Theo Ani News, chính quyền Trung Quốc có thể đang có sự thay đổi trong chiến lược đối với Biển Đông. Cụ thể, Bắc Kinh sẽ thay đổi việc quảng bá “đường 9 đoạn” bằng một cơ sở pháp lý khác để gia tăng yêu sách đối với vùng biển này.
Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia, Saifuddin Abdullah, cho biết, sự chuyển hướng của Bắc Kinh đã được các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhận ra và cho rằng cách thúc đẩy cơ sở pháp lý mới của phía Trung Quốc còn nguy hiểm hơn “đường 9 đoạn”.
Cụ thể, Bắc Kinh muốn gia tăng tuyên bố chủ quyết đối với 4 nhóm đảo trên Biển Đông, được chính quyền Trung Quốc gọi là “Four Sha”, và dần dần cách tiếp cận này sẽ thay thế cho tuyên bố chủ quyền “đường 9 đoạn”.
Theo cách tiếp cận mới, Bắc Kinh sẽ tăng cường các tuyên bố nói rằng họ có “chủ quyền lịch sử” không thể tranh cãi đối với “Four Sha”.
Chính quyền Trung Quốc gọi các đảo trong “Four Sha” với các tên là “Dongsha Qundao”, “Xisha Qundao” (Hoàng Sa – Paracel Islands), “Zhongsha Qundao” và “Nansha Qundao” (Trường Sa – Spratly Islands).
Đường chín đoạn đã bị tòa án công lý quốc tế La Haye bác bỏ vào năm 2016 trong vụ kiện tranh chấp chủ quyền giữa Philippines và Trung Quốc. Mặc dù Bắc Kinh bác bỏ phán quyết này nhưng nhiều quốc gia đã tán thành.
Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Mỹ vào ngày 12/1 đã công bố báo cáo “Limits in the Seas” (Giới hạn trên các vùng biển) phủ nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với hơn 80% diện tích Biển Đông được bao quanh bởi “Đường 9 đoạn”. Báo cáo phủ định cái gọi là “các quyền lịch sử” và “chủ quyền” của Trung Quốc với hơn 100 thực thể ở vùng biển này.