Saturday, November 23, 2024
Trang chủQuân sựHải quân các nướcSức mạnh tuần dương hạm giúp hải quân Nga thống trị biển...

Sức mạnh tuần dương hạm giúp hải quân Nga thống trị biển Đen

Nếu xung đột nổ ra, tuần dương hạm Moskva chắc chắn sẽ được lựa chọn để dẫn đầu hạm đội Nga tấn công Ukraine từ hướng biển Đen.

Tuần dương hạm Moskva – soái hạm của Hạm đội biển Đen.

Theo tờ Forbes, cho đến nay, tuần dương hạm mang tên lửa Moskva của hải quân Nga vẫn tàu chiến mạnh nhất ở biển Đen dù nó đã hoạt động được gần 40 năm.

Vai trò của tuần dương hạm Moskva ở biển Đen

Trong trường hợp Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh cho quân đội của nước này phát động một chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine, nhiều khả năng Moskva sẽ được lựa chọn để dẫn đầu mũi tấn công từ hướng biển Đen.

Sở dĩ Forbes đưa ra nhận định trên là vì Moskva không khác gì một pháo trên biển với hệ thống vũ khí đồ sộ nó có thể mang theo. Ngay cả thiết kế của con tàu cũng cho thấy sự to lớn của nó. Moskva có lượng giãn nước tối đa lên đến 12.500 tấn, dài 186m và có thủy thủ đoàn lên đến 500 người.

Với hệ thống tên lửa chống hạm siêu thanh P-500 hoặc P-1000 (16 ống phóng), Moskva hoàn toàn có thể xóa sổ hải quân Ukraine chỉ trong đợt tấn công đầu tiên, ngoài ra nó còn có thể hỗ trợ phòng không trên biển bảo vệ các tàu khác trong hạm đội trước cuộc tập kích đường không của kẻ thù.

Ngoài Moskva, Hạm đội biển Đen còn có trong biên chế 10 tàu khinh hạm và hộ vệ hạm, 6 tàu ngầm tấn công diesel-điện và khoảng 10 tàu đổ bộ.

Dù vậy vai trò của tuần dương hạm Moskva đối với hải quân Nga có thể biến con tàu này trở thành mục tiêu hàng đầu của quân đội Ukraine ở biển Đen khi xung đột ở biên giới nổ ra, Kiev sẽ không ngần ngại tung ra toàn bộ tên lửa chống hạm mà họ để tiêu diệt cho bằng được Moskva.

Việc Ukraine dồn sức tiêu diệt Moskva không chỉ vì vai trò của nó trong cuộc xung đột tương lai mà nó còn là đại diện cho sức mạnh quân sự của Nga ở biển Đen. Đánh bại Moskva, cũng sẽ giáng đòn mạnh vào ý chí của lực lượng Nga.

Như đã nói ở trên, tuần dương hạm Moskva không phải là tàu chiến mới. Nó được hải quân Liên Xô đưa vào trang bị từ năm 1983, đây cũng là chiếc đầu tiên trong ba tàu thuộc lớp tuần dương hạm Slava.

Sự ra đời của Moskva đánh dấu cho sự thay đổi tư duy của hải quân Liên Xô khi chuyển hướng sang phát triển các tàu chiến cỡ lớn được vũ trang tốt hơn, có thể hoạt động độc lập như một phương án bổ sung cho lớp tuần dương hạm Kirov – chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Cả lớp tàu tuần dương hạm này đều sẽ đóng vai trò chiến lược trong một cuộc đối đầu trên biển giữa Liên Xô và phương Tây nếu xảy ra xung đột trên diện rộng. Có thể thấy vai trò của tuần dương hạm Moskva sau gần 40 năm vẫn không thay đổi và nó đang là soái hạm của Hạm đội biển Đen.

Sức mạnh của tuần dương hạm Moskva

Dù là thiết kế của những năm 1970 nhưng tuần dương hạm Moskva lại sở hữu kho vũ khí đi trước thời đại. Hải quân Liên Xô muốn biến nó thành một “pháo đài” trên biển khi trang bị cho con tàu cả vũ khí chống hạm lẫn phòng không tầm xa.

Ngoài 16 bệ phóng tên lửa chống hạm P-1000 với tầm bắn gần 500km, Moskva còn được trang bị hệ thống phòng không trên hạm S-300F với 64 đạn tên lửa đi kèm được triển khai từ các bệ phóng thẳng đứng được đặt phía sau đuôi tàu, kế đến hệ thống phòng không tầm ngắn OSA-MA đi kèm 40 đạn tên lửa.

Hệ thống vũ khí trên Moskva còn có một hải pháo AK-130 (nòng đôi 130mm), 6 hệ thống vũ khí đánh chặn tầm gần AK-630, hệ thống rocket chống ngầm, ngư lôi và trực thăng săn ngầm.

Với kho vũ khí kể trên, Moskva là một trong lựa chọn hàng đầu đối với hải quân Nga khi thực hiện các chiến dịch quân sự quy mô lớn, như chiến tranh Gruzia (2008), sáp nhập bán đảo Crimea (2014) và can thiệp quân sự vào Syria (2015).

Sau nhiều năm phục vụ, Moskva bắt đầu trải qua chương trình đại tu kéo dài vào năm 2016 và con tàu sẽ tiếp tục hoạt động trong hải quân Nga thêm ít nhất 10 năm nữa.

Nhìn chung sau đại tu, hệ thống trang bị điện tử và vũ khí trên Moskva vẫn phù hợp với yêu cầu tác chiến của hải quân Nga trong giai đoạn hiện đại hóa dù nước này đã từ bỏ học thuyết hải quân có từ thời Liên Xô.

Hiện tại, hải quân Nga gần như không có kế hoạch đóng những tàu chiến cỡ lớn như Moskva. Thay vào đó là các tàu có lượng giãn nước khoảng 5.000 tấn, kết hợp với đó là lực lượng tàu ngầm tấn công. Dù tàu chiến nhỏ hơn và có tầm hoạt động hạn chế nhưng tàu chiến mới của Nga vẫn được trang bị hệ thống vũ khí tấn công tầm xa, điển hình như tên lửa hành trình Kalibr có tầm bắn lên đến hơn 1.000km. Từ đó có thể thấy vai trò của Moskva trong hạm đội sẽ là bảo vệ cho các tàu được trang bị lửa Kalibr thực hiện các đòn tấn công tầm xa.

Trong các tình huống có thể xảy ra nhất ở Ukraine, các tàu hộ tống và tàu ngầm của Nga ở biển Đen sẽ triển khai tên lửa Kalibr tấn công các mục tiêu nằm sâu bên trong lãnh thổ Ukraine, nhóm tàu này sẽ di chuyển trong “chiếc ô bảo vệ” của tuần dương hạm Moskva. Có được sự hỗ trợ hỏa lực từ hải quân mũi tấn công của lực lượng Nga trên tuyến biên giới phía tây trở nên dễ dàng hơn.

Hải quân Ukraine sẽ bất lực trong việc chống trả, họ không có tàu ngầm và tàu chiến mặt nước đủ mạnh để đối phó với hạm đội của Nga ở biển Đen. Trong khi đó không quân Ukraine chưa chắc có thể hỗ trợ cho hải quân đối phó với tàu chiến Nga

Lực lượng Ukraine duy nhất có thể phát động một cuộc tấn công nhằm vào Hạm đội biển Đen chính là các hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển Neptune được giới thiệu có tầm bắn lên đến 280km, nhưng không có gì đảm bảo Neptune có thể vươn tới nhóm tàu chiến Nga nếu chúng được triển khai ra xa về phía nam bán đảo Crimea. Bên cạnh đó cũng không rõ Ukraine có đủ tên lửa để xuyên thủng “ô phòng không” trên Moskva hay không.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới