Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBan hành Luật Biển Việt Nam: Yêu cầu tất yếu của một...

Ban hành Luật Biển Việt Nam: Yêu cầu tất yếu của một quốc gia ven biển

BienDong.Net: Từ xa xưa ông cha ta đã rất quan tâm đến biển về phương diện khai thác hải sản, muối, giao thương và phòng thủ đất nước… Thế kỷ XVII-XVIII Việt Nam đã từng là một quốc gia biển hàng đầu ở Đông Nam châu Á. Thủy quân của Tây Sơn đã đánh tan quân xâm lược Xiêm ở Rạch Gầm-Xoài Mút… Chúa Nguyễn đã thành lập đội Hoàng Sa, đội Bắc Hải để quản lý, khai thác làm chủ thực sự hai quần đảo Hoàng Sa –Trường Sa…

Việt Nam đã có các cảng biển Hội An, Vân Đồn…nổi tiếng để giao thương với nước ngoài…Nhưng, do nhiều tác động nên luật pháp về biển của Việt Nam chưa theo kịp sự phát triển của luật pháp quốc tế về biển. Chỉ sau khi đất nước thống nhất, Việt Nam mới có luật biển thống nhất của mình.

Việt Nam và sự tham gia vào UNCLOS 1982

Năm 1977, CHXHCN Việt Nam tham dự Hội nghị lần thứ 3 của LHQ về Luật Biển; khi đó, Việt Nam là một trong 130 nước bỏ phiếu thông qua UNCLOS trong khi các nước Đông Âu và Liên Xô bỏ phiếu trắng; sau đó lại là một trong 119 nước đầu tiên ký kết Công ước vào tháng 12-1982.

UNCLOS được coi như một bản ” Hiến pháp đại dương” của nhân loại. Đó là văn kiện pháp lý quốc tế tổng hợp toàn diện, đề cập những vấn đề quan trọng nhất về chế độ pháp lý của biển và đại dương; quy định rõ các quyền lợi và nghĩa vụ trên biển quốc tế. Cũng như với Hiến chương LHQ, UNCLOS 1982 được coi là văn kiện pháp lý đa phương quan trọng nhất trong lịch sử Liên Hiệp Quốc. Ngày 10-12-1984, Tổng thư ký LHQ đã ra một tuyên bố đặc biệt về Công ước, trong đó đánh giá: ” Việc ủng hộ một Công ước có tính chất bách khoa như thế bằng một đa số áp đảo như vậy là chưa từng có… Thành quả này còn đáng chú ý hơn nữa nếu tính đến tính toàn diện, tầm cỡ rộng lớn và tính phức tạp của những vấn đề được đề cập đến trong các Công ước… Công ước này là một công cụ pháp lý đặc sắc có ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả các quốc gia lớn và nhỏ, có biển hay nằm sâu trong lục địa. Công ước sẽ có những hệ quả sâu xa đối với phạm vi quyền tài phán quốc gia của các nước đối với vùng biển nằm gần bờ của các quốc gia, đối với các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia trong các khu vực biển nằm ngoài giới hạn quyền tài phán quốc gia”.

Về phía Việt Nam, sau khi thông qua Công ước, Bộ Ngoại giao cũng đã đưa ra những nhận định, đánh giá; trong đó nhấn mạnh: Công ước bước đầu thực hiện được một trật tự pháp lý mới trên các biển và đại dương tương đối công bằng, góp phần bảo vệ tốt hơn trước về chủ quyền, an ninh các nước, đặc biệt về chủ quyền tài nguyên biển (các quy định về vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa), đồng thời ngăn cản các nước đế quốc tự do chiếm đoạt tài nguyên vùng biển quốc tế, đáy đại dương và tổ chức được tương đối thỏa đáng việc quản lý và khai thác tài nguyên “di sản chung của loài người” này. Bên cạnh đó, Công ước có nhiều quy định thực hiện sự hợp tác quốc tế nhiều mặt trên cơ sở bình đẳng chủ quyền và cùng có lợi giữa các quốc gia về các vùng biển khác nhau nhằm sử dụng biển và các tài nguyên biển vì lợi ích của hòa bình và an ninh quốc tế chung.

alt

Biển Việt Nam là tài sản, không gian sống cho sự trường tồn và phát triển của dân tộc ( Ảnh BienDong.Net)

Đối với nước ta, Công ước cung cấp nhiều điều khoản tạo thuận lợi; mở ra triển vọng đáp ứng những khả năng sử dụng biển về nhiều mặt phục vụ cho sự phát triển tương lai của đất nước. Với những mặt không phù hợp, VN đều có cách khắc phục để không gây trở ngại, ngăn cản nước VN tham gia Công ước. Cũng trong quá trình Hội nghị lần thứ 3 của LHQ về Luật Biển, nắm bắt được xu thế tiến bộ chung, ngày 12-5-1977, Chính phủ VN đã ra tuyên bố về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Đây là một trong số các tuyên bố sớm nhất theo tinh thần Công ước ở khu vực Đông Nam Á. Tiếp đó ngày 12-11-1982, Chính phủ VN lại ra tuyên bố về đường cơ sở ven bờ lục địa Việt Nam. Các tuyên bố của VN nói chung phù hợp với các quy định của Công ước. Từ hai bản tuyên bố lịch sử đó, hệ thống luật pháp biển về quyền và lợi ích, các hoạt động và đấu tranh của Nhà nước VN về mọi mặt liên quan đến biển đều lấy Công ước làm cơ sở. Kể từ khi UNCLOS 1982 chính thức có hiệu lực trong đời sống quốc tế (16-11-1994), thì Việt Nam là nước thứ 64 phê chuẩn Công ước; theo Nghị quyết phê chuẩn ngày 23-6-1994 của QH và Việt Nam đã nộp lưu chiểu LHQ sau đó 1 tháng (25-7-1994); trước ngày Công ước có hiệu lực. Cũng cần nói thêm, Trung Quốc phê chuẩn Công ước sau Việt Nam 2 năm; Mỹ đã ký nhưng chưa phê chuẩn Công ước này.

Từ UNCLOS 1982 đến Luật Biển Việt Nam

Trên cơ sở chấp hành Nghị quyết của QH phê chuẩn Công ước; từ đó đến nay, phía VN đã “nghiên cứu để có những sửa đổi bổ sung cần thiết đối với các quy định liên quan của pháp luật quốc gia cho phù hợp với UNCLOS 1982, đảm bảo lợi ích của Việt Nam”. Trên thực tế, muốn thực hiện được Công ước mà VN đã phê chuẩn, nhiệm vụ quan trọng nhất là nội luật hóa các điều khoản của Công ước để xây dựng hệ thống luật pháp về biển của VN.

alt

Luật Biển Việt Nam 2012 tiếp tục khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa- Trường Sa ( Ảnh BienDong.Net )

Cũng để thực hiện đúng Công ước và xuất phát từ yêu cầu cấp thiết bảo vệ, quản lý và khai thác hiệu quả các vùng biển, VN đã vận dụng một số quy định cơ bản của Công ước để xây dựng Luật Biên giới quốc gia năm 2003. Đặc biệt cần kể đến ở đây là việc vận dụng một cách toàn diện, có hệ thống, tương đối đầy đủ, phù hợp với các điều khoản của Công ước để xây dựng “Luật Biển Việt Nam”. Vì vậy, có thể nói, việc ban hành Luật Biển Việt Nam không nằm ngoài mục đích: Nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của VN phục vụ cho việc sử dụng, quản lý bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia trên các vùng biển đảo của Tổ quốc; phát triển kinh tế biển, tạo điều kiện cho quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước vì hòa bình ổn định trong khu vực và trên thế giới. Việc xây dựng và ban hành Luật Biển Việt Nam là nhu cầu tất yếu nhằm phục vụ công cuộc phát triển kinh tế của đất nước và cũng là cách để VN thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của một quốc gia thành viên của Công ước. Đây là một hoạt động lập pháp bình thường, là yêu cầu tất yếu của quốc gia ven biển, thành viên của Công ước. Và do đó, Luật Biển Việt Nam có ý nghĩa quan trọng về đối nội cũng như đối ngoại.

Có thể kể ra đây một số điểm “thành công” nổi bật của Luật Biển Việt Nam. Thứ nhất, Luật Biển Việt Nam 2012 tiếp tục khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa- Trường Sa trong điều 1 chương I và điều 19 chương II. Lập trường này được tiếp nối nhất quán quan điểm của Việt Nam đã được nêu rõ trong Nghị quyết QH phê chuẩn UNCLOS 1982 và Luật Biên giới quốc gia 2003. Trong điều 19 và 20 chương II của Luật qui định rõ về các đảo đá nhằm bảo vệ các vùng biển Viêt Nam. Tiếp đó, Luật Biển Việt Nam 2012 đã tiếp tục nhấn mạnh và có phần cụ thể hơn trong việc chính thức qui định nước VN có 5 vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia như: Nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Theo Luật biển Việt Nam: VN có vùng nội thủy tính từ bờ biển đến đường cơ sở; có vùng lãnh hải 12 hải lý tính từ đường cơ sở; vùng tiếp giáp lãnh hải 12 hải lý; vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý; thềm lục địa ít nhất rộng 200 hải lý và tối đa có thể tới 350 hải lý tính từ đường cơ sở ven bờ lục địa Việt Nam hoặc cách đường đẳng sâu 2500m một khoảng cách không quá 100 hải lý. Như vậy chủ quyền của Việt Nam được mở rộng từ đất liền ra đến vùng nội thủy và lãnh hải; có quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đến hết vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa rộng gấp mấy lần diện tích Việt Nam lục địa. Trong đó, Luật cũng qui định chi tiết về các hoạt động trong vùng biển Việt Nam; qui định rõ những hành vi mà tàu thuyền nước ngoài không được làm khi đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam. Không chỉ có vậy, Luật cũng qui định vấn đề tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, giữ gìn bảo vệ tài nguyên và môi trường biển;về hợp tác nghiên cưú khoa học biển…

Đặc biệt, đáng chú ý là trong Luật Biển Việt Nam 2012 đã dành hẳn chương IV để qui định về phát triển kinh tế biển. Đây là phần mà UNCLOS 1982 không có. Cũng tại chương này, Luật đã qui định việc qui hoạch, xây dựng và phát triển kinh tế biển đảo. Theo đó, Nhà nước ưu tiên, ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân hoạt động kinh tế biển đảo trên nguyên tắc gắn với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền quốc gia, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn trên biển. Khi đề cập đến các nguyên tắc quản lý và bảo vệ biển, trong điều 4 chương I, Luật Biển VN đã nói rõ: Việt Nam luôn nhất quán trong việc “giải quyết các tranh chấp liên quan đến biển đảo với các nước khác bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với UNCLOS 1982, luật pháp và thực tiễn quốc tế”- điều này cũng thể hiện rất rõ tính nhất quán đó.

Điều cần thiết nhất hiện nay có lẽ là phổ biến sâu rộng cho công dân Việt Nam hiểu và nắm vững Luật Biển của VN. Bên cạnh đó, nên chăng, Nhà nước cần dành những khoản đầu tư thích đáng cho việc bảo vệ, giữ gìn, khai thác có hiệu quả biển đảo đất nước. Bởi, quyền lợi biển mang lại thật to lớn nhưng cũng đặt ra cho Việt Nam nhiều thách thức; trong đó có thách thức bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo và các lợi ích quốc gia trên biển, giải quyết hòa bình các tranh chấp. Dân tộc Việt Nam đang cùng nhân loại bước vào “Thời đại biển”. Biển Việt Nam là tài sản, không gian sống vô giá cho sự trường tồn và phát triển của dân tộc. Việc Nhà nước ta ban hành Luật Biển Việt Nam là một hướng đi đúng đắn và đã gửi đi một thông điệp quan trọng cho cộng đồng quốc tế: Việt Nam là thành viên có trách nhiệm, luôn tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế mà Việt Nam là thành viên; trong đó có UNCLOS 1982.

Tiến sỹ Hoàng Trọng Lập

RELATED ARTICLES

Tin mới