Friday, November 22, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaKết quả chống tham nhũng ở TQ ngày càng thấp

Kết quả chống tham nhũng ở TQ ngày càng thấp

Hiện nay chống tham nhũng hủ bại đã trở thành chủ đề chính trong ĐCSTQ, nhưng chúng ta thấy một hiện tượng đó là: cấp độ quan chức ngã ngựa càng ngày càng thấp. Đây là điều bất lợi cho Tập Cận Bình.

Tập Cận Bình và Tăng Khánh Hồng.

Bởi vì đối thủ lớn nhất của ông Tập là Tăng Khánh Hồng từng giữ chức Thường Uỷ, tức cấp Quốc gia. Muốn hạ được Tăng Khánh Hồng, Tập Cận Bình phải phải hạ bệ ít nhất một quan chức cấp Phó Quốc gia (cỡ Uỷ viên Bộ Chính trị). Nhưng đến nay, quan chức cao nhất ngã ngựa chỉ là Phó Chính Hoa – người từng giữ chức Bộ trưởng Tư pháp, trong khi Đại hội 20 chỉ còn hơn nửa năm nữa là khai mạc.

Gần đây, 2 thân tín của Tập Cận Bình từ chức là Từ Lập Nghị – Bí thư Thành uỷ Trịnh Châu và Chu Giang Dũng – Bí thư Thành uỷ Hàng Châu. Điều này nghĩa là ông Tập không bảo vệ được đàn em của mình. Trong khi đó, Mã Quốc Cường – Cựu Bí thư Thành uỷ Vũ Hán bị Tập Cận Bình truy vấn trách nhiệm và miễn chức, đến nay lại phục vị.

Vậy thì việc Tập Cận Bình chống tham nhũng hủ bại ‘càng ngày càng thấp’ và không bảo vệ được thân tín của mình phải chăng là điểm bất lợi cho ông Tập tái đắc cử ở Đại hội 20, và phe ‘phản Tập’ nhìn nhận những thông tin trên như thế nào?

Là người có am hiểu sâu sắc chính trường Trung Quốc – Giáo sư Chương Thiên Lượng trong Chính luận thiên hạ đăng ngày 25/1 đã có từ những thông tin đăng trên các phương tiện truyền thông, từ đó phân tích để làm rõ những vấn đề trên như sau.

Tập Cận Bình chống tham nhũng ‘càng ngày càng thấp’

Điều tra và xử lý quan chức nhỏ như Thái Ngạc Sinh chỉ mang tính… biểu tượng

Ngày 24/1, tờ Duowei đã đăng bài viết với tiêu đề: “Chống tham nhũng trong ĐCSTQ: Uỷ ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đã điều tra và xử lý quan chức đầu tiên ‘đã về hưu nhưng chưa nghỉ’”. ‘Đã về hưu nhưng chưa nghỉ’ là chỉ những quan chức đã nghỉ hưu nhưng vẫn còn tham túng hoặc tham gia chính trường.

Trong bài nói rằng, Thái Ngạc Sinh – Cựu Phó Chủ tịch Uỷ ban Điều tiết Ngân hàng Trung Quốc (CBRC) bị khai trừ khỏi đảng, hủy trợ cấp hưu trí, sau đó chuyển sang viện kiểm sát để xem xét và truy tố.

Uỷ ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương thông báo rằng, Thái Ngạc Sinh đã biến chất về mặt chính trị như: không trung thành với đảng, không thành thật… trong đó còn có một tội nữa là thao túng thị trường chứng khoán. Tội này giống với cựu Thứ trưởng Bộ Công an Tôn Lực Quân.

Có một số người giải thích điều này rằng, Tập Cận Bình muốn mượn những vụ án liên quan đến tài chính để lần ra đầu mối tấn công gia tộc khống chế tài chính là Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng. Nhưng Giáo sư Chương cho rằng điều này rất khó xảy ra.

Giáo sư Chương giải thích rằng, năm 2017, Tập Cận Bình bắt Tiêu Kiến Hoa. Năm đó ở Trung Quốc có một tổ chức tài chính rất lớn tên là Tomorrow Group (Minh thiên hệ – 明天系) với rất nhiều chi nhánh. Tổ chức này thông qua các hoạt động tài chính rất phức tạp mà kiếm được hàng trăm tỷ đô-la Mỹ.

Ngày 27/1/2017, Tiêu Kiến Hoa bị một kẻ lạ mặt bắt cóc về Đại lục trong khi đang ở khách sạn Bốn mùa ở Hồng Kông. Tiêu Kiến Hoa sinh năm 1972, khi bị bắt ông ấy mới có 45 tuổi. Tiêu Kiến Hoa xuất thân là người ở đáy xã hội, do đó, từ lý lịch của Tiêu Kiến Hoa, cựu Thư ký Quốc vụ viện là Du Mai Tôn cho rằng: Nếu không có gia tộc ‘cấp Thường Uỷ’ trong ĐCSTQ ủng hộ, Tiêu Kiến Hoa ta rất khó thông qua nỗ lực của mình để trở thành người khống chế hệ thống tài chính.

Do đó, phía sau Tiêu Kiến Hoa chắc chắn có người ủng hộ. Người này là ai? Chính là… Tăng Khánh Hồng, bởi vì cả tờ Financial Times và South China Morning Post đều đưa những báo cáo liên quan đến vấn đề này.

Tiêu Kiến Hoa bị bắt ngày 27/1/2017, nhưng kỳ lạ thay, trong vòng 5 năm từ đó đến nay không có bất cứ tin tức liên quan đến Tiêu Kiến Hoa trên các phương tiện truyền thông. Điều này cho người ta cảm giác, dường như ông ta đã bốc hơi khỏi thế gian.

Nhưng là một người am hiểu chính trường Trung Quốc, Giáo sư Chương nhận định rằng: Tập Cận Bình không điều tra được Tiêu Kiến Hoa, nhưng nếu thả ra thì không tìm được lý do. Nếu nói Tiêu Kiến Hoa không có vấn đề gì cũng không ổn, bởi vì làm như vậy Tomorrow Group sẽ nói rằng ‘chúng tôi vẫn ổn, chính phủ không tiếp quản chúng tôi, do đó chúng tôi sẽ kinh doanh bình thường’. Điều này không thể được.

Cho nên mọi người sẽ thấy rằng, Tập Cận Bình bắt Tiêu Kiến Hoa nhưng lại không tra ra được Tăng Khánh Hồng. Do đó, động thái điều tra và xử lý quan chức nhỏ bé như Thái Ngạc Sinh mang tính biểu tượng nhiều hơn chứ không điểm trúng chỗ thực chất của vấn đề.

Tập Cận Bình đang điều tra… hướng xuống

Nhìn vào bộ phim ‘Không khoan nhượng’ của Uỷ ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương gần đây thấy rằng, trong việc chống tham nhũng hủ bại, Tập Cận Bình không phải điều tra lên, mà là… ‘điều tra xuống’, tức là các quan chức bị phanh phui và xử lý có cấp độ càng ngày càng thấp.

Ngày 21/1, tờ ‘Chống tham nhũng‘ dẫn nguồn từ bài viết của ‘Thời báo Học tập’ với tiêu đề: “‘Vòng tròn nhỏ’ phá hoại ‘quy tắc lớn’”, trong đó nói rằng: Những năm gần đây, Uỷ ban Kiểm tra Kỷ luật các cấp đã điều tra xử lý một một nhóm người thích kết đảng lập trại, kéo bè kết phái… Trong đó đề cập đến 3 cái tên:

+ Triệu Thiếu Lân – nguyên Bí thư kiêm Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Giang Tô.

+ Ngu Hải Yến – nguyên Phó tỉnh trưởng kiêm Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Cam Túc.

+ Bùi Thành Mẫn – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Uỷ ban Phát triển Hội nhập Dân sự Quân sự Tỉnh uỷ Hà Nam.

Là người có am hiểu sâu sắc về chính trường Trung Quốc, Giáo sư Chương nhìn nhận rằng, những cán bộ cấp bé như thế này mà nằm trong danh sách của Uỷ ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương là điều bất thường. Tập Cận Bình chống tham nhũng chỉ nhắm vào những ‘lâu la’ nhỏ bé, cao nhất chỉ là cấp Phó Tỉnh trong bài viết trên.

Hiện tại quan chức cao nhất mà Tập Cận Bình hạ bệ là Phó Chính Hoa, một quan chức cấp Bộ, trước đây từng giữ chức Bộ trưởng Tư pháp. Từ đó trở đi không có quan chức cao hơn ngã ngựa.

Giáo sư Chương đã từng nói nhiều lần rằng, nếu Tập Cận Bình không hạ bệ được Tăng Khánh Hồng trong quý 1 năm nay, thì từ đây đến Đại hội 20 sẽ không có hổ lớn nào sa lưới. Tăng Khánh Hồng là cấp Thường Uỷ, tức cấp Quốc gia; dưới một cấp là Uỷ viên Bộ Chính trị hoặc tương đương, tức cấp Phó Quốc gia.

Dù thế nào ông Tập phải hạ một quan chức cấp Phó Quốc gia như: Uỷ viên Bộ Chính trị hoặc cùng cấp như Phó Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, hay Phó Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc… mới là tín hiệu điều tra lên trên. Nhưng đến nay vẫn chưa có quan chức cấp Phó Quốc gia ngã ngựa.

Do đó, điều trên cho chúng ta cảm giác rằng chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình hầu như đã sớm dừng lại.

Điều này khác với năm xưa sau khi Tập Cận Bình lên nắm quyền hạ bệ Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng v.v. hai phong cách trước đó và bây giờ là khác nhau. Giáo sư Chương cho rằng, Tập Cận Bình hạ thủ những đám lâu la tôm tép chính là dấu hiệu bất lực, điều ấy chứng tỏ ông Tập không bình định được băng nhóm đảo chính. Đây là tâm thái của ông Tập lúc này.

Tập Cận Bình không bảo vệ được đàn em: tín hiệu cổ vũ cho đối thủ chính trị
Gần đây có 2 tin tức có thể làm cho Tập Cận Bình thấy ‘khó coi’.

Thứ nhất, Mã Quốc Cường – cựu Bí thư Thành uỷ Vũ Hán, người đã bị Tập Cận Bình truy vấn trách nhiệm rồi cách chức nay đã… phục vị.

Ngày 23/1, tại Đại hội đại biểu nhân dân tỉnh Hồ Bắc, Mã Quốc Cường đã được bầu làm Phó chủ nhiệm Ủy ban thường vụ Đại hội nhân dân tỉnh. Đây chức vụ cấp Phó Tỉnh. Trước đây ông làm Bí thư Thành ủy Vũ Hán (cũng cấp Phó Tỉnh) bị ông Tập sa thải, nay lại được phục chức.

Thứ hai, thân tín của Tập Cận Bình là Từ Lập Nghị – Bí thư Thành ủy Trịnh Châu và Chu Giang Dũng – Bí thư Thành ủy Hàng Châu đều từ chức, thậm chí cả 2 người đã nhận tội trên TV.

Chúng ta thấy rằng, Mã Quốc Cường – người bị Tập Cận Bình cho miễn chức, nay phục vị; còn 2 thân tín của mình là Từ Lập Nghị và Chu Giang Dũng lại ngã ngựa; điều này cho chúng ta cảm giác lời ông Tập không còn mang ‘quyền uy tối thượng’, không thể bảo vệ đàn em của mình. Giáo sư Chương đánh giá, những điều trên lại là tín hiệu cổ vũ các đối thủ chính trị của ông Tập kiểu ‘các người cứ đảo chính, còn tôi thì bất lực’ vậy.

Từ đây đến Đại hội 20 chỉ còn hơn nửa năm, nhưng Tập Cận Bình vẫn chưa động được đến hổ lớn Tăng Khánh Hồng, mà chỉ dọn dẹp những tên lâu la nhỏ bé; đồng thời ông Tập lại nhận phải tin xấu khi thân tín của mình lại ngã ngựa trong khi người bị mình cách chức lại phục vị… Đây đều là những điểm bất lợi cho ông Tập.

Nhưng gió mây luôn khó đoán và ẩn chứa nhiều bất ngờ, liệu ông Tập có dọn dẹp được những đối thủ chính trị để mở đường cho việc tái đắc cử ở Đại hội 20 được hay không, chúng ta chỉ có thể chờ xem.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới