Tuesday, November 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiĐồng Rúp đã trở lại và điều đó có nghĩa là gì?

Đồng Rúp đã trở lại và điều đó có nghĩa là gì?

Ngày 26/03, Tổng thống Biden đã khoe trên Twitter rằng “do kết quả của các lệnh trừng phạt chưa từng có của chúng ta, đồng rúp (ruble) đã gần như ngay lập tức biến thành đống đổ nát (rubble)”. Đó là một dòng tweet đăng không đúng lúc. Đồng tiền của Nga đúng là đã sụt giảm vào tháng 2, sau khi các lệnh trừng phạt được áp đặt, nhưng vào thời điểm Biden mừng vui, nó đã lấy lại vị thế đã mất. Đồng rúp hiện trị giá khoảng 1,2 xu Mỹ, thấp hơn mức 1,3 xu trước chiến tranh, nhưng cao hơn nhiều so với mức thấp nhất từ khi chiến sự nổ ra, dưới 0,8 xu.

Việc đồng rúp tăng giá 50% từ mức thấp nhất cho chúng ta biết điều gì? Liệu có phải là nền kinh tế Nga đang chống chọi tốt hơn dự kiến, và các lệnh trừng phạt vẫn chưa có tác dụng? Đó sẽ là một tin xấu, bởi vì nó cho thấy rằng Nga vẫn còn nhiều nguồn lực để tiếp tục xâm lược Ukraine. “Sức mạnh của đồng rúp đang củng cố lập luận của những người nghĩ rằng chúng ta cần có những bước tiến lớn hơn trên mặt trận năng lượng,” khiến cho công việc bán dầu và khí đốt của Nga trở nên khó khăn hơn, Rachel Ziemba, một thành viên cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới, nói với Politico. “Điều đó chắc chắn làm tăng áp lực chính trị.”

Thực tế thì tình hình tài chính của Nga trong ngắn hạn mạnh hơn nhiều người nghĩ, nhưng vẫn yếu trong dài hạn. Một số hành động mà Nga thực hiện để nâng đỡ đồng rúp đang đưa hệ thống tài chính của nước này trở lại như thời Liên Xô, vốn đã sụp đổ vào năm 1991.

Trong vài thập niên qua, khi mà đồng rúp được giao dịch một cách tự do và dễ dàng trên khắp thế giới, giá trị của nó đã được xác định bởi cung và cầu. Khả năng chuyển đổi này đã giúp các nhà đầu tư phương Tây tự tin đầu tư vào Nga, và hợp tác kinh doanh với các công ty Nga. Nhưng thời đại đó đã qua, chí ít là trong lúc này. Để nâng đỡ giá trị của đồng rúp, chính phủ Nga đã tạm thời đóng cửa thị trường tự do về ngoại hối.

“Đồng rúp không thể chuyển đổi được nữa,” Sergey Aleksashenko, người từng là Thứ trưởng Tài chính và sau đó là Phó Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Nga vào thập niên 1990, nói với tôi. “Giờ giống như hồi năm 1993 hoặc 1994.”

Một lý do khiến các chuyên gia tiền tệ trở nên bi quan với đồng rúp trong thời gian đầu chiến tranh là do dự trữ ngoại tệ của Nga ở nước ngoài đã bị phong tỏa. Thông thường, Nga sẽ dùng số tiền dự trữ đó để mua đồng rúp khi đồng tiền này yếu đi. Nhưng vì không thể tiếp cận những khoản dự trữ đó được nữa, nên có vẻ như Ngân hàng Trung ương Nga đã trở nên vô dụng.

Tuy nhiên, Nga không nhất thiết phải ngay lập tức cần tiếp cận nguồn dự trữ ngoại hối đó, vì ít nhất, ở thời điểm hiện tại, nước này không thiếu đô la, euro, và các ngoại tệ khác. Nga vẫn đang tiếp tục xuất khẩu dầu và khí đốt với khối lượng lớn, và việc giá dầu tăng vọt do chiến tranh chỉ giúp tăng doanh thu của họ. Ngày 01/04, các nhà kinh tế của Bloomberg đưa ra dự đoán: thu nhập từ xuất khẩu năng lượng của Nga sẽ tăng hơn một phần ba trong năm 2022.

Trong khi Nga thu được nhiều ngoại tệ mạnh hơn thì lại có ít ngoại tệ chảy ra. Các quốc gia phương Tây đang trừng phạt Nga vì cuộc xâm lược Ukraine bằng cách ngừng bán cho Nga nhiều sản phẩm, cả hàng tiêu dùng lẫn hàng công nghiệp. Và các nhà chức trách Nga đang thắt chặt kiểm soát các mặt hàng nhập khẩu vốn có thể làm cạn kiệt ngoại hối. Kết quả là tài khoản vãng lai của Nga – thước đo rộng nhất về thương mại hàng hóa và dịch vụ cộng với thu nhập đầu tư – đang đạt mức thặng dư kỷ lục trong năm nay, theo Viện Tài chính Quốc tế.

Dù Nga có rất nhiều ngoại hối vào thời điểm hiện tại, nhưng các nhà chức trách vẫn đang tăng cường kiểm soát, phòng khi mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Các công dân bình thường không còn có thể mang euro và đô la ra khỏi đất nước với số lượng lớn. Ngân hàng Trung ương đang yêu cầu 80% euro, đô la, và các loại ngoại tệ mạnh khác đưa vào Nga phải được chuyển đổi thành đồng rúp, hoặc trên sàn giao dịch Moscow, hoặc thông qua một ngân hàng được ủy nhiệm. Sau đó, Ngân hàng Trung ương sẽ chuyển các ngoại tệ mạnh đó đến Bộ Tài chính và các ngân hàng tư nhân, những cơ quan sử dụng chúng để trả nợ nước ngoài, và cho các công ty mà ngân hàng cho phép nhập khẩu sản phẩm.

Điện Kremlin cũng yêu cầu các quốc gia không thân thiện thanh toán tiền mua khí đốt tự nhiên (không phải dầu) bằng đồng rúp. Họ có thể thanh toán bằng euro, đô la, hoặc bất kỳ loại tiền nào khác được quy định trong hợp đồng, nhưng 100% số tiền đó sẽ được Gazprombank (ngân hàng phục vụ Gazprom, một trong những nhà sản xuất khí đốt lớn nhất thế giới) quy đổi thành đồng rúp theo tỷ giá hối đoái chính thức để hoàn tất giao dịch. “Đánh giá về chính sách này đã thay đổi cách nhìn của nhiều nhà giao dịch về đồng rúp,” Charles Lichfield, Phó Giám đốc Trung tâm Địa kinh tế của Hội đồng Đại Tây Dương, nói với tôi.

Đức và Ý, hai quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi yêu cầu này, đã và đang chống lại yêu cầu của Nga, cho rằng đó là hành vi vi phạm hợp đồng. Jane Foley, một chiến lược gia tiền tệ ở London, đang làm việc cho Rabobank của Hà Lan, cho biết: “Hiện tại, thực sự hai bên đang đối diện với một tình thế lưỡng nan”.

Việc nâng đỡ giá trị đồng rúp, và chứng minh nhận xét về đồng rúp của Biden là sai, “là một tín hiệu tuyên truyền rất quan trọng”, Sergei Guriev, giáo sư kinh tế tại trường Khoa học Chính trị Paris, người điều hành Trường Kinh tế Mới ở Moscow từ năm 2004 đến 2013, nói với tôi.

Việc Nga kiên quyết tiến hành các giao dịch dầu khí bằng đồng rúp thay vì đô la cũng có giá trị về mặt chính trị đối với Vladimir Putin. “Putin đang nói: ‘Tôi muốn áp đặt các quy tắc của riêng mình. Tôi không phải là một người tuân theo quy tắc. Tôi là người đặt ra quy tắc. Tôi muốn anh phải thanh toán bằng đồng rúp,” Aleksashenko nói.

Tuy nhiên, việc tạm dừng khả năng chuyển đổi của đồng rúp không thể cách ly Nga khỏi các lực lượng của thị trường mãi mãi. Các biện pháp trừng phạt hiện đang đẩy tỷ lệ lạm phát lên cao, và sẽ ngày càng gây thiếu hụt các thành phần quan trọng cho sản xuất, Aleksashenko nói. Đồng tiền này sẽ chịu áp lực mới khi Nga phải thanh toán những khoản nợ lớn bằng ngoại tệ, Foley nói. Đồng rúp cũng sẽ đối mặt với áp lực giảm giá nếu Nga cho phép những công ty nước ngoài đang rút khỏi nước này bán tài sản và tiền mặt, bà nói.

Tiếp đến sẽ là chảy máu chất xám. “Tất cả những người tôi biết đều đang cố gắng tháo chạy khỏi Nga”, Guriev tiết lộ vào tháng 3, trong một hội thảo qua video của trường Princeton. Lichfield nói với tôi: “Triển vọng kinh tế của Nga vẫn còn rất u ám. Việc tái áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn đang có những tác động tiêu cực đến tương lai của Nga.”

Tóm lại: Nga đang phải trả giá đắt cho cuộc xâm lược Ukraine, bất kể giá trị của đồng rúp có là bao nhiêu.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới