Monday, November 25, 2024
Trang chủBiển nóngQuân đội TQ huấn luyện năng lực đổ bộ, tác chiến đêm

Quân đội TQ huấn luyện năng lực đổ bộ, tác chiến đêm

Bên cạnh việc bổ sung khí tài, Trung Quốc còn liên tục đẩy mạnh các hoạt động tập trận để tăng cường khả năng tác chiến viễn chinh, đổ bộ và tấn công vào ban đêm.

Mới đây, tờ Hoàn Cầu thời báo đưa tin Quân đoàn 74 của Trung Quốc vừa tiến hành cuộc tập trận đổ bộ bắn đạn thật vào ban đêm. Quân đoàn này có bộ chỉ huy đóng tại TP.Huệ Châu, tỉnh Quảng Đông – địa phận của Quân khu Nam bộ của quân đội Trung Quốc (PLA).

Đẩy mạnh tập trận ban đêm

Đầu tháng 4, tờ South China Morning Post đưa tin truyền thông nhà nước Trung Quốc vừa liên tục đăng tải thông tin về việc PLA tiến hành các cuộc tập trận xuyên suốt cả ngày lẫn đêm. Nổi bật trong số này, không quân Trung Quốc điều động các loại chiến đấu cơ J-11B và J-11BS bay tập trận liên tục gần 20 giờ, bay qua hơn 5.000 km, có ra biển và thử nghiệm đáp ở nhiều sân bay có địa hình khác nhau.

Tờ báo dẫn lời chuyên gia quân sự ở Đài Loan nhận định PLA đang đẩy mạnh năng lực tác chiến liên tục, đặc biệt là khả năng tác chiến xuyên đêm để tăng yếu tố bất ngờ và khả năng phản ứng tức thời, ở các vùng biển trong khu vực như Biển Đông, biển Hoa Đông…

Trong năm 2021, quân đội Trung Quốc đã tiến hành 100 cuộc tập trận vào ban đêm, trong đó có 70 cuộc tập trận diễn ra từ nửa đêm đến rạng sáng. Con số này nhiều hơn đáng kể so với năm 2020. Bởi trong năm 2020, quân đội Trung Quốc chỉ tiến hành 30 cuộc tập trận vào ban đêm, trong đó có 11 cuộc tập trận từ nửa đêm đến rạng sáng.

Trung Quốc tăng cường năng lực đổ bộ, tác chiến đêm - ảnh 2
Xe chiến đấu bọc thép của Quân đoàn 47 (PLA) tập trận đổ bộ ban đêm

Rủi ro cho khu vực Biển Đông

Song hành việc tăng cường khả năng tấn công vào ban đêm, PLA cũng đẩy mạnh khả năng đổ bộ tấn công. Hồi tháng 3 vừa qua, Hãng tin Sputnik dẫn một số thông tin cho rằng Trung Quốc có thể sắp biên chế chiếc tàu tấn công đổ bộ lớp Type 075 thứ 3.

Có độ choán nước 40.000 tấn và chiều dài khoảng 237 m, tàu đổ bộ tấn công Type 075 có thể mang theo 30 trực thăng chiến đấu đa nhiệm Z-8 hoặc Z-9. Không những vậy, Bắc Kinh đang phát triển máy bay chiến đấu thế hệ 5 tàng hình J-31 phiên bản cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng để trang bị cho tàu Type 075, giúp chiến hạm này trở thành tàu sân bay tương tự Mỹ triển khai chiến đấu cơ F-35 cho tàu đổ bộ lớp America, lớp Wasp.

Ngoài Type 075, Trung Quốc những năm qua cũng bổ sung thêm tàu vận tải đổ bộ Type 071 có độ choán nước khoảng 20.000 tấn. Loại tàu này có thể chở theo từ 600 – 800 binh sĩ cùng 4 tàu đệm khí đổ bộ Type 726 và một số máy bay trực thăng. Trong đó, mỗi tàu đệm khí đổ bộ Type 726 có thể chở theo hàng chục binh sĩ cùng 1 xe tăng chiến đấu chủ lực hoặc 2 xe bọc thép đổ bộ ZBD-05. Thời gian qua, Trung Quốc từng nhiều lần điều động tàu Type 075 và Type 071 hoạt động, tập trận ở Biển Đông khiến giới quan sát lo ngại.

Để nâng cao năng lực đổ bộ, PLA còn đang tìm cách bổ sung năng lực đổ bộ đường không bằng thủy phi cơ AG600. Đây là thủy phi cơ lớn nhất thế giới và vừa hoàn thành thêm một bước thử nghiệm hồi tháng 2 để sớm đưa vào sử dụng dự kiến trong năm nay, theo tờ Hoàn Cầu thời báo. AG600 có khả năng chở theo khoảng 30 binh sĩ cùng vũ khí, tầm bay hơn 4.000 km và tốc độ hành trình khoảng 500 km/giờ.

Từ giữa năm 2020, tờ Hoàn Cầu thời báo thông tin rằng với việc trang bị thủy phi cơ AG600, quân đội Trung Quốc có thể dễ dàng tiếp cận các đảo ở Biển Đông để bảo vệ cái mà nước này tự gọi là “lợi ích cốt lõi”. Theo đó, khi được triển khai ở căn cứ Tam Á trên đảo Hải Nam, máy bay AG600 cho phép Trung Quốc có thể nhanh chóng chuyển quân đến bất cứ khu vực nào trên Biển Đông. Việc AG600 có thể đáp trên mặt nước cho phép các binh sĩ có thể đổ bộ từ biển.

Chính vì thế, khi phối hợp các loại tàu đổ bộ Type 075 và Type 071 với thủy phi cơ AG600, Trung Quốc có thể hình thành năng lực đổ bộ cả bằng đường không lẫn đường biển. Điều này đánh giá là một rủi ro cho khu vực Biển Đông khi Bắc Kinh thời gian qua liên tục quân sự hóa vùng biển này và có nhiều hành vi gây căng thẳng.

Úc cản Solomon ký kết thỏa thuận an ninh với Trung Quốc

Reuters đưa tin hôm qua (13.4), Úc chính thức đề nghị Thủ tướng Manasseh Sogavare của Quần đảo Solomon không ký vào thỏa thuận an ninh gây tranh cãi với Trung Quốc. Bản dự thảo của thỏa thuận trên đã bị rò rỉ vào tháng trước. Trong đó, điểm gây chú ý chính là các điều khoản sẽ cho phép Trung Quốc triển khai lực lượng an ninh và hải quân đến Quần đảo Solomon.

Từ lâu, Mỹ và các đồng minh tại khu vực luôn lo ngại viễn cảnh Trung Quốc sẽ tiến tới đặt căn cứ hải quân ở nam Thái Bình Dương. Điều này cho phép Bắc Kinh triển khai sức mạnh hải quân vượt xa biên giới của nước này.

Bên cạnh đó, năm ngoái và năm nay, không quân Trung Quốc liên tục huấn luyện bay thời gian dài đối với máy bay tiêm kích. Mới nhất là vào tháng 3 vừa qua, tờ Hoàn Cầu thời báo đưa tin Chiến khu Nam bộ của PLA vừa tổ chức cuộc huấn luyện mà trong đó chiến đấu cơ J-10 đã tiến hành chuyến bay kéo dài đến 24 giờ. Chiến khu Nam bộ của PLA vốn được Bắc Kinh phân công đảm trách các hoạt động ở Biển Đông. Theo TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ), việc Trung Quốc tăng cường khả năng bay liên tục của máy bay tiêm kích còn nhằm nâng cao năng lực hộ tống cho oanh tạc cơ chiến lược – vốn có thể bay liên tục nhiều giờ.

Kết hợp các chỉ dấu trên, PLA dường như đang tăng cường cùng lúc khả năng viễn chinh, cho phép không quân tấn công bằng cả oanh tạc cơ và máy bay tiêm kích, đồng thời đổ bộ từ biển và trên không, cũng như tăng cường khả năng tác chiến đêm để có thể triển khai tấn công bất ngờ.

RELATED ARTICLES

Tin mới