biển Đông. Tuy nhiên, với những gì Malaysia phải ứng phó liên quan đến hành động hung hăng của Trung Quốc trong năm 2021, giới chuyên gia cho rằng Kuala Lumpur sẽ thay đổi cách tiếp cận trên vấn đề Biển Đông theo hướng cứng rắn hơn, bao gồm việc sẽ tham gia tích cực vào “Nhóm nhỏ” này.

Ba là, về thời điểm hồi sinh ý tưởng thành lập “Nhóm nhỏ” về Biển Đông trong ASEAN trong những ngày cuối năm 2021, giới phân tích cho rằng xuất phát từ việc Campuchia sẽ là Chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm 2022. Khó có thể hy vọng vấn đề Biển Đông sẽ trở thành một vấn đề trọng tâm tại các hội nghị trong khuôn khổ ASEAN năm 2022 này bởi lẽ những gì xảy ra cách đây 10 năm khi Campuchia làm chủ nhà ASEAN đã khiến các nước ven Biển Đông lo ngại.

Tháng 10/2021, khi nhận chuyển giao chức Chủ tịch ASEAN, Campuchia cam kết nỗ lực duy trì sự đoàn kết nhất trí trong ASEAN; bảo vệ lợi ích chung của các nước ASEAN. Tuy nhiên, chưa có gì đảm bảo cho những lời cam kết này của Phnôm Pênh, nhất là những gì liên quan đến Biển Đông.

Để tránh việc vấn đề Biển Đông không được coi trọng trong năm Campuchia làm Chủ tịch ASEAN thì việc các nước có lợi ích trực tiếp gắn liền với Biển Đông thành lập “Nhóm nhỏ” trong ASEAN để vấn đề Biển Đông không bị chìm xuống, nhất là trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng hung hăng, hiếu chiến ở Biển Đông là lẽ đương nhiên. Đúng như cựu thẩm phán của Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio nhận định với “Nhóm nhỏ” gồm 6 nước có lợi ích gắn liền với Biển Đông sẽ dễ dàng đạt được đồng thuận để ra những quyết định liên quan vấn đề Biển Đông hơn là với ASEAN gồm 10 nước trong đó có những nước không có lợi ích trực tiếp ở Biển Đông, nhất là một số nước này đã bị Trung Quốc lôi kéo, chi phối.

Ngoài ra, giới quan sát cũng hết sức quan tâm tới việc đề xuất về một tập hợp lực lượng “Nhóm nhỏ” về Biển Đông trong ASEAN được hồi sinh giữa lúc chính quyền của Tổng thống Biden đang nỗ lực tranh thủ các nước ASEAN, nhất là các nước ven Biển Đông để giành thế chủ động trong cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung ở Biển Đông và trong khu vực.

Không loại trừ khả năng Washington sẽ đóng một vai trò nào đó trong việc hình thành “Nhóm nhỏ” liên quan đến Biển Đông thời gian tới. Việc Mỹ khẳng định Hiệp định Phòng thủ chung Mỹ – Philippines sẽ được kích hoạt trong trường hợp có bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào nhằm vào các lực lượng vũ trang của Philippines ở Biển Đông hay những chuyến thăm liên tiếp của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Phó Tổng thống Mỹ đến Việt Nam, Singapore và chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ đến Indonesia, Malaysia rõ ràng là có chủ đích tập trung vào các nước ven Biển Đông trong ASEAN đang lo ngại về sự đe dọa của Bắc Kinh.

Còn quá sớm đề nói về việc hình thành một liên minh ở Biển Đông, song rõ ràng là một tập hợp lực lượng mới có lợi ích gắn liền với Biển Đông đang phôi thai. Tập hợp lực lượng này dù dưới bất kỳ hình thức nào cũng là một yếu tố quan trọng để chống lại sự bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông. Đây là một thông tin tốt lành đối với Biển Đông trong những ngày bước sang năm mới 2022. Một thực tế đã chứng minh là từng chiếc đũa sẽ dễ bị bẻ gãy hơn là cả một bó đũa gồm nhiều chiếc đũa tập trung lại, chúng ta cùng chờ xem.

RELATED ARTICLES

Tin mới