Một cuộc điều tra mới đây của hãng tin AP cho thấy gian lận phổ biến rộng rãi trong công cuộc chống hàng giả ở Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là tiền bỏ ra để đấu tranh với hàng giả thường không làm cho mọi việc tốt hơn, đôi khi lại khiến cho chúng tồi tệ hơn.
Công nhân tại một nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô giả ở tỉnh Chiết Giang Ảnh: AP
Công nghệ hàng giả đem về cho Trung Quốc nhiều tỉ USD. Trước tình trạng hàng giả tự tung tự tác trong nhiều thập kỷ, kéo theo đó là một ngành công nghiệp chống lại nó quá màu mỡ. Các tập đoàn đa quốc gia kinh doanh ở Trung Quốc đã ký hợp đồng phụ với các điều tra tư nhân nhằm phát hiện những mặt hàng bị làm giả.
Chính vì mờ mắt trước khoản tiền hoa hồng có được, các nhà điều tra tìm đủ cách để “moi” ra nhiều hàng giả nhất có thể và không ngại giả mạo các tài liệu, mở các cuộc điều tra chẳng bao giờ có, thông đồng với các nhà máy làm những món hàng giả và sau đó đưa chúng cho các ông chủ phương Tây để nhận tiền. Thậm chí, những người điều tra chính là kẻ sản xuất, bán ra thị trường những phiên bản giả mạo hàng hóa của khách hàng phương Tây thuê mướn họ. Theo hãng tin này, đa số trường hợp gian lận điều tra liên quan đến sản phẩm như phụ tùng ô tô, dược phẩm, sản phẩm chăm sóc cá nhân và linh kiện điện tử.
Hãng tin AP dẫn ví dụ về chuyện một trong những công ty hàng tiêu dùnglớn nhất thế giới đã thuê một thám tử để tìm kiếm dầu gội đầu trị gàu giả. Thay vì tìm hàng giả theo như thỏa thuận, điều tra viên Vương Vân Minh lại mở một nhà máy sản xuất dầu gội đầu giả. Mọi chuyện bị phanh phui sau một vụ đột kích của chính quyền TP Hợp Phì, tỉnh An Huy. Thế nhưng, điều đáng nói thêm ở đây là nhà máy nói trên là nhà máy thứ 4 do ông Vương mở.
Trước đây, Sở Công an TP Thượng Hải từng đưa ra cảnh báo các chủ sở hữu thương hiệu nước ngoài phải thận trọng với những nhà điều tra mà họ thuê. “Chúng tôi rất hy vọng các chủ sở hữu thương hiệu sẽ chú ý và dành nhiều nhân lực lẫn vật lực để bảo đảm cuộc chiến chống hàng giả lành mạnh và có trật tự” – Sở Công an TP Thượng Hải cho biết.