Saturday, November 23, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiKhông chủ quan nhưng cũng đừng phức tạp hóa hậu Covid-19

Không chủ quan nhưng cũng đừng phức tạp hóa hậu Covid-19

Người bị di chứng hậu Covid-19 cần ăn đủ chất, ăn nhiều thực phẩm có chứa vitamin, ăn nhiều hoa quả, tăng cường vận động. Cùng với đó, cần có một chế độ sinh hoạt và tập luyện phù hợp để cơ thể hồi phục toàn diện.

Theo nghiên cứu, hậu Covid-19 có thể làm cho sức khoẻ người bệnh bị suy giảm kéo dài và dai dẳng. Khoảng 1/4 số người bị mắc Covid-19 có các triệu chứng kéo dài trong ít nhất một tháng, 1/10 trong số này vẫn không thấy khỏe lại sau 12 tuần, một số bệnh nhân rơi vào tình trạng cơ thể suy nhược, mệt mỏi. Có người mắc các bệnh về hô hấp, tim mạch, đặc biệt là các triệu chứng phổ biến như lo âu, mất ngủ, thậm chí trầm cảm…

Mắc Covid-19 hồi đầu tháng 2 vừa qua, sau khi âm tính khoảng 10 ngày, chị Vũ Hồng Vân (Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) bắt đầu xuất hiện triệu chứng mỏi mệt, hụt hơi khi nói, chị thường xuyên có cảm giác bất an, lo lắng dẫn đến mất ngủ.

“Trong thời điểm mắc Covid-19, tôi thấy sức khỏe bình thường, chỉ rát họng và ho nhẹ, thế nhưng sau khi khỏi bệnh, tôi thấy cơ thể mình có nhiều điểm khác lạ. Khi lên xuống cầu thang hay luôn cảm thấy rất mệt mỏi, hụt hơi khi nói và đặc biệt luôn cảm giác lo lắng không yên vì một điều gì đó”, chị Vân nói.

Có triệu chứng hậu Covid-19 khác với chị Vân, chị Nguyễn Thanh Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) lại bị ho suốt ngày, đêm. Các cơn ho xuất hiện với tần suất dày đặc, ho nhiều nhất vào ban đêm, vì thế chị mất ngủ thường xuyên. Dù đã đi khám và điều trị gần một tháng nay nhưng ho vẫn không thuyên giảm. Do thiếu ngủ nên chị Thủy thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, cơ thể suy nhược, luôn mất tập trung trong công việc, trí nhớ suy giảm.

“Khi mắc Covid-19, hầu như tôi không có triệu chứng nào mà chỉ bị ho nhẹ. Tôi chỉ uống thuốc ho và bổ phế. Sau khi âm tính khoảng 4 ngày bỗng dưng các cơn ho sâu xuất hiện. Tôi bị ho suốt ngày, suốt đêm. Càng về khuya thì ho càng nhiều hơn. Do ho nhiều nên hơn 1 tháng nay tôi không có giấc ngủ trọn vẹn, mỗi đêm chỉ ngủ từ 2-3 giờ, sức khỏe suy kiệt, luôn trong tình trạng mệt mỏi”, chị Thủy cho hay.

Ngoài các triệu chứng hậu Covid như trên, nhiều bệnh nhân còn có các biểu hiện như trầm cảm, lo lắng, bồn chồn, chán ăn, trí nhớ kém, đầy bụng, sút cân, cơ thể nóng, lạnh thất thường… Không chỉ gặp các vấn đề về thể chất mà sau mắc Covid-19 nhiều người còn gặp phải vấn đề về tinh thần, tâm lý.

Trước thực trạng trên, để “trấn an” người dân bớt lo lắng hậu Covid, các chuyên gia y tế khuyến cáo và cho rằng, di chứng hậu Covid-19 không đáng sợ. Mọi người không nên quá hoang mang nếu hiểu rõ, hiểu đúng về nó. Thực tế, chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong do các biến chứng hậu Covid-19.

Người bệnh không nên “phức tạp hóa” quan niệm về hậu Covid, nếu tiếp tục tự cường điệu các dấu hiệu tiêu cực của sức khỏe, dễ dẫn đến sang chấn tâm lý. Rất nhiều người đã vượt qua các triệu chứng phổ biến hậu Covid-19 chỉ bằng cách suy nghĩ tích cực hơn, chăm chỉ tập luyện, có chế độ dinh dưỡng khoa học.

Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), các di chứng hậu Covid-19 có nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe con người như, rối loạn về tinh thần, thể chất, trầm cảm, tức ngực, khó thở, hệ tim mạch. Các triệu chứng hậu Covid không phải ai cũng bị, nhưng nếu bị phải quan tâm để chữa trị dứt điểm chứ không thể cho rằng, đó chỉ là bệnh bình thường.

Theo ông Phu, các di chứng hậu Covid-19 có thể để lại những hậu quả nhất định, do đó, ngoài việc ăn uống, tập luyện, thì người bệnh cần theo dõi sức khỏe, nếu có những dấu hiệu bất thường như mất ngủ, rối loạn tinh thần, mệt mỏi nhiều, đau tức ngực hoặc khó thở thì cần đi khám bác sĩ, từ đó được tư vấn và điều trị kịp thời.

“Các triệu chứng hậu Covid không phải ai cũng giống ai, có người có triệu chứng này, có người có triệu chứng khác. Mọi người không nên quá lo lắng và cần bình tĩnh, bởi nếu lo lắng quá sẽ dẫn đến bất ổn về tinh thần, từ đó có thể khiến bệnh tình trầm trọng hơn”, ông Phu cho hay.

Về chế độ ăn uống, theo ông Phu, người bệnh cần ăn đủ chất, ăn nhiều thực phẩm có chứa vitamin, ăn nhiều hoa quả, tăng cường vận động. Cùng với đó, cần có chế độ sinh hoạt và tập luyện phù hợp để cơ thể hồi phục toàn diện. Người bệnh nên tập các bài tập thở đơn giản để cải thiện lưu lượng máu đến phổi và các đường dẫn truyền trong lồng ngực, giúp tăng cường chức năng phổi. Để cải thiện sức khỏe dần dần, người bệnh nên có một chế độ nghỉ ngơi hợp lý và ngủ đủ giấc. Điều này sẽ giúp tăng cường hệ thống miễn dịch chống lại dịch Covid-19.

Ngoài ra, người bệnh không nên hút thuốc, hạn chế tiếp xúc với khói bụi ô nhiễm, hóa chất độc hại để tránh làm tăng nguy cơ nhiễm trùng phổi và phát triển các bệnh về hô hấp khác. Đồng thời, nghiêm túc thực hiện 5K để tránh tái nhiễm biến chủng khác của Covid-19.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới