“Những điểm nhấn đặc biệt của lễ khai mạc SEA Games 31 là hình tượng tranh Đông Hồ, hoa sen, cây tre. Khán giả sẽ được thưởng thức bữa tiệc nghệ thuật hết sức hoành tráng”, nghệ sĩ Trần Ly Ly chia sẻ.
Mỗi nước cử 31 thành viên diễu hành
Lễ khai mạc SEA Games 31 sẽ diễn ra trong 120 phút, từ 20 giờ ngày 12.5.2022 tại sân Mỹ Đình và Ban tổ chức đại hội đã tín nhiệm giao cho NSƯT Trần Ly Ly, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ VH-TT-DL, làm tổng đạo diễn. Nội dung kịch bản chương trình đã được thiết kế khá công phu mà theo tiết lộ của nghệ sĩ Trần Ly Ly: “Nét văn hóa của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ được lồng ghép để tô đậm thêm nét văn hóa đặc sắc của cả khu vực. Ý nghĩa cao cả nhất của lễ khai mạc chính là thông qua các màn biểu diễn nghệ thuật, nước chủ nhà muốn truyền tải thông điệp cùng chung cội nguồn Đông Nam Á, 11 quốc gia khu vực chung tay vượt qua đại dịch”.
Với chủ đề chính Chào đón Đông Nam Á, lễ khai mạc được chia thành 3 phần gồm Việt Nam thân thiện, Đông Nam Á mạnh mẽ và Đông Nam Á tỏa sáng, với sự thể hiện của khoảng 2.800 người (2.000 diễn viên, 800 VĐV). Khác với SEA Games 22 năm 2003, lễ khai mạc SEA Games 31 không tách biệt thành 2 phần lễ và hội mà được kết hợp, hòa quyện thành một màn tổng thể nhưng vẫn đảm bảo được kết cấu chính của đêm khai mạc một đại hội lớn. Mở đầu chương trình sẽ là lễ thượng cờ Việt Nam, kế tiếp là màn biểu diễn nghệ thuật, lễ diễu hành của các nước (do dịch bệnh Covid-19 nên mỗi đoàn sẽ cử ra 31 đại diện, tượng trưng cho lần thứ 31 của đại hội khu vực), lễ thượng cờ Đông Nam Á và SEA Games (12 VĐV và cựu VĐV Việt Nam xuất sắc nhất qua các thời kỳ sẽ vinh dự được chọn cầm cờ), tiếp đến là các màn nghệ thuật với nhiều nội dung phong phú khác nhau. Đoàn thể thao Việt Nam sẽ chọn thêm 8 VĐV giỏi tiến hành rước đuốc và 1 VĐV đặc biệt xuất sắc được đọc lời tuyên thệ. Màn châm đuốc đại hội hứa hẹn sẽ vô cùng hấp dẫn nhờ hiệu ứng của ánh sáng.
Sử dụng công nghệ hiện đại tạo hiệu ứng tối đa
Cũng theo chia sẻ của tổng đạo diễn Trần Ly Ly, những công nghệ hiện đại sẽ được áp dụng, nhằm tạo hiệu ứng tối đa cho sự kiện và giúp khán giả được thưởng thức những hình ảnh đặc biệt ấn tượng. Lần đầu tiên tranh Đông Hồ, nét văn hóa riêng biệt của Việt Nam, sẽ được thể hiện bằng ánh sáng, chiếu trên mặt sân Mỹ Đình, tạo nên một khung cảnh rực rỡ. Những nét văn hóa đặc sắc của mỗi nước Đông Nam Á sẽ được “vẽ” bằng ánh sáng theo phong cách tranh Đông Hồ. 40 môn thi đấu của SEA Games 31 được thể hiện qua hình ảnh linh vật Sao la, cũng được “vẽ” bằng ánh sáng. Trên nền rộng của sân Mỹ Đình, toàn bộ bức tranh sẽ làm không gian lung linh, đầy màu sắc, cuốn hút người xem bằng ánh sáng và âm thanh sôi động.
Tổng đạo diễn chương trình cũng “bật mí” thêm về 2 diễn viên múa được chọn biểu diễn solo trên nền bức tranh Đông Hồ, gồm nghệ sĩ nam Nguyễn Đức Hiếu, tài năng múa Việt Nam và nghệ sĩ nữ Đặng Linh Nga – chị họ của thủ môn tuyển Việt Nam Đặng Văn Lâm. Linh Nga sẽ biểu diễn tiết mục lấy cảm hứng từ hoa sen, loài hoa phần nào tượng trưng cho con người và đất nước Việt Nam trong sáng, bao dung. Sen sẽ được tạo hình với 11 cánh, tượng trưng cho 11 quốc gia Đông Nam Á.
Lễ khai mạc và bế mạc SEA Games 31 do TP.Hà Nội chủ trì và thực hiện. Được biết kinh phí vào khoảng 50 tỉ đồng. Lễ bế mạc tổ chức tại Cung điền kinh trong nhà (Hà Nội) vào tối 23.5, với chủ đề Hội tụ để tỏa sáng cũng do nghệ sĩ Trần Ly Ly đạo diễn.
Ngành quên xin cấp vốn, địa phương đứng ra lo thay
SEA Games 31 tổ chức chính tại Hà Nội và 11 tỉnh vệ tinh; kinh phí nâng cấp các công trình tại 12 địa phương này sẽ lấy từ ngân sách địa phương. Còn ngân sách nhà nước sẽ chi 2 khoản, gồm khoản dành cho công tác tổ chức (do Bộ Tài chính cấp vốn) và khoản chi để nâng cấp 5 công trình thể thao do Bộ VH-TT-DL quản lý (Bộ KH-ĐT cấp vốn). Tính đến hết tháng 3.2022, 3/5 công trình đã hoàn thiện 90%, gồm trường bắn tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội, Nhà thi đấu Trường ĐH TDTT Bắc Ninh, sân Mỹ Đình. Chỉ riêng Cung thể thao dưới nước tiến độ đang bị chậm. Cũng thuộc công trình do ngành thể thao quản lý, đường đua xe đạp địa hình tại Hòa Bình với tổng vốn đầu tư cải tạo 20 tỉ đồng, theo đề án ban đầu, kinh phí sẽ do địa phương chi trả 9 tỉ đồng, còn 11 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình làm hồ sơ xin cấp kinh phí, Ban tổ chức đại hội đã quên không viết rõ khoản chi 11 tỉ thuộc nhà nước nên Bộ Tài chính không phê duyệt. Cuối cùng, tỉnh Hòa Bình cũng đã sẵn sàng đứng ra nhận chi toàn bộ khoản 20 tỉ này. Hiện địa phương và đối tác đã hoàn thiện cung đường dành cho nội dung băng đồng (5,3 km) và nội dung đổ đèo (2,1 km).
T.P