Tuesday, November 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaThượng Hải thiếu thốn khi phong tỏa, dân Trung Quốc lo tích...

Thượng Hải thiếu thốn khi phong tỏa, dân Trung Quốc lo tích trữ thực phẩm

Tích trữ đã trở thành từ khóa “hot” trên mạng xã hội Trung Quốc khi tin tức lan truyền về sự thiếu thốn thực phẩm của người dân Thượng Hải trong thời gian bị phong tỏa.

Trung Quốc thúc giục các gia đình tích trữ nhu yếu phẩm.

Trong tuần qua, nhiều hướng dẫn về cách sống sót đã được các hãng truyền thông và blogger ở Trung Quốc đăng tải. Trong đó, website y tế nổi tiếng ở nước này là Doctor Clove đã đăng tải một danh sách những vật dụng cần thiết nếu bị cách ly đột ngột và những lời khuyên về cách bảo quản thực phẩm trong thời gian dài.

Hôm qua (10/4), trên nền tảng mạng xã hội weibo, một chủ đề có tên “Tôi nên chuẩn bị những gì trong trường hợp bất ngờ nhận được thông báo cách ly” đã thu hút hơn 41 triệu lượt xem với 14.000 bình luận.

Một bài đăng phổ biến khác đang lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc là khuyến cáo các hộ gia đình tích trữ nhu yếu phẩm như gạo, dầu ăn, nước uống, sản phẩm vệ sinh phụ nữ và giấy vệ sinh.

Một blogger thậm chí còn thành lập một group sinh tồn và bán các khóa học về cách sống sót trong các thảm họa với giá 299 nhân dân tệ (tương đương 47 USD).

Mối lo lắng này được thúc đẩy bởi những báo cáo về tình trạng thiếu thực phẩm ở Thượng Hải, nơi gần 25 triệu dân đang bị phong tỏa từ một tuần trở lên.

Các cư dân cho biết các kênh đặt hàng tạp hóa trực tuyến hầu hết đã hết hàng và việc phân phối thực phẩm từ các khu vực lân cận dường như bị chắp vá ở một số nơi. Tình trạng thiếu thốn hàng hóa đến mức, theo một số cư dân, họ bắt đầu phải lấy hàng đổi hàng, ví như lấy cam đổi muối.

Thượng Hải đã ghi nhận 1.006 trường hợp có triệu chứng, 23.937 trường hợp không có triệu chứng và cho biết tình trạng đóng cửa hiện tại sẽ kéo dài vô thời hạn cho đến khi tình hình dịu đi. Trên khắp Trung Quốc cũng ghi nhận 1.318 trường hợp có triệu chứng và 25.037 trường hợp không có triệu chứng.

Helena Zhang, sống tại Bắc Kinh, cho biết cô đã mua gần 20 kg cà chua, khoai tây, đậu, xoài trong tuần qua song vẫn lo không đủ và đang có kế hoạch mua thêm gạo, bột mì và các nhu yếu phẩm khác.

Cô cho biết một số người bạn đã khuyên cô không cần tích trữ thực phẩm và tin rằng chính phủ sẽ cung ứng đủ hàng hóa cho các siêu thị song tình cảnh ở Thượng Hải khiến cô nghi ngờ điều đó.

Lo ngại của Zhang một phần xuất phát từ tình hình hỗn loạn ở Thượng Hải, một phần từ những kinh nghiệm mà cô đã trải qua trong giai đoạn đầu của đại dịch.

Zhang cho biết thời kỳ đó tình trạng thiếu hụt rau xanh trở nên phổ biến hơn và gia đình cô đã phải dự trữ bắp cải dưới tầng hầm. Những người không kịp mua đã phải phụ thuộc vào nhân viên cộng đồng. “Tốt hơn hết nên dựa vào chính mình”, cô nói.

Ở miền nam Trung Quốc, nơi ít có văn hóa dự trữ thức ăn, cũng cho thấy tình trạng đổ xô đi mua thực phẩm tích trữ.

Một phụ nữ ở Quảng Châu, thủ phủ của tỉnh Quảng Đông, cho biết khi cô tới siêu thị vào sáng chủ nhật hàng hóa đã hết nhẵn và rất nhiều túi đồ ăn được mọi người đặt trực tuyến đang chờ để chuyển đi.

Hôm qua, Quảng Châu đã ghi nhận 10 trường hợp bị nhiễm Covid-19 và 1 trường hợp không có triệu chứng. Trước đó, thành phố đã thông báo sẽ xét nghiệm hàng loạt trên toàn thành phố trong vòng một ngày để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh ra cộng đồng.

Hiện tại, người dân Trung Quốc vẫn đang chờ đợi sự bùng phát của chủng Omicron và các biện pháp kiểm soát chặt chẽ của nước nay. Và những gì mà họ có thể làm lúc này là chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất xảy ra.

“Khi tôi dự trữ thực phẩm, tôi cũng xem xét thời tiết. Khoai tây có thể giữ trong một thời gian dài với thời tiết ở Bắc Kinh, cà rốt cũng vậy. Kể cả tình hình trở nên tồi tệ nhất, tôi vẫn còn vô số bột mì, tôi có thể làm bánh và ăn chúng với đậu phụ chua”, Zhang nói.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới