Ngay từ khi Nga tuyên bố sẽ trừng phạt Ukraine nếu nước này ngả theo Mỹ và phương Tây, “phản bội lợi ích dân tộc”, đến khi chiến tranh nổ ra thực sự, Trung Quốc luôn giữ thái độ trung lập.
Có ba cách gọi tên cuộc chiến đang xảy ra trong một tuần qua. Nga gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt”; Mỹ và phương Tây nói huỵch toẹt đây là cuộc xâm lược, Nga đã “lấy thịt đè người”; ăn hiếp một dân tộc nhỏ bé hơn mình; Trung Quốc từ chối gọi hành động của Putin là “xâm lược”, nhưng đó là hành động gì thì họ nói rằng: chúng tôi vẫn đang theo dõi một cách “chăm chú” trước khi đưa ra bất cứ một quyết định nào.
Làm sao đây để nhanh chóng chấm dứt chiến tranh, yêu cầu binh lính Nga phải rút ra khỏi lãnh thổ Ukraine? Cuộc đàm phát giữa Nga và Ukraine tại Belarus hôm 28/1 cũng chỉ tập trung vào câu hỏi đó. Trung Quốc có cách trả lời trung tính: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và ngăn ngừa tình hình vượt quá khả năng kiểm soát” (Hoa Xuân Oánh – Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc).
Vượt quá khả năng kiểm soát là điều đã thấy trước. Thậm chí Tổng thống Nga Putin đã đe dọa dùng vũ khí hạt nhân. Trời ơi, đến lúc ấy một thảm họa như hồi tháng 8/1945 tại Nhật Bản sẽ lặp lại. Đây sẽ là tình hình quốc tế nguy hiểm nhất kể từ Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Chiến tranh thế giới thứ ba sẽ chỉ còn là thời gian. Là một cường quốc, Trung Quốc cần thấy rõ điều đó và tuyên bố mạnh mẽ hơn. Rằng chúng tôi không chấp nhận những hành động gieo rắc đau thương cho một dân tộc khác. Rằng chiến tranh là tội ác man rợ nhất của loài người trong lịch sử. Nga cần phải dừng lại khi chưa muộn!
Thay vì có sự trả lời, có hành động dứt khoát, Bắc Kinh đang chơi “trò chơi chờ đợi”. Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang chăm chú theo dõi cuộc chiến. Cuộc chiến này có thể tạo ra một tiền lệ rất nguy hiểm: dùng sức mạnh quân sự tiến công, đe dọa, ăn cướp một nước khác. Tạm gọi là “tiền lệ Pu tin” trong thế kỷ XXI.
Nếu như “tiền lệ Pu tin” thông đồng bén giọt, Liên hợp quốc bó tay, Mỹ và NATO khoanh tay đứng nhìn, chấp nhận việc Nga thôn tính Ukraine, thì có nghĩa rằng, Trung Quốc sẽ vững bước nối dài tiền lệ ấy. Trung Quốc sẽ tấn công Đài Loan bằng quân sự, phá vỡ sự ổn định và độc lập của hòn đảo này. Sẽ ung dung đánh chiếm các đảo ở Biển Đông. Sẽ ngang nhiên nổ súng trong khu vực “Đường lưỡi bò” mà họ tự vẽ ra dù đã bị Tòa trọng tài quốc tế quăng vào sọt rác.
Đây chính là chiến thuật đánh lấn trong thời hiện đại. Đánh lấn không phải để chiếm một cái lô cốt, một đoạn đường máu, một điểm chốt tiền tiêu, mà là đánh lấn trong không gian mạng, với vũ khí hạt nhân, và vũ khí công nghệ cao. Thật là nguy hiểm. Hậu quả của nó ngoài sức tưởng tượng của con người!
Chơi trò chơi chờ đợi nhưng Bắc Kinh tính toán như thần. Họ kích động ông lớn Mỹ. Nào các ngài phản ứng như thế nào với cuộc khủng hoảng Ukraine? Đây chính là một phép thử sự quyết tâm và sẵn sàng của Mỹ trong việc đưa quân tham gia vào cuộc chiến trên chiến tường Ukraine. Quả là Mỹ cũng đang lúng túng, ngoài mấy đòn trừng phạt kinh tế chỉ như phủi bụi trên tấm áo khoác dầy Nga.
Nhân đây xin liên hệ về tình hình Biển Đông. Một số nhà phân tích không tin rằng Bắc Kinh dịp này sẽ lo ngại và thay đổi các hành động trong khu vực này. Hiện Trung Quốc vẫn khôn khéo thực hiện chiến lược ngoại giao đồng chí, hữu nghị với Việt Nam. Từ năm 2019 đến nay không xảy ra vụ xung đột nào quá lớn giữa Việt Nam và Trung Quốc trên Biển Đông. Cả hai bên đều cố gắng duy trì không khí hòa bình tạm thời đó.
Mọi sự “hung hăng” của đối phương đều bị Bắc Kinh tìm cách hóa giải, có thể rõ nhất là trường hợp của Tổng thống Philippines Duterte. Nay thì ông “Du” đã sắp mãn nhiệm, chả hơi sức đâu đi đấu tranh về Biển Đông với Trung Quốc. Thế là Trung Nam Hải có quãng thời rảnh tay. Đối với các nước ASEAN thì Trung Quốc có tình kéo dài thời gian đàm phán COC đến… vô vọng.
Đang khi câu giờ, gặp ngay ông bạn thân Nga nóng gáy động binh!
Thế là Bắc Kinh nín thở theo dõi. Lặng im quan sát. Ăn nói nửa chừng.
Lạy trời cái tiền lệ nguy hiểm do Nga gây ra sẽ không bao giờ xảy ra!
H.Đ