Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCác lệnh trừng phạt Nga thúc đẩy tham vọng tài chính toàn...

Các lệnh trừng phạt Nga thúc đẩy tham vọng tài chính toàn cầu của TQ?

Việc phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt Nga đã khiến kinh tế toàn cầu biến động và tạo cơ hội cho tham vọng của Trung Quốc luôn ấp ủ.

Đến nay, phương Tây vẫn không ngừng giáng đòn những trừng phạt mới vào hệ thống tài chính của Nga, khiến đồng rúp giảm hơn 30% chỉ trong chưa đầy 3 tháng đầu năm 2022 và ảnh hưởng đến nhiều đồng tiền khác ở Đông Âu.

Tuy nhiên, đồng tiền của Trung Quốc – đồng minh chiến lược và đối tác thương mại hàng đầu của Nga – hầu như không bị ảnh hưởng. Thậm chí đồng nhân dân tệ (CNY) còn chạm mức cao nhất trong 4 năm trở lại đây, 6,3014 CNY đổi được 1 USD.

Sự ổn định của nhân dân tệ trong cuộc khủng hoảng Ukraine đem lại hy vọng cho hơn 20 năm nỗ lực của Bắc Kinh nhằm toàn cầu hóa đồng tiền tệ của mình và thay đổi vị thế thống trị của đồng USD.

Nắm bắt cơ hội khi kinh tế thế giới biến động

Về mặt lý thuyết, việc tăng cường sử dụng đồng nhân dân tệ trên toàn cầu có thể giúp Trung Quốc lật lại điều mà nước này coi là sự thống trị của Mỹ và phương Tây trong lĩnh vực thanh toán và tài chính toàn cầu.

Trong những tháng gần đây, mục tiêu này có những tiến triển nhất định. Đồng nhân dân tệ đã vượt qua đồng yên của Nhật Bản, lần đầu tiên lên tới vị trí thứ tư trong bảng xếp hạng của hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Chỉ số toàn cầu hóa tiền tệ do Standard Chartered thống kê cũng cho thấy vị thế toàn cầu của nhân dân tệ tăng lên mức cao kỷ lục.

Nhưng tham vọng thực sự của Trung Quốc không dừng lại ở đó, nước này muốn thoát khỏi sự phụ thuộc vào các cơ sở hạ tầng tài chính do phương Tây kiểm soát như SWIFT. Vì vậy, Bắc Kinh đã dành nhiều năm để xây dựng hệ thống thanh toán quốc tế nội địa CIPS – hoạt động bằng đồng nhân dân tệ. Qua đó, các khoản thanh toán bằng đồng tiền này đã tăng khoảng 20% ​​lên 45,2 tỷ CNY (tương đương với 7,1 tỷ USD) vào năm 2020.

Hiện CIPS có khoảng 1.200 tổ chức thành viên tại 100 quốc gia – hệ thống này vẫn chưa thể mạnh như SWIFT với khoảng 11.000 thành viên. Tuy nhiên, sự phát triển của CIPS vẫn đáng kể nếu so với hệ thống thanh toán xuyên biên giới của Nga – với khoảng 330 tổ chức được đăng ký ở một số thị trường khiêm tốn hơn, bao gồm Cuba, Armenia, Kazakhstan và Iran. Khi các ngân hàng trung ương Nga bị châu Âu cấm tham gia SWIFT, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã đã đăng nội dung cho biết “các tổ chức tài chính Nga bị loại khỏi SWIFT có thể tham gia vào CIPS của Trung Quốc” do hệ thống thanh toán riêng của Nga còn nhiều hạn chế.

Trung Quốc cũng nhanh chóng nắm lấy cơ hội đẩy mạnh đồng tiền của mình khi các mạng lưới thanh toán Visa, Mastercard và American Express công bố kế hoạch tạm ngừng hoạt động tại Nga. Ngay sau đó, nhiều ngân hàng Trung Quốc nhanh chóng đưa ra phương án phát hành loại thẻ liên kết với cả 2 hệ thống thanh toán quốc tế Mir của Nga và UnionPay của Trung Quốc.

Benjamin Cohen, một học giả kỳ cựu về tiền tệ quốc tế, phân tích rằng: “Một khi Mỹ và các đồng minh sử dụng đồng USD như một vũ khí (nhằm vào kinh tế của Nga), thì điều đó sẽ càng khuyến khích Trung Quốc tận dụng lợi thế (về đồng tiền) của họ”.

Do đó, bối cảnh kinh tế trong cuộc xung đột Nga-Ukraine hiện nay là phù hợp với tham vọng lâu đời của Trung Quốc.

Ông Eswar Prasad, giáo sư kinh tế của đại học Cornell và cựu lãnh đạo bộ phận Trung Quốc của Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF, cho biết: “Các sự kiện trong thời gian qua sẽ tạo ra một cú thúc cho những quốc gia và thể chế muốn vượt qua hệ thống tài chính quốc tế dựa trên đồng USD”.

Xung đột Ukraine thúc đẩy tham vọng tài chính toàn cầu của Trung Quốc? - 2
Tỷ trọng của đồng USD trong thương mại Trung-Nga có xu hướng ngày càng giảm. (Ảnh: Reuters)

Trung Quốc đã đưa bao nhiêu nhân dân tệ vào Nga? 

Từ lâu, Trung Quốc và Nga luôn duy trì mối quan hệ hợp tác khăng khít. Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine, Trung Quốc đã dẫn đầu trong việc bỏ qua, thậm chí là trực tiếp chỉ trích các lệnh trừng phạt từ phương Tây nhằm vào Moskva. 

Nga là nhà cung cấp dầu và khí đốt tự nhiên quan trọng của Trung Quốc. Không chỉ vậy, Moskva và Bắc Kinh còn hợp tác trong việc loại bỏ đồng USD khỏi các thị trường thương mại của họ từ năm 2014. Vào thời điểm đó, ngân hàng trung ương của hai nước ký một thỏa thuận trao đổi tiền tệ để đối phó với các lệnh trừng phạt từ phương Tây nhằm vào hành động quân sự của Nga ở Crimea. Gần đây, thỏa thuận đã được gia hạn với giá trị lên tới 150 tỷ nhân dân tệ.

Theo ngân hàng trung ương Nga, tỷ trọng của đồng USD trong thương mại Trung-Nga lần đầu giảm xuống dưới mức 50% vào quý đầu tiên của năm 2020. Trong khi đó, tỷ trọng trong các hoạt động thương mại chung của đồng rúp và đồng nhân dân tệ tăng khoảng 1/4.

Xu hướng này vẫn đang không ngừng tăng lên: Thương mại Trung-Nga tăng hơn 1/3 lên gần 150 tỷ USD vào năm 2021, theo Hải quan Trung Quốc. Hồi tháng 2, hai nước đã cam kết nâng con số này lên 250 tỷ USD trong chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Bắc Kinh.  

Đồng nhân dân tệ cũng chiếm một phần lớn trong dự trữ ngoại hối của Nga. Báo cáo từ ngân hàng trung ương Nga trong tháng 1 cho thấy CNY chiếm tới 13% tổng dự trữ Nga, tương đương 73 tỷ USD.

Trung Quốc có thể hỗ trợ Nga tới mức nào?

Các nhà phân tích kinh tế cho rằng Trung Quốc có thể sử dụng hệ thống thanh toán bằng đồng nhân dân tệ của mình để tránh né các lệnh trừng phạt từ phương Tây nhằm loại Moskva khỏi nguồn tài chính toàn cầu.

Tommy Wu, chuyên gia kinh tế trưởng tại Oxford Economics, cho biết các ngân hàng lớn của Trung Quốc thường góp mặt trong hoạt động thương mại quốc tế chưa vội vàng hỗ trợ Nga. Bù lại, những ngân hàng nhỏ hơn không phụ thuộc vào nguồn tài chính phương Tây do đồng USD chi phối có thể cung cấp cho Moskva các dịch vụ giao dịch bằng đồng nhân dân tệ.

Tuy nhiên, ông Bruce Pang – trưởng bộ phận nghiên cứu chiến lược và vĩ mô tại hãng tư vấn China Renaissanc – cho rằng mối lo ngại về việc phương Tây có thể trả đũa Bắc Kinh vì giúp đỡ Nga sẽ khiến các tổ chức tài chính Trung Quốc tự hạn chế trong việc cung cấp thêm hỗ trợ cho Moskva.

Đó là lý do tại sao các tổ chức tài chính hàng đầu của Trung Quốc vẫn tuân thủ các lệnh trừng phạt trước đó của Mỹ đối với Iran và Nga”, ông Pang nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới