Cuộc sống của người dân Nga đang bị ảnh hưởng sau khi phương Tây dồn dập áp lệnh trừng phạt đối với nước này vì chiến dịch quân sự tại Ukraine.
AP đưa tin, những người dân thường tại Nga đang bắt đầu gặp phải những khó khăn sau khi phương Tây áp hàng loạt lệnh trừng phạt lên nền kinh tế nước này, sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine từ ngày 24/2.
Giờ đây, người Nga đối mặt với áp lực khi họ không thể sử dụng các hệ thống thanh toán nhất định, cũng như khó khăn khi rút tiền mặt và không thể mua được nhiều loại hàng hóa.
“Apple Pay không còn hoạt động. Không thể dùng nó để thanh toán ở bất cứ đâu, tại trạm xe buýt hay quán café. Thêm vào đó, ở một siêu thị, họ đã bắt đầu giới hạn số lượng hàng hóa thiết yếu một người có thể mua”, một người dân Moscow có tên là Tatyana nói với hãng tin AP.
Apple tuyên bố dừng bán iPhone và các sản phẩm ở Nga, đồng thời hạn chế dịch vụ thanh toán Apple Pay nhằm phản đối chiến dịch quân sự của Moscow.
Hàng chục các công ty nước ngoài cũng thông báo rút khỏi thị trường Nga. Các hãng xe lớn dừng xuất khẩu phương tiện sang Nga. Các hãng máy bay Boeing và Airbus dừng phân phối linh kiện và dừng hợp tác với các hãng bay Nga. Các hãng phim Hollywood dừng phát hành sản phẩm mới tại Nga. Thể thao Nga bị áp dụng các biện pháp tẩy chay quy mô lớn. Trong một diễn biến mới nhất, mèo thuộc về người dân Nga cũng bị liên đoàn Mèo quốc tế (FIFe) áp lệnh trừng phạt.
Theo AP, các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp lên Nga có quy mô và mức độ nghiêm trọng chưa từng có. Phương Tây đã loại các ngân hàng lớn của Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, hạn chế xuất khẩu công nghệ cao tới Nga và tung các biện pháp hạn chế Nga sử dụng dự trữ ngoại tệ.
Áp lực từ lệnh trừng phạt
Những người dân Moscow và các thành phố khác đã chia sẻ về những tác động trực tiếp của các lệnh trừng phạt đối với cuộc sống thường ngày của họ. Họ gặp khó khăn khi muốn đổi đồng rúp ra ngoại tệ. Những ngày qua, trước các cây rút tiền ATM, hàng dài người xếp hàng chờ tới lượt đã trở thành hình ảnh quen thuộc. Ngoài ra, một số người không thể rút được tiền từ một số ngân hàng nhất định.
Giá cả thực phẩm bắt đầu tăng. “Toàn bộ chi phí nguyên liệu chính để làm món ăn đều tăng 30-40%”, Ilya Oktavin, người vận hành dịch vụ giao hàng tại một cửa hàng sushi, cho biết.
Một số hàng hóa nhất định cũng trở nên khan hiếm khi các công ty nước ngoài thông báo dừng bán tại Nga.
“Chúng ta đang đối mặt với giá cả tăng, các công ty sa thải bớt nhân viên, sự chậm trễ trong việc thanh toán trợ cấp và lương hưu, thiếu thốn thuốc men và thiết bị y tế”, một chính trị gia Nga cảnh báo.
Trong một nỗ lực nhằm trấn an công chúng, chính quyền Nga ngày 1/3 đã công bố một trang web có tựa đề: “Chúng tôi giải thích”, nhằm đề cập tới những lĩnh vực mà nước này đang phải chịu áp lực từ lệnh trừng phạt phương Tây.
Trên thực tế, người Nga cũng từng trải qua khủng hoảng kinh tế do lệnh trừng phạt của phương Tây vào thời điểm 2014-2015 khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Trong giai đoạn đó, giới chuyên gia đánh giá Nga đã áp dụng thành công hơn mong đợi chính sách “thay thế nhập khẩu” để giảm bớt sự phụ thuộc vào hàng hóa nước ngoài.
Tuy nhiên, với mức độ và quy mô tổng lực của lệnh trừng phạt lần này, Nga có thể sẽ phải đối mặt với những khó khăn nhất định, lớn hơn cách đây 8 năm trước. Nhiều chuyên gia cho rằng, các lệnh trừng phạt hiện tại sẽ là “phép thử” với “pháo đài tài chính” mà chính quyền Nga nỗ lực xây dựng trong gần 10 năm qua để hạn chế sự ảnh hưởng từ các động thái gây áp lực của phương Tây.
T.P