Việc đánh bắt quá mức của đội tàu cá Trung Quốc khiến nguồn thủy sản Sierra Leone suy kiệt và ngư dân địa phương rơi vào cảnh tuyệt vọng.
“Nhiều năm trước, bạn có thể nhìn thấy cá dưới nước tại đây, kể cả cá lớn”, ngư dân Joseph Fofana (36 tuổi) vừa nói vừa vá lại mảnh lưới tại cầu cảng ở Tombo, một trong những cảng cá lớn nhất Sierra Leone. “Giờ không còn nữa. Cá giờ ít hơn bao giờ hết”.
Đánh bắt càn quét
Đó là thực trạng mà ông Fofana cùng nhiều ngư dân khác tại Sierra Leone đang đối diện từ khi đội tàu cá của Trung Quốc hiện diện. Tờ The Guardian mới đây phỏng vấn cả chục ngư dân tại quốc gia Tây Phi và toàn bộ đều cho hay số cá đánh bắt được ngày càng ít đi nhanh chóng do nạn bắt cá quá mức và kéo dài.
Các ngư dân cáo buộc đội tàu cá nước ngoài đã gây ra tình trạng này. Khoảng 40% giấy phép đánh bắt công nghiệp tại Sierra Leone do tàu Trung Quốc sở hữu. Tuy được cấp phép hợp pháp nhưng dân địa phương nói rằng chủ tàu Trung Quốc chỉ phải trả khoản phí thấp và thường khai báo sản lượng thấp hơn mức thực tế, không giúp nhiều cho kinh tế địa phương.
Nạn đánh bắt trái phép, không được quản lý và không báo cáo (IUUF) gây thất thoát của Sierra Leone 50 triệu USD mỗi năm, Tổng thống Julius Maada Bio nói hồi năm 2018. Trong đợt tuần tra của hải quân Sierra Leone và một tổ chức bảo tồn hồi năm 2021, có 5 tàu cá nước ngoài bị bắt trong 2 ngày, trong đó có 2 tàu treo cờ Trung Quốc đánh bắt trái phép.
Ngoài việc thống trị về số lượng giấy phép đánh bắt, Trung Quốc cũng thường xuyên xếp ở vị trí đầu bảng là nước vi phạm nhiều nhất về IUUF trong tổng số 152 nước.
Bị tạt nước sôi vì phản ứng
Một số chuyên gia cảnh báo rằng các cộng đồng ven biển của Sierra Leone đang đối diện hậu quả thảm khốc của tình trạng đánh bắt cá quá mức, kể cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp.
“Đội tàu Trung Quốc hưởng lợi từ nghề cá trong 30 năm qua và tác động đối với nguồn cá là tồi tệ. Tài nguyên đang biến mất, ngư dân đang thống khổ, các gia đình bị thiếu ăn. Nhiều người chỉ ăn một bữa mỗi ngày”, cựu cố vấn Stephen Akester của Bộ Ngư nghiệp và Tài nguyên biển Sierra Leone nói.
Tàu hải quân Chile (trái) theo dõi tàu cá Trung Quốc Reuters |
Những nỗ lực nhằm quản lý lĩnh vực này đều kém hiệu quả vì thách thức chính sách và ngân sách. “Chúng tôi nhận được nhiều báo cáo và tình báo về việc đánh bắt trái phép nhưng khó để chứng thực. Các tàu cá hoạt động ngày đêm. Cá là nguồn sống rất quan trọng của Tombo nhưng chúng đều đến tay người Trung Quốc”, quan chức Bộ Ngư nghiệp và Tài nguyên biển Abbas Kamara cho hay.
Ông Amara Kalone của Quỹ Công lý môi trường, chuyên theo dõi hoạt động tàu nước ngoài tại Sierra Leone, cho biết các đội tàu đang có những chiêu thức để né tránh các quy định hạn chế đánh bắt.
Những ngư dân như ông Fofana là người phải bị thiệt hại nặng nhất. Mỗi ngày, ông Fofana phải lênh đênh 14 giờ trên chiếc thuyền nhỏ với khoảng 2 chục người trên biển chỉ để kiếm được 50.000 leone (khoảng 100.000 đồng). Và có khoảng 13.000 chiếc thuyền như vậy ra khơi trên khắp bờ biển Sierra Leone mỗi ngày.
Người bán cá làm vảy cá tại cảng Tombo Ảnh chụp màn hình the guardian |
Không những tài nguyên bị suy giảm, các ngư dân địa phương còn bị tấn công, hăm dọa khi lên tiếng về nạn đánh bắt trái phép. Ngư dân Alusine Kargbo (34 tuổi) nói từng bị thuyền viên tàu cá tạt nước sôi khi ông phản ứng việc họ đánh bắt trong vùng cấm.
“Họ rất đông. Họ quấy nhiễu tài sản của tôi, cắt lưới của tôi. Nếu cố ngăn họ thì họ sẽ đánh lại”, ngư dân Ibrahim Bangura (47 tuổi) kể về những lần đụng độ với tàu cá Trung Quốc. Do nguồn cá ngày càng ít nên những ngư dân như ông Bangura ngày càng phải đi xa hơn, thậm chí đi vào mùa mưa nguy hiểm. Dù cơ hội bắt được cá nhiều hơn nhưng các vụ đụng độ với tàu Trung Quốc cũng thường xuyên xảy ra hơn.
Theo The Guardian, phía Đại sứ quán Trung Quốc chưa phản hồi gì về đề nghị bình luận.