Saturday, October 5, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNga sẽ “đánh” Ukraine hay chỉ “dọa”?

Nga sẽ “đánh” Ukraine hay chỉ “dọa”?

Những ngày này tình hình Ukrraine hết sức căng thẳng. Quả bom chiến tranh chỉ chờ lệnh là nổ tung. Người phát lệnh, không ai khác, chính là Tổng thống Nga Putin.

Không chỉ có hai “phe”, một bên là Nga-Trung Quốc (đương nhiên Bắc Kinh vẫn đang giữ thái độ im lặng) và bên kia là Mỹ và NATO, khiến dư luận thế giới hết sức quan tâm. Có hai loại ý kiến đang được bàn thảo: một, Nga sẽ tấn công (xâm lược); hai, Nga chỉ dọa Ukraine mà thôi! Nhưng dẫu là “đánh” hay “dọa” thì mục tiêu của Điện Kremlin vẫn chủ yếu nhằm ngăn chặn việc Ukraine gia nhập NATO và ngăn chặn thái độ thù địch, gây căng thẳng của Mỹ.

Về phía Mỹ, những ngày gần đây liên tiếp tung ra những thông tin tình báo cho rằng, Nga đang ráo riết chuẩn bị “đánh” Ukraine. Việc Mỹ chấp nhận rủi ro khi công bố những thông tin nhạy cảm này có thể coi là canh bạc nhằm ngăn cản bước tấn công của Nga (?).

Không chỉ đưa tin chi tiết về hoạt động của lực lượng đặc biệt Nga quanh biên giới Ukraine, Mỹ còn tiết lộ, Nga âm mưu sản xuất video giả đổ lỗi cho Ukraine tấn công trước. Đây là cách làm truyền thống, tạo “cớ” để phát động chiến tranh.

Hôm 11/2, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan tuyên bố, thời điểm Moscow phát động chiến tranh đã rất gần, có thể là sau khi Olympic mùa đông tại Trung Quốc kết thúc.

Một lý do khác khiến Washington công khai thông tin tình báo là bởi Mỹ không có ý định triển khai quân tới Ukraine, nhằm tránh xung đột trực diện với Nga. Mỹ hy vọng, việc tiết lộ kế hoạch của Moscow sẽ làm gián đoạn những bước phiêu lưu quân sự tiếp theo, mua thêm thời gian cho các giải pháp ngoại giao. Đây cũng là giải pháp khiến Điện Kremlin phải cân nhắc lại về những thiệt hại kinh tế, sinh mạng binh sĩ và dân lành, uy tín chính trị nếu phát động chiến tranh.

Tấn công Ukraina Nga sẽ tự hủy hoại uy tín trên trường quốc tế. Đồng thời, phương Tây có thể tập hợp sự ủng hộ mạnh mẽ hơn chống lại hành vi gây hấn của Moscow.

Về phía Nga, Tổng thống Putin và các quan chức liên tục khẳng định, Nga không bao giờ tấn công Ukraine, một người anh em thân thiết, từng một thời cùng trong Liên bang Xô-viết. Một số nhà phân tích thân Nga cho rằng, Tổng thống Putin không “điên” mà ném bom Kiev. Ông Putin đã phủ nhận cáo buộc của Mỹ và NATO rằng Matxcơva đang lên kế hoạch cho một cuộc tấn công quân sự.

Theo Cố vấn tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak: Cơ hội tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng vẫn “cao hơn đáng kể so với nguy cơ leo thang”. Nhiều người Ukraine, kể cả tổng thống, cho rằng nguy cơ mà Nga có thể gây ra là có thật, nhưng không tin vào sự quả quyết của Mỹ rằng Nga sẽ tấn công.

Càng ngày thế giới càng thấy rõ hơn sức mạnh của thông tin. Cuộc chiến tranh thông tin ngày càng trở thành vũ khí lợi hại, nhất là khi nó được các siêu cường khai thác triệt để. Nga đã sử dụng thông tin sai lệch để che giấu hành động đưa quân đội và vũ khí, khí tài áp sát biên giới Ukraine, đạt được mục tiêu vừa dọa vừa sẵn sàng nổ súng.

Điện Kremlin bắt đầu chiến dịch tuyên truyền toàn diện chống Kiev và phương Tây từ cuối năm 2021. Moscow cáo buộc Ukraine âm mưu diệt chủng người nói tiếng Nga. Thêm một bước, giới chức Nga cáo buộc Kiev và Washington âm mưu can thiệp quân sự, thậm chí tái chiếm vùng lãnh thổ mà phe ly khai đang kiểm soát ở miền Đông Ukraine.

Phản pháo tức thì, Mỹ công bố thông tin tình báo: Nga dự kiến triển khai 175.000 quân để phát động chiến tranh với Ukraine. Cáo buộc của Mỹ kèm theo bằng chứng là ảnh vệ tinh cho thấy quân đội Nga ồ ạt đổ về biên giới Ukraine. Trong khi đó Moscow không đưa ra được bằng chứng cáo buộc Mỹ sử dụng vũ khí hóa học.

Ở thời điểm hiện tại, cuộc chiến thông tin diễn ra nhanh chóng, khó lường. Công nghệ cho phép các loại thuyết âm mưu lan truyền nhanh hơn, rộng hơn trước. “Người dân sẽ đòi hỏi có bằng chứng, băng ghi hình, ghi âm. Nguy hiểm ở chỗ chúng ta có nguy cơ bị lộ nguồn tin và cách thức thu thập thông tin”, Glenn Gerstell, cựu quan chức Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ, cho biết.

Và thế là, trước khi nổ ra chiến tranh, thế giới đang chứng kiến cuộc chiến tranh thông tin hết sức phức tạp. Không thể nói tin hay không tin bằng những kinh nghiệm từ quá khứ. Mọi giả thiết, dự báo đều phải được kiểm chứng bằng những tư liệu, chứng cứ cụ thể.

Hãy để người dân tự quyết cuộc sống của họ. Bất kể thế lực nào không được biến Ukraine thành bãi chiến trường để thực hiện tham vọng của mình. Tiếng nói của hàng nghìn người dân Kiev: “Chúng tôi là những người yêu hòa bình. Chúng tôi muốn sống trong hòa bình”; “Xin đừng để chiến tranh xảy ra!” đã và đang vang lên trong những ngày này.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới