Sunday, November 24, 2024
Trang chủQuân sự“Chiến dịch đặc biệt” của Nga ở Ukraine nhìn từ góc độ...

“Chiến dịch đặc biệt” của Nga ở Ukraine nhìn từ góc độ quân sự

Ngày 24/2, Tổng thống Putin đã tuyên bố bắt đầu một “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm “phi quân sự hóa” Ukraine và bảo vệ người dân ở Donbass, đồng thời cảnh báo NATO không can thiệp hành động của Nga.

Chiến sự ác liệt bùng nổ ngày 24/2.

Nguyên nhân

Tổng thống Nga viện dẫn Điều 51, phần 7 của Hiến chương Liên Hợp Quốc (LHQ), các hiệp ước hữu nghị đã được Quốc hội phê chuẩn, cũng như sự hỗ trợ lẫn nhau với các nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng và Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng để ra quyết định trên. Các chuyên gia hiện vẫn chưa đồng thuận về nguyên nhân thúc đẩy Nga tấn công Ukraine, song có một số yếu tố có khả năng là căn nguyên hành động của Moscow liên quan đến những lo ngại của Nga về vấn đề an ninh trong khu vực.

Nga đặc biệt lo ngại là viễn cảnh Ukraine gia nhập NATO – khả năng đã được Mỹ đưa ra, song không có mốc thời gian rõ ràng. Tháng 12/2021, Nga đã gửi cho Mỹ một danh sách các đề xuất an ninh, kêu gọi NATO ngừng mở rộng về phía Đông, chấm dứt hỗ trợ quân sự cho Ukraine, và cấm triển khai tên lửa tầm trung ở Châu Âu. Moscow cũng úp mở sử dụng vũ lực quân sự nếu các yêu cầu không được đáp ứng.

Chính sách đối ngoại của Nga từ lâu đã coi việc Ukraine gia nhập NATO là một mối đe dọa lớn và việc kiềm chế Ukraine về mặt quân sự là một giải pháp tiềm năng để ngăn chặn khả năng đó. Các nhà phân tích cũng chỉ ra rằng Moscow lo ngại xu hướng chống Nga ngày càng tăng trong những năm gần đây, gây ra mối đe dọa đối với ảnh hưởng của Nga lên các nước láng giềng, cũng như sự ổn định nội bộ của Nga. Hành động quân sự của Nga là cơ hội để đưa Ukraine trở lại phạm vi ảnh hưởng của nước này.

Giá năng lượng đang tăng trên khắp thế giới, đặc biệt là ở Châu Âu – nơi nhiều quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt tự nhiên của Nga. Các nhà phân tích cho rằng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga có thể gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng ở Châu Âu với quy mô tương tự cuộc khủng hoảng dầu mỏ những năm 1970 của thế kỷ trước, khiến Đức do dự khi tham gia vào các nỗ lực trừng phạt Nga. Moscow biết Châu Âu đang bị ràng buộc ở một mức độ nào đó vào Nga, vì thế nên việc triển khai chiến dịch quân sự lúc này sẽ giúp Nga giảm thiểu mức độ thiệt hại phải gánh chịu, so với các thời điểm khác.

Có thể Nga nhận thấy chính quyền Tổng thống Mỹ Biden hiện đang tập trung vào cuộc đối đầu với Trung Quốc, khiến nước này có ít dư địa hơn để chống lại Moscow và Nga đã nhanh tay hành động. Có ý kiến cho rằng, mục tiêu của chiến dịch là thay đổi ban lãnh đạo Ukraine, đưa những người ở đó thực hiện những gì ông Putin muốn, tức là không gia nhập NATO và không xích lại gần EU.

Chiến thuật

Theo các chuyên gia quân sự, Moscow đã dùng tên lửa hành trình tấn công từ đất liền, tên lửa đạn đạo, các tên lửa phóng từ trên không nhằm vào các mục tiêu ở Kiev, Kharkiv, Dnipro, sau đó, quân đội Nga đã tấn công đồng thời từ phía Nam, Đông và Bắc Ukraine, bằng cả đường bộ lẫn đường không nhằm thẳng những thành phố lớn của Ukraine, lính dù đổ bộ các khu vực phía Đông. Với sự trợ giúp của chiến tranh điện tử, liên lạc giữa các đơn vị riêng lẻ của quân đội Ukraine và các nhóm vũ trang dân tộc chủ nghĩa đã bị gián đoạn.

Các cuộc tấn công của Nga bằng vũ khí dẫn đường chính xác được thực hiện vào các cơ sở hạ tầng quân sự trên gần như toàn bộ lãnh thổ Ukraine. Theo Bộ Quốc phòng Nga, các cuộc không kích của nước này đã phá hủy hàng trăm mục tiêu cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine, cùng một cơ sở quân sự của NATO đang được xây dựng ở Ochakovo trong vài năm qua.

Ukraine chủ yếu chỉ dựa vào hệ thống phòng không trên bộ do thiếu máy bay chiến đấu hoặc máy bay đánh chặn hiện đại. Bắt thóp được các điểm yếu và các thông số kỹ thuật của các hệ thống này, Nga sử dụng chiến tranh điện tử để làm mù các hệ thống phòng không của Ukraine trong giai đoạn mở đầu của cuộc chiến. Theo một cựu phi công của Không quân Romania, giai đoạn đầu của chiến dịch quân sự do Nga phát động chủ yếu tập trung vào việc giành ưu thế trên không, bắt đầu với sự can thiệp vào mạng lưới radar và phòng không Ukraine.

Điều tương tự cũng xảy ra với các trung tâm kiểm soát không lưu của Ukraine. Việc hoàn thành giai đoạn đầu tiên được đánh dấu bằng việc Quân đội Nga tiếp tục sử dụng vũ khí chính xác cao nhằm vào các cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine, gây tê liệt năng lực chỉ huy cũng như hậu cần, kỹ thuật.

Bước tiếp theo sau khi giành được ưu thế trên không là đổ bộ lực lượng dù quy mô lớn với nhiệm vụ trọng tâm của chiến dịch là cách ly và bao vây các quân đoàn của Ukraine đóng tại Donbass. Theo dự đoán, đây là giai đoạn ác liệt nhất của cuộc chiến, hiệu quả của chiến dịch do Quân đội Nga tiến hành cũng như thương vong có được giảm thiểu hay không phụ thuộc phần lớn vào việc họ đã “phủ đầu” được Quân đội Ukraine hay chưa. Tuy nhiên theo đánh giá của tình báo phương Tây, hiệu quả giai đoạn “hỏa lực dọn bãi” của Nga khá hạn chế do lượng vũ khí với độ chính xác cao mà Moscow sở hữu không nhiều.

Các thành viên NATO là Estonia, Latvia, Litva và Ba Lan đã kích hoạt Điều 4 – ngay lập tức tiến hành tham vấn an ninh tập thể nhằm đưa ra phản ứng cứng rắn với Nga. Ngày 24/2, NATO ra thông báo triển khai “các lực lượng phòng thủ bổ sung trên bộ và trên không” tới khu vực phía đông của khối, và tăng mức độ sẵn sàng của tất cả các lực lượng của mình để “ứng phó mọi tình huống xảy ra”.

Mỹ và NATO vẫn giữ lập trường không gửi quân đội tới Ukraine. Thay vào đó, NATO tìm cách ngăn cuộc chiến lan sang các nước láng giềng như Ba Lan và vùng Baltic – Estonia, Latvia, Litva. Giới chức tình báo Mỹ dự báo Ukraine cũng sẽ chịu chung số phận của Gruzia trong “Cuộc chiến tranh 5 ngày” với Nga vào tháng 8/2008 (còn gọi là Chiến tranh Nam Ossetia 2008). Trong cuộc chiến đó, quân Nga cũng tiến tới thủ đô Tbilisi chỉ trong 5 ngày và dừng lại khi Gruzia đầu hàng.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới