Monday, November 25, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiCông bố hàng loạt vi phạm điện mặt trời tại nhiều công...

Công bố hàng loạt vi phạm điện mặt trời tại nhiều công ty điện

Bộ Công Thương vừa có kết luận về việc rà soát các vấn đề liên quan đến phát triển điện mặt trời mái nhà, qua đó vạch ra một loạt vi phạm tại các công ty điện.

Theo Bộ Công Thương, việc phát triển điện mặt trời trong thời gian qua còn tồn tại một số bất cập. Phần lớn nhà đầu tư trong lĩnh vực điện mặt trời mái nhà mới được thành lập hoặc các doanh nghiệp tư nhân, chưa có nhiều kinh nghiệm về đầu tư.

Do đó, trong quá trình chuẩn bị, triển khai đầu tư xây dựng, nghiệm thu, đưa vào sử dụng, một số chủ đầu tư chưa thực hiện tốt các quy định về xây dựng, phòng cháy chữa cháy, đất đai, môi trường… mà chủ yếu tập trung và quan tâm đến việc đấu nối ngành điện lực, hoàn thành lắp đặt thiết bị điện và xác nhận ngày vận hành.

Đoàn đã kiểm tra tại một số công ty điện lực thuộc các tổng công ty điện lực và phát hiện hàng loạt vi phạm.

Nhiều công ty điện lực ở miền Nam vi phạm

Cụ thể, tại Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai, vi phạm là thời gian thực hiện thỏa thuận đấu nối điện mặt trời mái nhà vượt quá thời hạn quy định đối với 2 khách hàng; ký hợp đồng mua bán điện có công suất vượt quá công suất trong thỏa thuận đấu nối, trái với quy định. Việc này xảy ra tại hệ thống điện mặt trời mái nhà Cao Capital, Xuân Phú Đông, Công ty TNHH Quang Trung.

Còn Công ty Điện lực Bình Dương thỏa thuận đấu nối vượt quá công suất theo đề nghị của khách hàng, ký hợp đồng mua bán điện có công suất vượt quá công suất trong thỏa thuận đấu nối, không đúng với công suất trong đơn đề nghị bán điện, sai lệch với biên bản nghiệm thu. Việc này xảy ra tại hệ thống điện mặt trời mái nhà tại Công ty TNHH Thái Cát năng lượng xanh, Công ty TNHH Đầu tư năng lượng Hậu Giang, Công ty TNHH Thương mại sản xuất Hoàng Kim Phát, Công ty Cổ phần Mai Sơn Lâm.

Tại Công ty Điện lực Bình Phước, đoàn kiểm tra cũng phát hiện vi phạm tương tự. Còn Công ty Điện lực Ninh Thuận vi phạm thời gian thực hiện thỏa thuận đấu nối điện mặt trời mái nhà khi vượt quá thời hạn quy định. Việc này xảy ra tại các hệ thống điện mặt trời mái nhà của Công ty Cổ phần Phát triển Zeus, Công ty TNHH Năng lượng Hoàng Quân, Công ty TNHH Thảo Nguyên Farm…

Công ty này cũng để xảy ra vi phạm khi thỏa thuận, chấp thuận đấu nối hệ thống điện mặt trời mái nhà gây quá tải hệ thống điện là trái quy định của Thủ tướng Chính phủ. Việc này xảy ra tại các trạm biến áp 110/22 kV Ninh Sơn, Tháp Chàm, Ninh Hải, Ninh Thuận 1, Ninh Phước, dẫn đến làm tăng công suất truyền tải lên đường dây 110 kV cấp cho các trạm biến áp này.

Công ty Điện lực Bình Thuận cũng bị chỉ ra vi phạm khi thực hiện trình tự phát triển điện mặt trời mái nhà trái với quy định tại hệ thống điện mặt trời mái nhà của Công ty Cổ phần Đầu tư Năng lượng tái tạo Bình An, Công ty Công nghệ xanh Toàn Cầu; nghiệm thu, ký hợp đồng mua bán điện có công suất vượt quá công suất trong văn bản chấp thuận đấu nối, trái với quy định, xảy ra tại hệ thống điện mặt trời mái nhà của Công ty TNHH Hàm Tân Solar farm.

Chưa quá tải nhưng thông báo quá tải

Các công ty điện lực thuộc Tổng Công ty Điện lực miền Trung cũng bị vạch ra nhiều vi phạm.

Cụ thể, tại Công ty Điện lực Gia Lai, đoàn kiểm tra chỉ ra thời gian thực hiện thỏa thuận đấu nối điện mặt trời mái nhà vượt quá thời hạn quy định. Việc này xảy ra tại các hệ thống điện mặt trời mái nhà của Công ty PV Venus, Công ty PV ENERGRY, Công ty TNHH MTV Tiến Minh Gia Lai, Công ty TNHH Năng lượng Thăng Bình, Công ty TNHH Đầu tư và thương mại LTH Việt Nam.

Trình tự thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà trái với quy định xảy ra tại hệ thống điện mặt trời mái nhà của Công ty TNHH MTV Tiến Minh Gia Lai, Công ty TNHH Năng lượng Thăng Bình, Công ty TNHH Đầu tư và thương mại LTH Việt Nam, Công ty TNHH Công nghệ xanh Bắc Nguyên, Công ty TNHH Công nghệ xanh Cao Nguyên, Công ty TNHH MTV Cộng Hòa Gia Lai, Công ty TNHH Xây dựng thương mại Xuân Mai Gia Lai, Công ty TNHH MTV Năng lượng xanh Vĩnh Sơn.

Công ty này cũng chốt chỉ số công tơ, đưa vào vận hành nhưng không có sản lượng phát điện trong năm 2020 và ký hợp đồng mua bán điện trái với quy định của Thủ tướng Chính phủ. Việc này xảy ra tại hệ thống điện mặt trời mái nhà của Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Phú Cường, Công ty Cổ phần PV Energy, Công ty TNHH MTV Đại Thắng, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Phú Lợi Lộc.

Công ty Điện lực Đắk Nông bị phát hiện thời gian giải quyết cho khách hàng trong việc thỏa thuận đấu nối, ký hợp đồng mua bán điện mặt trời mái nhà vượt quá thời hạn quy định của Bộ Công Thương; chấp thuận đấu nối, đưa vào vận hành, ký hợp đồng mua bán điện trong khi đã xác định tình trạng quá tải lưới điện và yêu cầu khách hàng cam kết cắt giảm công suất khi lưới điện quá tải là trái quy định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương.

Còn tại Công ty Điện lực Đắk Lắk, ngoài việc nghiệm thu, ký hợp đồng mua bán điện có công suất vượt quá công suất trong văn bản chấp thuận đấu nối, trái với quy định; còn thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà không đúng với hiện trạng lưới điện, thiếu minh bạch.

Cụ thể, lưới điện chưa quá tải nhưng thông báo trên website là trạm/đường dây không giải tỏa được công suất; thông báo trên website đường dây/trạm biến áp không còn giải tỏa được công suất nhưng sau đó chấp thuận đấu nối nhiều khách hàng đấu nối vào lưới điện trung áp đã công bố quá tải trước đó. Điều này đã vi phạm quy định của Luật Điện lực năm 2004.

Đoàn kiểm tra đề nghị Tổng Công ty Điện lực TPHCM rà soát tất cả việc thỏa thuận đấu nối, ký kết hợp đồng, phụ lục hợp đồng, áp dụng giá mua/bán điện các hệ thống điện mặt trời mái nhà theo đúng quy định của pháp luật.

Trên cơ sở kết luận, đoàn kiểm tra yêu cầu các công ty điện lực chịu trách nhiệm cho những vi phạm của mình. Đồng thời, Bộ Công Thương đã yêu cầu EVN chủ trì xử lý các hệ thống điện mặt trời mái nhà, các tổ chức và cá nhân có liên quan đã vi phạm các quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà.

RELATED ARTICLES

Tin mới